Truy cập nội dung luôn

"Buôn chè" thời 4.0

Một vài năm gần đây, việc cán bộ, công chức các sở, ngành của tỉnh chào bán sản phẩm chè mang "thương hiệu" riêng của gia đình trên trang mạng, phổ biến là trên facebook cá nhân đã trở nên quen thuộc. Đây có thể coi là một cuộc cạnh tranh khá gay cấn với hàng chục, hàng trăm nhãn hiệu nổi tiếng của hàng chục vùng chè tại các địa phương trong tỉnh.

 

Kiểm tra chất lượng chè búp tươi

Chị Dương Thị Hường Thái, công tác tại Ban Dân tộc tỉnh, liên kết với gia đình chị Phạm Thị Hương, xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên hơn 3 năm nay. Mỗi năm, chị Thái đặt hàng trên dưới một tấn búp khô với 4 loại sản phẩm chính gồm chè đinh, chè nõn, chè búp đặc sản, chè búp thường, mang nhãn hiệu "Trà Thái Kiên" để cung cấp cho khách hàng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Chị Thái tâm sự, do chồng chị làm trong môi trường doanh nghiệp, nhu cầu chè uống, chè tiếp khách, tặng bạn hàng rất lớn, mỗi tháng có khi phải mua đến cả tạ chè, nên chị luôn phải tìm đến các hộ làm chè ngon.

Tại Festival Trà Quốc tế Thái Nguyên 2013, gian hàng của xã Tân Cương đặt ngay tại khu vực cổng cơ quan chị, khi uống thử, chị đã rất thích sản phẩm chè búp khô của gia đình chị Phạm Thị Hương ở xóm Hồng Thái 1.

 Tuy nhiên, vợ chồng chị Hương chủ yếu làm chè nguyên liệu và bán buôn cho thương lái, chưa chú trọng khâu bán lẻ, trong khi khách hàng và người quen của chị Thái thì đòi hỏi khá cao về chất lượng, mẫu mã, nên chị Thái đã cam kết tiêu thụ sản phẩm và tư vấn cho gia đình chị Hương đầu tư máy móc thiết bị.

 Từng có thời gian làm việc tại Công ty Chè Sông Cầu, chị Thái là người sành chè và khá hiểu biết về chè, vì thế cũng khá "khó tính" với sản phẩm mang nhãn hiệu ghép từ tên mình và tên ông xã. Mỗi mẻ chè, trước khi đóng gói chuyển đến cho bạn hàng, chị đều tự mình kiểm tra chất lượng, từ khâu lấy hương, pha để thử vị, màu nước xem đã đảm bảo "đúng chuẩn" hay chưa.

Chị cho biết, mỗi giống chè đều có đặc điểm riêng. Chè trung du đậm nước, ngọt hậu, chè lai thì cho màu nước xanh hấp dẫn, các loại giống mới thì có mùi hương tinh tế. Vậy nên, khi trộn các loại chè khác nhau với một tỷ lệ phù hợp, sẽ được sản phẩm chất lượng vượt trội so với để riêng từng loại. Tỷ lệ này thì tùy thuộc vào "gu" của mỗi người và của khách hàng quen thuộc.

Gia đình chị Phạm Thị Hương có 13 sào chè, mỗi lứa thu hái gần 2 tấn búp tươi, sau chế biến được khoảng 400kg búp khô. Mặc dù cả hai vợ chồng đều làm chè giỏi, là thành viên chính trong các đội thi sao chè tại các Festival trà Quốc tế của tỉnh, từng được giải Bạc, song sản phẩm búp khô của gia đình suốt nhiều năm chỉ bán dạng thô tại chợ Phúc Trìu.

Chị Phạm Thị Hương chia sẻ, các hộ làm chè hầu như rất thiếu kỹ năng quảng bá và bán hàng. Do chè nguyên liệu dễ bán nên các gia đình cũng ít chú trọng cải tiến, đầu tư phương tiện để nâng cao giá trị sản phẩm. Vài năm trước đây, gia đình chị toàn bán chè thô, mỗi khi có khách đặt phải chở đi thuê đóng túi nhỏ, ép chân không. Việc gửi hàng và thanh quyết toán qua thẻ cũng cảm thấy rất khó khăn rắc rối, cơ quan nào có nhu cầu đặt hàng thường xuyên cần hóa đơn chuyển khoản thì cũng không đáp ứng được. Rất may là có những khách hàng tâm huyết với chè như chị Thái tư vấn, đồng hành giúp gia đình phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Từ khi gia đình chị làm chè theo đặt hàng của chị Dương Thị Hường Thái, tuy đòi hỏi làm cẩn thận, nhưng chất lượng hơn trước nhiều và giá cao hơn hẳn. Càng mừng hơn là qua kênh bán hàng của chị Thái, được quảng bá rộng rãi mẫu mã, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nên ngày càng thêm nhiều khách hàng biết đến sản phẩm của gia đình và liên hệ đặt hàng.

Để đảm bảo nguồn hàng, mấy năm nay, gia đình chị Hương đã liên kết với hơn mười hộ trong xóm, hàng năm sản xuất, chế biến, tiêu thụ trên dưới 7 tấn chè búp khô, trong đó có sản phẩm trà đinh lên tới vài triệu đồng/kg.

Theo chị Dương Thị Hường Thái, xuất phát từ nhu cầu của gia đình, chị cần nguồn cung cấp chè chất lượng, ổn định. Song, khá nhiều người sau khi uống, tin tưởng vào chất lượng, độ an toàn và nguồn gốc hàng hóa đã liên hệ nhờ chị mua giúp. Vốn không đặt nặng mục đích kinh doanh, chị Thái đã giới thiệu nhiều khách đến trực tiếp đặt hàng tại gia đình chị Hương. Nhưng một số cơ quan của người quen ở các tỉnh thì chỉ tin cậy đặt hàng với chị nên chị bất đắc dĩ trở thành "lái buôn".

Để có sản phẩm tốt nhất cung cấp cho khách hàng, ngoài việc chọn lựa vùng nguyên liệu an toàn, chất lượng, thì chị kiểm soát chặt khâu chế biến. Nhiều khi, chị yêu cầu đổi cả mẻ chè hàng tạ chè, chỉ vì lấy hương chưa đạt yêu cầu.

Chị Thái tâm sự rằng mỗi khi gửi chè đến bạn hàng, người quen, không đơn thuần là mua giúp một món đồ, mà mong muốn giới thiệu đến mọi miền đất nước một đặc sản quý của tỉnh Thái Nguyên không nơi nào có được. Nhất là mỗi khi, có người đặt chè mang ra nước ngoài, niềm tự hào ấy càng nhân lên gấp bội, nhiều khi, chị thậm chí còn tặng luôn không lấy tiền.

Góp phần khẳng định uy tín, vị thế số 1 của thương hiệu chè Thái Nguyên với người tiêu dùng trong và ngoài nước, đó là mục đích cao nhất mà chị Dương Thị Hường Thái, cũng như các cán bộ, công chức đồng hành cùng nông dân làm thương hiệu chè đang hướng tới.

Nguồn: thainguyen.gov.vn

Tác giả: Bạch Liễu