Truy cập nội dung luôn

Trực tuyến: “Thái Nguyên nỗ lực thực hiện tốt công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19”

2020-06-18 09:06:00.0

Thưa quý vị và các bạn!

Thời điểm này ở nước ta, đại dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên hậu quả để lại của dịch bệnh khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, thậm chí tạm dừng hoạt động. Từ đó khiến nhiều người lao động rơi vào cảnh mất việc làm, giảm thu nhập, thậm chí thất nghiệp.

Nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, người lao động cả nước, góp phần ổn định xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42 và Quyết định 15 về việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 bằng gói hỗ trợ tổng thể về an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn mang tính cấp bách mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ dành cho người dân, doanh nghiệp để giúp họ chia sẻ bớt gánh nặng.

Làm thế nào để triển khai kịp thời đến các đối tượng được hỗ trợ, bảo đảm minh bạch, không bỏ sót, cũng không bị trục lợi là điều nhiều địa phương đặc biệt quan tâm, trong đó có Thái Nguyên. Để làm rõ những nội dung xung quanh việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, chúng tôi mời đến trường quay bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để tham gia tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Thái Nguyên nỗ lực thực hiện tốt công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19”.

MC Thanh Thủy: Thưa bà, đối tượng được trợ cấp an sinh xã hội đã được Chính phủ quy định rõ, tuy nhiên thực tế hiện nay, nhiều người thuộc đối tượng vẫn chưa nắm rõ mình thuộc đối tượng nào và được hưởng trợ cấp không, hưởng trợ cấp bao nhiêu? Vậy bà có thể nói rõ hơn về chính sách hỗ trợ của Chính phủ?

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Như chúng ta đã biết, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nhằm chia sẻ khó khăn, đảm bảo cuộc sống của nhân dân, trong tháng 4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15 về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây là một chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, mang tính nhân văn rất cao, với diện đối tượng rộng, lớn nhất từ trước tới nay. Theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ có 08 nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ gồm:

Một là: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương: được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian nghỉ việc thực tế, tính từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 và không quá 3 tháng.

Hai là: Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động, được vay với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại cho người lao động.

Ba là: Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01 tháng 4 năm 2020: được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian tạm dừng kinh doanh thực tế, nhưng không quá 3 tháng.

Bốn là: Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo thời gian nghỉ việc thực tế nhưng không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6/2020.

Năm là: Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm: được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng, tối đa không quá 3 tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo thời gian nghỉ việc thực tế nhưng không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6/2020.

Sáu là: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng: mức trợ cấp 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả một lần.

Bảy là: Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng: mức trợ cấp 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả một lần.

Tám là: Hộ nghèo, hộ cận nghèo: mức trợ cấp 250.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả một lần.

Chi trả hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại T.P Sông Công

MC Thanh Thủy: Xin bà cho biết hiện nay việc chi trả Gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ đã và đang được thực hiện như thế nào trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên?

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện gói hỗ trợ này. Gói hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng được tỉnh chi trả rất sớm, bắt đầu từ ngày 29/4 và theo 2 đợt:

Đợt 1 hỗ trợ cho các nhóm đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo. Đến hết tháng 5, 9/9 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã chi trả xong cho 03 nhóm đối tượng trên, với tổng số người được hỗ trợ là hơn 167.000 người, tổng kinh phí hỗ trợ trên 162 tỷ đồng.

Hiện nay, tỉnh đang khẩn trương tập trung triển khai chi trả đợt 2, 05 nhóm đối tượng còn lại đang được các địa phương, cơ quan chức năng rà soát, tổng hợp, thống kê, lập danh sách, xác minh, thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để hỗ trợ. Phấn đấu chi trả xong  trong tháng 6/2020.

Tính đến ngày 17/6, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã nhận được hồ sơ trình của các huyện, thành phố, thị xã đề nghị hỗ trợ cho 465 người lao động. Sở đã phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh thẩm tra trước khi trình UBND tỉnh.

Hiện tại, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt và thực hiện chi trả hỗ trợ cho 223 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, với số tiến 222.250.000 đồng. Số còn lại đang được các cơ quan chuyên môn tiến hành các thủ tục thẩm tra, xác minh.

Để làm rõ hơn về việc chi trả đợt 1 vừa qua, xin mời bà và các quý vị khán giả chúng ta cùng theo dõi phóng sự sau:

MC Thanh Thủy: Ở một số địa phương, công tác thống kê đối tượng chi trả, đặc biệt là đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19 gặp khó khăn. Ở Thái Nguyên có khó khăn này không và bên cạnh đó còn những khó khăn, vướng mắc gì thưa bà? Để đảm bảo thống kê kịp thời, đúng, đủ thì Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã triển khai như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Trước hết chúng ta cũng thấy rằng Thái Nguyên cũng không nằm ngoài các tỉnh cùng triển khai thực hiện Nghị quyết. Mặc dù đã đạt được những thành tựu, kết quả tốt, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện thì vẫn còn gặp không ít khó khăn. Thứ nhất có thể nói rằng đây là gói hỗ trợ chưa từng có trong tiền lệ và khối lượng công việc lớn, đối tượng cần hỗ trợ nhiều, địa bàn rộng, thời gian chi trả ngắn cho nên trong quá trình triển khai thực hiện cũng không tránh khỏi những sơ suất. Thứ hai, việc xác định đối tượng (nhất là nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động) không quy định cụ thể, rõ ràng về các tiêu chí, về các loại hình cho nên dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau khi xem xét người lao động có thuộc trong nhóm đối tượng theo quy định hay không. Thứ ba, trình độ của cán bộ ở cơ sở chưa thực sự đồng đều giữa các vùng miền; khả năng cập nhật dữ liệu, thông tin còn có mặt hạn chế. Ví dụ phân tích đối tượng bị trùng trong các mức hỗ trợ hay là việc cập nhật các thông tin của người lao động, đối tượng hỗ trợ còn những khó khăn, còn thiếu thông tin... cho nên việc triển khai thực hiện có độ trễ nhất định ở từng địa phương, từng cơ sở.

Để đảm bảo thống kê kịp thời, đúng, đủ, chính xác, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở Tài chính, Ngân hành Chính sách xã hội tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các ngành, đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị liên ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hỗ trợ. Bên cạnh đó, ngành cũng thường xuyên xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn liên ngành chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện.

MC Thanh Thủy: Công tác kiểm tra, giám sát chi trả của ngành Lao động, thương binh và xã hội được thực hiện như thế nào? Việc giám sát giữa ngành với các địa phương được thực hiện ra sao?

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Với quan điểm: "không có kiểm tra, không có giám sát thì coi như không có chỉ đạo". Chính vì vậy Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập 09 Đoàn đi kiểm tra, giám sát việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại 09 huyện, thành phố, thị xã. Việc kiểm tra, giám sát được chúng tôi triển khai thực hiện từ sớm, tháng 4/2020. Sau khi Sở đi kiểm tra, giám sát đã giao nhiệm vụ cho Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thành, thị kiểm tra thường xuyên ở các cơ sở để hỗ trợ kịp thời.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức kiểm tra, giám sát tại tỉnh Thái Nguyên nhằm phát hiện sai sót và đưa ra những giải pháp hỗ trợ kịp thời đối với tỉnh. Qua kiểm tra, giám sát Đoàn đánh giá tỉnh Thái Nguyên đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai công tác hỗ trợ đảm bảo chặt chẽ, kịp thời, công khai, minh bạch, đúng nguyên tắc, đúng đối tượng.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành lập Đoàn đi kiểm tra, giám sát tại UBND thành phố Thái Nguyên; UBND thị xã Phổ Yên; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Phổ Yên.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện, với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp, các địa phương đã chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, kết hợp với công tác tuyên truyền, góp phần thực hiện hiệu quả công tác triển khai thực hiện; tăng cường các biện pháp nắm bắt thông tin về việc chi trả, hỗ trợ.

Đoàn công tác của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

MC Thanh Thủy: Thưa bà, chúng tôi được biết trong đợt 1 tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện xong việc chi trả hỗ trợ dịch Covid-19 cho 3 nhóm đối tượng. Tỉnh đã đặt ra mục tiêu phấn đấu thực hiện xong việc chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đợt 2 trước ngày 01/07/2020. Vậy qua việc thực hiện của đợt 1 có rút ra kinh nghiệm, bài học và giải pháp gì cho đợt chi tiếp theo để đảm bảo đúng kế hoạch, chi đúng, chi đủ cho các đối tượng được hưởng theo quy định?

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Qua việc thực hiện chi trả, hỗ trợ gói an sinh xã hội cho các đối tượng ở đợt 1, chúng tôi rút ra được 3 bài học kinh nghiệm: Thứ nhất, đó là sự quan tâm, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và thực tế cho thấy ở địa phương nào, nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt thì nơi đó thực hiện công tác chi trả đạt hiệu quả cao. Thứ hai, bài học trong công tác thực thi nhiệm vụ của chính những đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của các cơ quan triển khai thực hiện nhiệm vụ. Qua giám sát cũng như nắm bắt tình hình thực tế chúng tôi thấy một việc thực đó là ở nơi nào đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, có năng lực, có kỹ năng nắm chắc chính sách của Đảng và Nhà nước, có thái độ ân cần, cởi mở, tôn trọng nhân dân thì ở đó việc chi trả đạt hiệu quả rất cao và nhận được sự ủng hộ đồng thuận cũng như hài lòng của người dân đối với việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng. Bài học thứ ba, bài học trong công tác kiểm tra, giám sát. Công tác kiểm tra giám sát ở đây được thực hiện từ việc kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền đến việc tự kiểm tra giám sát của chính đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ và sự giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị, các tổ chức thành viên của MTTQ cũng như sự giám sát của chính người dân. Chính công tác kiểm tra, giám sát trên 3 phương diện này đã tạo nên sự thành công của việc chi trả trong thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ.

Về giải pháp trong thời gian tới, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông về các chính sách, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đặc biệt tuyên truyền để giúp người dân, doanh nghiệp hiểu và nắm rõ các quy định, điều kiện, thực hiện đầy đủ thủ tục, hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định. Chúng tôi cũng tăng cường công tác tiếp nhận và giải quyết các thủ tục, hồ sơ; thường xuyên hỗ trợ cho cơ sở đặc biệt là các xã, phường, thị trấn trong quá trình xây dựng hồ sơ, thủ tục, tiếp nhận hồ sơ của người lao động ở địa phương được nhanh chóng hơn. Ngoài ra, chúng tôi tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương, kịp thời xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết; phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo đúng quy định.

MC Thanh Thủy: Đối với những đối tượng khó khăn nhưng không đáp ứng các tiêu chí theo quy định thì ngành Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu cho tỉnh thực hiện những giải pháp gì để vừa giúp người lao động vơi bớt khó khăn nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Nhà nước?

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Với những đối tượng còn khó khăn nhưng không thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao quyền chủ động này cho các địa phương trong công tác hỗ trợ. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng có một số đối tượng, ví dụ như người lao động là giáo viên mầm non, nhân viên làm phục vụ nấu ăn thuộc các cơ sở giáo dục công lập bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng không thuộc đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Chính phủ.

Để nhóm đối tượng này không bị thiệt thòi so với các nhóm đối tượng khác, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính tổ chức hội nghị liên ngành, thống nhất phương pháp tham mưu đề nghị UBND tỉnh xin chủ trương hỗ trợ đối tượng trên cơ sở vận dụng khoản 2, Điều 7, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg. Ngày 12/6/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ban hành văn bản số 142/HĐND-VP đồng ý chủ trương chi hỗ trợ đối với các đối tượng trên, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 12,8 tỷ đồng.

Chi trả tiền hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo tại xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ (Ảnh: Báo Thái Nguyên điện tử)

MC Thanh Thủy: Bà có cảm nhận gì từ người lao động khi nhận được sự chia sẻ của Đảng, Chính phủ đến với người dân tại thời điểm này? Ý tôi muốn hỏi là tình cảm, suy nghĩ của người dân khi nhận được hỗ trợ, dù ít ỏi?

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Chúng ta cũng thấy rằng đây là một chủ trương, chính sách lớn mang đậm tính nhân văn của Đảng, Nhà nước và thể hiện một cách xuyên suốt, nhất quán quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chính sách hỗ trợ an sinh xã hội được ban hành vào thời điểm này hết sức kịp thời, đã chia sẻ được những khó khăn, vất vả với người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Nhìn chung, nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đồng thuận, ủng hộ cao với chủ trương, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt những người lao động bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19 đã hết sức phấn khởi, vui mừng và cảm động trước sự quan tâm, chia sẻ của Đảng và Nhà nước. Dù nguồn kinh phí không nhiều nhưng là động lực, điểm tựa giúp người dân vượt qua khó khăn, qua đó đã củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. 

MC Thanh Thủy: Được biết bà từng giữ vai trò là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, bà có cảm nhận gì khi những người phụ nữ khó khăn nhận được gói hỗ trợ này?

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Trong xã hội, phụ nữ luôn là nhóm yếu thế. Bất cứ ảnh hưởng nào khi tác động đến đời sống xã hội, người phụ nữ bao giờ cũng là người bị ảnh hưởng lớn nhất. Những người thuộc nhóm yếu thế, người phụ nữ bị thiệt thòi khi nhận được gói hỗ trợ này cũng như nhận được “liều thuốc” hết sức quý giá đối với chị em phụ nữ để chị em phụ nữ có thêm nghị lực, điểm tựa, niềm tin để tổ chức tốt hơn cuộc sống gia đình mình.

Thưa quý vị và các bạn!

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Việc thực hiện hỗ trợ đúng người, đúng quy định, công khai, minh bạch cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ là sự động viên, chia sẻ và giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Chúng ta tin tưởng rằng, một chính sách đúng đắn, nhân văn khi đi vào cuộc sống sẽ là một điểm sáng cho quá trình phát triển của đất nước.

Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn bà đã tham gia chương trình. Hy vọng rằng chúng ta sẽ không phải thực hiện thêm những gói hỗ trợ như thế này.

Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi!