Truy cập nội dung luôn

Hương trà thêm một lần thơm

Khi còn vài tháng nữa mới xây dựng gia đình cho con trai, bác tôi ở quê đã gọi điện nhờ mua giúp trà Thái Nguyên. Để tôi dễ nhớ, bác còn nhắn tin ghi rõ số lượng trà cần dùng cho buổi nhà trai sang nhà gái thưa chuyện và cho lễ ăn hỏi, lễ cưới. Bác bảo: “Hôn lễ của tụi trẻ là việc trọng, khách hai họ uống ly trà Thái cũng là niềm vui của gia đình”.

 

Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm trà cho du khách 

Không hẳn quê tôi hiếm nơi bán trà. Những lần về quê, tôi dễ dàng bắt gặp nhiều cửa hiệu bán các loại trà với bao bì, mẫu mã đẹp gắn mác “chè Thái”. Đàm đạo bên tách trà Thái Nguyên tôi đem về, bác tôi và những người sành trà đều thừa nhận sự khác biệt của trà Thái chính hiệu. Có lẽ trong cơ chế thị trường hiện nay, thương hiệu “Thái Nguyên đệ nhất danh trà” đã quá nổi tiếng, nhiều thương lái không bỏ lỡ cơ hội để tận dụng.

Sinh ra trên miền quê “nửa đồng nửa núi” này, tôi hãnh diện bởi Thái Nguyên không chỉ là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hiến, truyền thống cách mạng, là chiếc nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam mà còn có chè. Giống như nhiều người dân xứ Thái, tôi không khó để phân biệt các loại trà khi uống. Tuy vậy, từ khi để tâm tìm hiểu về cây chè và việc chế biến các loại trà, tôi thấy hương vị trà Thái Nguyên dường như độc đáo hơn.

Không chỉ quyến rũ người thưởng thức bằng hương thơm vị đượm, nước vàng xanh, chát ngọt đậm đà, uống xong có vị ngọt ngậy, lắng sâu trong vị giác, mà các làng nghề trồng chè Thái Nguyên ngày càng được bạn bè trong nước và quốc tế biết tới bởi sự hiếu khách và phong cảnh đẹp đến ngỡ ngàng. Bên làng xóm trù phú, những dải đồi ngập tràn màu xanh của chè như những đợt sóng nhấp nhô, uốn lượn tạo nên một khung cảnh thật lãng mạn.

Không ai biết đích xác cây chè có mặt ở Thái Nguyên từ thời gian nào, cũng chẳng ai nhớ từ khi nào chè Thái Nguyên đã phủ xanh đất đai nhiều vùng trong tỉnh. Theo một số tài liệu, cây chè của Thái Nguyên có nguồn gốc từ Phú Thọ, được một người dân của xã Tân Cương tên là Đội Năm, người sau này được tôn là ông tổ của làng chè Tân Cương mang về trồng. Thời Pháp thuộc, thương hiệu chè Cánh Hạc Tân Cương đã nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc.

Những năm gần đây việc phát hiện ra rừng chè cổ tại độ cao 851 m (so với mực nước biển) thuộc khu rừng nguyên sinh núi Bóng, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ đặt ra nhiều giả thiết về nguồn gốc cây chè trên mảnh đất Thái Nguyên. Các cây chè cổ thụ này có chiều cao khoảng 30 m, thân cây có đường kính gần 1 m. Một số người có chuyên môn cho rằng những cây chè này tồn tại từ hàng trăm năm nay. Chưa có nghiên cứu cho thấy các cây chè cổ thuộc loại chè nào, nhưng việc phát hiện rừng chè cổ là một tín hiệu vui đối với bất kì ai yêu mảnh đất này. Cùng với những thăng trầm của lịch sử, cây chè Thái Nguyên có một sức sống mãnh liệt và thực sự hội tụ tinh hoa của trà Việt, bởi đây là thứ trà của nghệ thuật được chắt lọc, kết tinh từ hương trời hương đất, từ mồ hôi công sức và tình cảm của con người Thái Nguyên.

Tận mắt chứng kiến người nông dân trồng, chăm sóc và chế biến chè, tôi mới hiểu vì sao trà Thái Nguyên lại thơm ngon đến thế. Bí quyết của người làm chè là phải cẩn thận ở từng khâu, từ chọn giống, làm đất trồng, chăm sóc và thu hái. Búp chè hái về phải chế biến ngay theo đúng quy trình kỹ thuật. Từ những vườn chè mênh mông bát ngát non nõn một màu xanh ấy, bà con nông dân chế biến ra nhiều loại chè thương phẩm. Nhờ áp dụng nghiêm ngặt kỹ thuật và tuân thủ yêu cầu của tiêu chuẩn sản xuất chè sạch, chè an toàn, sản phẩm chè của bà con được người tiêu dùng tín nhiệm và chiếm lĩnh thị trường. Giá trị sản phẩm ngày càng cao, đời sống bà con làm chè được cải thiện.

Dẫu không phải người kinh doanh mặt hàng trà, mỗi lần có dịp tôi vẫn dành thời gian tới các chợ chè của Thái Nguyên. Chợ chè là một nét độc đáo khác hẳn nhiều chợ truyền thống khác. Người đến chợ không chỉ bán, mua thông thường, mà còn là để giao lưu tâm tình giữa người yêu trà Thái và người làm chè. Hầu hết người mang chè tới chợ đều có thêm siêu nước, phích, ấm chén. Khách có thể pha “tuyển” tùy ý. Người bán, mua, người đi khảo giá, hoặc chỉ đi chơi với mọi sắc thái đều gặp nhau ở những chén trà. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người làm chè đã nghiên cứu và đưa ra tiêu thụ trên thị trường nhiều loại sản phẩm cao cấp: Chè đinh, chè tôm nõn, chè túi lọc, chè sen, kẹo lạc trà xanh, bột trà xanh non….

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, chè Thái Nguyên có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhờ những thành phần có trong lá chè. Chính vì vậy xu hướng kết hợp chè Thái Nguyên với các loại thảo mộc đang dần phổ biến, được nhiều người đón nhận, đó là trà gừng, trà bạc hà, trà húng quế, trà cam thảo, trà hoa cúc. Mỗi loại trà có một công dụng riêng biệt với làn hương nhẹ nhàng lan tỏa làm say đắm lòng người.

Việc thưởng trà không chỉ tồn tại trong các không gian trưng bày, giới thiệu trà mà trở thành nét văn hóa trong mỗi gia đình. Cảm thấy mình thật thanh tịnh, an yên là điều ai cũng có được bên tách trà thơm. Gần đây mô hình du lịch trải nghiệm các làng nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh chè được triển khai. Nhấp chén trà thơm tại chính nơi trồng với những nương chè được chăm chút tạo tác như một tác phẩm nghệ thuật đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho du khách.

Hương vị của trà Thái Nguyên không thể lẫn với bất cứ loại trà nào khác, là sản phẩm quý của miền đất này. Với các sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú, có thể không quá lời khi nói rằng cây chè và bà con nông dân đã và đang làm cho hương trà Thái Nguyên thêm một lần thơm dành cho người thưởng thức./.

Phan Thái (CTV)
thainguyen.gov.vn