Truy cập nội dung luôn

Những doanh nhân “chân đất”

Là cây trồng chủ lực, tiềm năng, thế mạnh đặc biệt, Thái Nguyên có trên 91 nghìn cơ sở, hộ sản xuất - kinh doanh chè, chiếm gần 50% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Bài toán tiêu thụ trên dưới 240 nghìn tấn chè búp tươi mỗi năm đã khiến không ít hộ trồng chè phải tự đi tìm lời giải. Nhiều nông dân thực thụ, tưởng suốt đời chỉ quen chân lấm tay bùn với vườn bãi, đã buộc trở thành các doanh nhân ngành chè.

 

Thu hái chè tại xóm Tân Sơn, xã La Bằng

“Doanh nhân” trình độ tiểu học

Vài năm nay, người dân các vùng chè đặc sản tại các xã, huyện có một chuẩn mới để đánh giá chất lượng chè, nhiều nhà tự hào rằng, vườn chè này của nhà tôi ngon lắm, bán búp tươi nguyên liệu cho “Thắng Hường” đấy.

Thu mua những nguyên liệu tốt nhất với giá cao để làm ra những sản phẩm tốt nhất cũng bán với giá cao, thương hiệu chè “Thắng Hường” luôn được người làm chè trong tỉnh vì nể, ngưỡng mộ.

Duy trì quy mô sản xuất hộ kinh doanh, song cơ sở chè Thắng Hường (xóm Hồng Thái II, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) của gia đình anh Trần Văn Thắng, 52 tuổi, không khác gì một doanh nghiệp với hệ thống nhà xưởng, vùng nguyên liệu, đội ngũ làm thị trường được chuyên môn hóa. Bình quân, mỗi năm anh Thắng thu mua hàng chục tấn chè tươi của các hộ trong và ngoài xã để chế biến với điều kiện tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, hái đúng thời gian, tiêu chuẩn kỹ thuật của chè đinh, chè nõn. Đối với các dòng sản phẩm “chè Thắng Hường” cao cấp giá lên tới vài triệu đồng/kg. Trên trang bán hàng trực tuyến của gia đình anh Thắng đăng công khai sản phẩm “Trà đinh” được sản xuất chủ yếu từ các giống chè lai mới. Hương thơm và vị chè cũng vì thế mà của giống trà mới, thơm nồng nàn, vị trà vừa phải. Còn sản phẩm “Đinh đinh trà” là sản phẩm độc quyền và duy nhất đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu, sản xuất từ búp chè trung du cổ, thường gọi là chè ta, vị đậm vừa phải, khi thưởng trà sẽ hơi chát ở đầu lưỡi, vị ngọt thanh sẽ dần xuất hiện ở cuống họng, có hương thơm cốm tự nhiên.

Anh Trần Văn Thắng bên nương chè của gia đình

Anh Thắng tâm sự, trước đây anh theo nghề chè của gia đình chỉ với mục đích ổn định cuộc sống gia đình và nuôi 5 đứa con. Trong quá trình vừa làm vừa quan sát thị trường, nhận thấy ưu thế của chè Tân Cương so với các địa phương khác, anh chuyển sang chuyên làm chè cao cấp và ngày càng phát triển thuận lợi. Đến nay, cơ sở của gia đình anh không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định cho các con cháu mà còn thu hút hàng chục lao động địa phương.

Để đến được thành công ngày hôm nay là cả một hành trình gian nan đối với một nông dân trình độ lớp 4 như anh. Tuy nhiên, anh chưa thể hài lòng với những gì đang có, bởi lẽ nhiều hộ làm chè ở các vùng chè khác của tỉnh đang đặt niềm tin vào việc sản xuất kinh doanh của gia đình anh. Nhờ được bao tiêu đầu ra với giá cao, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển hướng sang làm chè an toàn, chất lượng cao. Đây là điều rất đáng mừng vì không chỉ người dân có thu nhập cao hơn từ cây chè mà chất lượng chè Thái cũng sẽ ngày càng tốt hơn, có sức cạnh tranh cao hơn.

Nữ “doanh nhân chân đất”

Theo thông tin của Hội Chè Thái Nguyên, hiện toàn tỉnh có 106 đơn vị hội viên sản xuất, kinh doanh chè. Trong đó có trên 40 doanh nghiệp, 52 hợp tác xã (HTX), 4 câu lạc bộ, 1 hội nghề nghiệp và 9 cơ sở hộ gia đình.

Được đánh giá là một trong số đơn vị hoạt động hiệu quả nhất, HTX chè La Bằng đang thực hiện mô hình chuỗi giá trị sản phẩm chè hữu cơ, với 15 thành viên và hơn 100 hộ liên kết. Hàng năm, sản lượng chè tiêu thụ của HTX trên dưới 10 tấn, các sản phẩm có giá bán cao và ổn định trên thị trường, khẳng định thương hiệu chè La Bằng với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Vốn luôn quan tâm, tìm hiểu về chè, tôi may mắn được chứng kiến hành trình phát triển của HTX chè La Bằng từ những ngày “trứng nước”. Tôi nhớ rõ cách đây hơn 15 năm, vào sáng mùa hè năm 2006, tôi được Chủ tịch Hội Chè Thái Nguyên lúc đó là ông Vi Văn Thư, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh lái xe đưa đi La Bằng để tìm hiểu việc thành lập HTX và đăng ký thương hiệu chè La Bằng.

Vào thời điểm đó, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa vẫn còn rất xa lạ với cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng ở nhiều địa phương chứ không riêng gì Thái Nguyên. Riêng về chè, hầu hết các hộ gia đình tự sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, tiêu thụ thì có người buôn đến nhà thu mua hoặc mang ra chợ bán dưới dạng nguyên liệu thô. Vì thế, việc vận động các hộ trong xóm tham gia vào HTX và làm các thủ tục đăng ký nhãn hiệu của chị nông dân Nguyễn Thị Hải là một hướng đi hoàn toàn mới lạ, không cần thiết và khá mạo hiểm trong suy nghĩ của nhiều người.

Trở lại câu chuyện về 15 năm trước, hôm đó trời mưa rào rất lâu, đến gần UBND xã La Bằng, ông Thư dừng xe để hỏi đường vào nhà chị Hải thì được trả lời rằng vì là phiên chợ nên chị Hải đang buôn chè ngoài chợ cách đó không xa. Người đó nói chúng tôi đợi rồi đội nón chạy ra chợ tìm chị Hải giúp.

Trưa hôm đó chúng tôi ăn cơm cùng gia đình chị Hải, bữa cơm đãi khách chỉ có canh rau ngót vườn nhà và trứng gà rán cũng của nhà. Trong câu chuyện, chị Hải chia sẻ những khó khăn của chị trong quá trình đi làm các thủ tục thành lập HTX:

- Các bác thấy đấy, nông dân chúng em ít học ít chữ mà cứ đòi hỏi văn bản đơn từ nọ kia thì chúng em chịu chết. Bảo chúng em cuốc đất, hái chè thì được chứ động đến giấy tờ thì chúng em đầu hàng.

Được sự ủng hộ tuyệt đối của lãnh đạo xã, những người thực sự có tầm nhìn xa trông rộng, HTX đã được thành lập cùng với nhãn hiệu tập thể chè La Bằng. Đến nay, chị Nguyễn Thị Hải đã là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX.

Tuy vùng nguyên liệu của HTX chỉ chiếm 10% tổng diện tích hơn 400 ha chè của toàn xã La Bằng, song với sự mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, đổi mới trang thiết bị công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, sản phẩm chè của HTX chè La Bằng cung cấp ra thị trường đa dạng về hình thức, mẫu mã cùng với chất lượng luôn luôn được đảm bảo, được người tiêu dùng trong nước cũng như bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Cũng như anh Thắng và chị Hải, tại các vùng chè của tỉnh, không khó để gặp những nông dân “gánh” thêm các chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc… của các HTX chè, các cơ sở sản xuất kinh doanh chè. Họ không chỉ đang tìm cách nâng giá trị cây chè, nâng cao thu nhập cho người làm chè, mà hơn thế nữa, họ đang góp phần phát triển ngành chè, giúp Thái Nguyên ngày càng thịnh vượng. Họ cũng xứng đáng được tôn vinh như những doanh nhân thực thụ.

Thu hái chè tại xóm Tân Sơn, xã La Bằng

Bạch Liễu (TP. Thái Nguyên)
thainguyen.gov.vn