Truy cập nội dung luôn

Nỗ lực tìm hướng đi mới cho thị trường xuất khẩu chè

Gần 2 năm trở lại đây, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, gây ra những cuộc khủng hoảng phi truyền thống có quy mô lớn, nhiều chuỗi liên kết bị đứt gẫy… Nền kinh tế Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy đó. Thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường xuất khẩu chè từ đầu năm đến nay, đã gần như bị đóng băng. Hiện, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chè của Thái Nguyên đang phải nỗ lực vượt khó, tìm ra hướng đi mới trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

 

Công ty Cổ phần Chè Hà Thái là 1 trong những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chè lớn của Thái Nguyên.

Công ty Cổ phần Chè Hà Thái là 1 trong những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chè lớn của Thái Nguyên. Hàng năm, doanh thu của đơn vị có đến 80% thu về từ thị trường xuất khẩu, chỉ có 20% nội tiêu. Song, do dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất khẩu của đơn vị gần như đóng băng.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chè Hà Thái cho hay: "Chúng tôi vẫn phải tiếp tục phát triển sản xuất, chăm sóc, thu hái, nhưng lại không thể xuất khẩu được, cước vận tải tăng cao. Đây cũng là khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp sản xuất chè nói riêng".

Trước bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, đặc biệt là trước những khó khăn mà các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chè đang phải đối mặt, Hội Chè tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực tìm ra những hướng đi mới nhằm ổn định sản xuất, nhất là tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế toàn cầu hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi kết nối với rất nhiều tổ chức, đơn vị, các cơ quan quản lý Nhà nước, tìm hiểu giải pháp phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay; kết nối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có sàn giao dịch điện tử hỗ trợ tiêu thụ nông sản; được sự giúp đỡ, kết nối của Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên. Chúng tôi được tiếp cận với một số trang thương mại điện tử quốc tế. Sau khi tìm hiểu chúng tôi chọn trang thương mại điện tử Alibaba.com. Chúng tôi đã thành lập nhóm tiêu thụ sản phẩm và kết nối với Alibaba để đăng ký 1 gian hàng thương mại điện tử trên Alibaba.com, các đơn vị cũng rất phấn khởi. Chúng tôi làm thí điểm; nếu thành công sẽ mở 1 nhóm nữa bởi vì mỗi nhóm không được quá 6 đơn vị".

Nửa đầu năm nay, ngành chè Thái Nguyên xuất khẩu khoảng 700 tấn chè, giá trị kinh tế thu về chưa tương xứng với tiềm lực thực sự.

Nửa đầu năm nay, ngành chè Thái Nguyên xuất khẩu khoảng 700 tấn chè, giá trị kinh tế thu về chưa tương xứng với tiềm lực thực sự. Đây cũng là thực trạng chung của ngành chè nhiều năm qua. Thực tế này cho thấy bài toán xuất khẩu chè cần một hướng đi mới, phù hợp và hiệu quả hơn trên cơ sở chú trọng chất lượng và hướng đến những thị trường khó tính…

Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chè Hà Thái nhấn mạnh: "Sản phẩm chè Thái Nguyên được thiên nhiên ban tặng cho chất đất, giá trị chè rất cao, nhưng để vào được thị trường khó tính thì chưa vì không đáp ứng được. Chúng ta phải làm thế nào đạt chuẩn hữu cơ, đạt tiêu chí như các nước yêu cầu thì sẽ đáp ứng được các yêu cầu của người sử dụng sản phẩm chè. Tôi cũng rất mong muốn trong thời gian tới, Nhà nước, các nhà khoa học, bà con nông dân đồng hành cùng doanh nghiệp để phát triển cây chè, sản xuất theo nông nghiệp hữu cơ, để định hướng vào nước nào sẽ làm theo tiêu chuẩn của nước đó, khi đó sản phẩm sẽ được các nước tiêu thụ".

“Tạm dừng nghỉ” thị trường xuất khẩu không có nghĩa là doanh nghiệp ngừng hoạt động, đây được xem là quãng thời gian để các doanh nghiệp tìm ra hướng đi mới, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khi ổn định thị trường sẽ bứt phá với những mục tiêu mới hứa hẹn mang lại sự đột phá đối với xuất khẩu ngành chè - để giá trị đóng góp của ngành chè thực sự tương xứng với tiềm năng sẵn có của vùng đất Đệ nhất danh trà./.

Hoài Thu
thainguyentv.vn