Truy cập nội dung luôn

Ngẫm ngợi bên bàn trà

Sinh ra và lớn lên ở đất trà, với tôi uống trà đã thành thủ tục, thành thói quen khó bỏ. Đi nhiều, gặp nhiều, uống trà ở nhiều chỗ khác nhau, tôi thường vơ vẩn nghĩ về một thứ: Chiếc bàn trà.

 

Ảnh minh họa

Để có ấm trà pha cho mình uống hoặc để mời khách, đồ lề tối thiểu phải có 4 thứ: Nước sôi, trà, ấm và chén. Từ 4 thứ cơ bản này, người ta “phiên” ra hàng chục thứ cầu kỳ khác. Đến uống trà ở nhà anh Quyền Phong (Đại Từ), tôiđược chiêm ngưỡng một bàn đầy ắp “trà cụ”: Hệ thống đun nước tự động, bát to đựng nước sôi “trần” chén, những con cóc ngọc (dội nước vào cho gia chủ phát tài phát lộc), dăm bẩy chiếc ấm trà to nhỏ (dùng riêng cho mỗi loại trà), các loại kẹp gắp, đĩa lót chén và khăn lau… Thời gian chờ chủ nhà thư thái pha trà, cẩn trọng rót ra các chén bưng hai tay mời khách, là những phút giây khách cảm nhận được sự trân trọng của chủ nhân với trà và với khách.

 Ở những cơ sở chế biến chè lớn của xã Tân Cương (TP.Thái Nguyên), tôi được uống trà trong nhiều không gian đẹp, thậm chí cầu kỳ. Gia đình nhà Hảo Đạt làm hẳn một bảo tàng trà, vừa uống trà vừa ngắm thác nước, hoa lá, tham quan tìm hiểu nghề chè truyền thống của gia đình. Tất cả các bàn trà ở đây đều bằng gỗ nguyên khối, ấm chén đẹp và sạch. Nước pha trà lấy ở giếng ngon nhất vùng, nên khách đã uống trà mẫu thì không thể không mua. Nhà bà Kim Phúc cũng có “đình trà” xây giữa vườn chè, bên hồ nước. Tương tự, các nhà kinh doanh chè nổi tiếng khác như Thắng Hường, Tiến Yên, An Dương… đều rất chăm chút cho bàn trà và nơi uống trà.

Người làm chè chuyên nghiệp đầu tư cho bàn trà là điều dễ hiểu. Còn thì hầu hết các gia đình ở Thái Nguyên đều có bàn trà đơn giản gồm 4 dụng cụ như trên đã nói. Sáng ra, việc đầu tiên của người trong nhà là đun phích nước sôi, rửa ấm chén thật sạch úp cho khô ráo, ăn sáng xong là pha ấm trà thưởng thức. Thật hiếm nhà ai không có bộ ấm chén đặt ở bàn phòng khách; thật hiếm đến nhà ai mà chủ không pha trà mời uống.

Nơi uống trà của nhà bà Kim Phúc, xóm Soi Vàng, xã Tân Cương

Tôi có hạnh phúc được ngồi uống trà bên chiếc bàn đá đặt dưới giàn phong lan hoa trĩu trịt. Lại có lần được đắm chìm trong không gian của hương trà và nhạc không lời. Hoặc ngồi bên hồ ngắm những chú cá cảnh quẫy tung nước như muốn nhao lên xin cùng thưởng trà… Những lúc như thế, cảnh, trà và người hòa quyện thăng hoa, giá trị cuộc sống tăng lên mấy phần.

Nhưng tiếc thay, không ít gia đình ở Thái Nguyên chúng ta (trong đó có nhiều nhà làm chè), lại không quan tâm đến bàn trà. Trong nhà họ, bàn tiếp khách keo két vết bẩn, ngổn ngang vụn thuốc lào, điếu, bát, đồ chơi trẻ con. Thấy khách đến, chủ nhà vội vàng lấy chiếc khăn đen thui lau chùi qua loa. Có người dùng chính chiếc khăn ấy lau chén rót nước mời khách. Nhiều nhà ấm chén không đủ bộ, cái to cái nhỏ, cái gẫy quai cái mẻ miệng; nhiều nhà không sẵn nước sôi, nước rót ra nhạt thếch không mùi vị.

Có phải những người đó bận công việc đến nỗi không đủ thời gian chăm chút cho bàn trà? Hoàn toàn không. Bởi tôi thấy họ ngồi lướt mạng hay tán gẫu, hơn nữa việc lau bàn rửa chén tốn có nhiều thời gian đâu. Có phải họ nghèo đến mức không đủ tiền mua bộ “trà cụ” cho tử tế? Cũng hoàn toàn không. Bởi bộ ấm chén Bát Tràng, cái phích nước Rạng Đông chỉ vài ba trăm nghìn, bán 2 cân chè có thể dùng vài năm trời. Vấn đề là ở thói quen sinh hoạt luộm thuộm, mất vệ sinh của không ít người “lan” đến cả chuyện uống trà. Ở những bàn trà như thế không thể có trà ngon và khách cũng chỉ nhấp trà cho phải phép.

Tôi nhớ nhà văn Nguyễn Tuân, trong tản văn “Phở” nổi tiếng, ông viết: “Trong một giọt nước rơi lóng lánh có cả câu chuyện của vầng thái dương; trong một miếng ăn, cũng thấy rộng được ra những điều cao cả”. Tương tự ở đây, nhìn bàn trà có thể biết tính cách chủ nhân và nền nếp gia đình; biết cả độ hưởng thụ cuộc sống và trân quý bản thân họ ở mức nào.

Mong sao ở nơi “Đệ nhất danh trà” này trà sẽ được tôn vinh hơn nhờ những bàn trà sạch đẹp đặt trong mỗi gia đình.

Yến Thanh
thainguyen.gov.vn