Truy cập nội dung luôn

Trực tuyến: Kiểm soát thị trường hàng hóa trong giai đoạn hiện nay

2020-06-22 15:04:00.0

Thưa quý vị và các bạn!

Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đã trở thành vấn đề phức tạp gây bức xúc dư luận xã hội trong nhiều năm nay. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, cũng như thương hiệu, uy tín và lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Vậy giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này? Đó cũng chính là nội dung mà chúng tôi muốn đề cập đến trong chương trình Tọa đàm trực tuyến ngày hôm nay với chủ đề “Kiểm soát thị trường hàng hóa trong giai đoạn hiện nay”.

Chương trình có sự tham gia của ông Chu Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên.

Trân trọng cảm ơn ông đã nhận lời tham gia chương trình!

MC Kim Oanh: Ông có thể cho biết sự đa dạng phong phú của thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong thời điểm hiện nay; khả năng cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp để đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân Thái Nguyên ngày càng cao?

Ông Chu Quốc Khánh: Thái Nguyên là tỉnh trung tâm kinh tế - xã hội lớn của khu vực trung du miền núi phía Bắc, với những đặc điểm như dân số tương đối đông (khoảng gần 1,3 triệu người, đứng thứ 27 cả nước), thu nhập bình quân trên đầu người cao (khoảng 77,7 triệu đồng/người, đứng thứ 12 cả nước), nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Thủ đô Hà Nội, là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội của vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc bộ thông qua hệ thống đường bộ, đường sông, đường sắt hình rẻ quạt mà Thái Nguyên là đầu nút… nên thị trường tỉnh Thái Nguyên có quy mô tương đối lớn, các hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra sôi động, hàng hóa đa dạng với nhiều chủng loại, mẫu mã không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng xã hội trong tỉnh mà từ đây hàng hóa được phân phối đi nhiều tỉnh thành khác trong khu vực.

Đoàn công tác của Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại tỉnh Thái Nguyên

MC Kim Oanh: Chúng tôi cho rằng, về cơ bản, hàng hóa trên thị trường Thái Nguyên khá ổn định và lành mạnh, nhưng có lẽ cũng không tránh được sự làm ăn giả dối, thể hiện ở việc hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường. Thưa ông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng năm, ông cho biết các loại hàng hóa thường bị làm giả là gì? Và các hành vi vi phạm hay tập trung vào nhóm vi phạm nào?

Ông Chu Quốc Khánh: Với đặc thù là tỉnh nội địa, không có đường biên giới nên thị trường tỉnh Thái Nguyên không diễn ra hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hóa qua biên giới, không có tụ điểm, đường dây, ổ nhóm hoạt động quy mô lớn gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường chủ yếu diễn ra trên địa bàn cố định, với nhiều hành vi vi phạm được phát hiện trên các lĩnh vực khác nhau, nhưng nhìn chung các hành vi vi phạm được tập trung vào những nhóm vi phạm sau: Hàng lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, với những mặt hàng trọng điểm được kiểm tra và phát hiện là thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, gas, quần áo, giày dép…

MC Kim Oanh: Ông có thể cho biết thêm về một số phương thức, thủ đoạn thường dùng của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, thưa ông?

Ông Chu Quốc Khánh: Các đối tượng vi phạm thường đưa hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng cấm, hàng nhập lậu ra thị trường tiêu thụ với những phương thức thủ đoạn để đối phó với các lực lượng chức năng, thường là bán hàng qua các trang mạng xã hội; sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh; sử dụng hoá đơn chứng từ thu mua hàng hóa của cư dân biên giới; chia nhỏ, vận chuyển hàng hóa cùng nhiều mặt hàng được vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện khác nhau, vào các thời điểm như ngày lễ, ngày nghỉ và ngoài giờ hành chính, do vậy đây cũng là một trong những khó khăn cho các lực lượng chức năng trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý vi phạm.

Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm 

MC Kim Oanh: Thưa ông, hiện nay, ngoài phương thức kinh doanh truyền thống, còn xuất hiện hoạt động kinh doanh bằng phương thức thương mại điện tử thông qua các Website thương mại, ứng dụng thương mại điện tử hay hình thức kinh doanh online, live stream bán hàng qua trang cá nhân như facebook, zalo... Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này và muốn biết lực lượng QLTT tỉnh Thái Nguyên đã áp dụng biện pháp như thế nào để quản lý đối với loại hình kinh doanh trên? Những thuận lợi, khó khăn chủ yếu trong quá trình triển khai, thưa ông?

Ông Chu Quốc Khánh: Cùng với sự phát triển của Công nghệ thông tin, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngoài phương thức kinh doanh truyền thống, hiện nay hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thông qua các Website thương mại, ứng dựng thương mại điện tử diễn ra nở rộ và có chiều hướng phức tạp. Do chưa có quy định cụ thể, rõ ràng trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động trên, còn nhiều lỗ hổng để các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử kinh doanh trái pháp luật, khiến việc kiểm tra, xử lý của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng trên, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 272/KH-CQLTT ngày 05 tháng 11 năm 2019 Kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến hết năm 2020. Trong đó chú trọng 3 nội dung, giải pháp phải thực hiện ngay, đó là:

Thứ nhất, về công tác kiểm tra, kiểm soát: Rà soát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mai điện tử của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; kịp thời phát hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng lợi dụng các website, ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tiến hành xác minh, thu thập thông tin và thực hiện thanh tra, kiểm tra làm rõ các vụ việc vi phạm phức tạp, nổi cộm đối với các đường dây, ổ nhóm lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tập trung vào các mặt hàng nổi cộm đang diễn ra.

Thứ hai, về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng hơn nữa tới các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử để nâng cao trách nhiệm chấp hành pháp luật của các cá nhân, tổ chức tham gia trong hoạt động thương mại điện tử; nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu các website, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (đặc biệt là các sàn giao dịch thương mại điện tử) nhằm tăng cường công tác phối hợp, quản lý giám sát người bán trên các sàn, ứng dụng tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về hoạt động thương mại điện tử. Tổ chức hội nghị phổ biến kiến thức về công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kỹ năng phân biệt, nhận biết hàng thật - hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Cung cấp thông tin, cảnh báo tới người tiêu dùng để chủ động phòng tránh các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử. Tạo sức lan tỏa trong nhân dân để không tiếp tay, chủ động tham gia tố giác các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật.

Thứ ba, là công tác phối hợp: Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tăng cường công tác trao đổi thông tin và chia sẻ thông tin về sơ sở dữ liệu website, ứng dụng thương mại điện tử. Phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau về chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn quản lý được giao.

MC Kim Oanh: Qua những chia sẻ của ông Khánh từ đầu chương trình đến giờ, có thể thấy các đối tượng có nhiều thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp hơn trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng nhập lậu hay hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Vậy với chức năng là cơ quan quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã triển khai các hoạt động gì nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Để cùng tìm hiểu rõ hơn về nội dung này chúng tôi xin mời ông Khánh và quý vị khán giả cùng theo dõi phóng sự sau đây:

MC Kim Oanh: Qua phóng sự vừa rồi, có thể thấy một trong những hoạt động được Cục Quản lý thị trường triển khai tích cực trong thời gian qua, đó là hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trong gian lận thương mại, buôn lậu và hàng giả. Xin ông cho biết thêm về kết quả cũng như hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra trong năm 2019 và 05 tháng đầu năm 2020?

Ông Chu Quốc Khánh: Trong năm 2019, các đơn vị trực thuộc đã thực hiện xong các nhiệm vụ và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao theo kế hoạch hoạt động năm của Cục QLTT, thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ đột xuất khác theo yêu cầu chỉ đạo của cấp trên.

Về kết quả kiểm tra, xử lý năm 2019, trong năm tổng số vụ QLTT xử lý là 1.351 vụ. Tổng số tiền xử phạt hành chính, bán hàng tịch thu, giá trị hàng tiêu huỷ là: 4.373.246.550 đồng so với năm 2018 là 4.762.027.000 đồng, giảm 8,16%. 5 tháng đầu năm 2020, tổng số vụ QLTT xử lý: 596 vụ. Tổng số tiền xử phạt hành chính, bán hàng tịch thu, giá trị hàng tiêu huỷ là: 3.820.853.408 đồng bằng 66,86% so với cùng kỳ năm 2019.

* Một số vụ việc điển hình: Về xử lý hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

- Nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, sau khi thẩm tra, xác minh, vào hồi 18 giờ ngày 14/6/2019 Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên chủ trì và phối hợp với lực lượng công an thành phố Thái Nguyên đã tiến hành kiểm tra Công ty cổ phần đầu tư phát triển dịch vụ DDT Việt Nam do ông Lê Thành Đạt làm Tổng giám đốc, có địa chỉ tại Tổ 6 phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Phát hiện tạm giữ được 8.738 lọ thuốc đông y gia truyền tam tiêu OV không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Căn cứ vào hồ sơ vụ việc, Đoàn kiểm tra xác định Công ty cổ phần đầu tư phát triển dịch vụ DDT Việt Nam do ông Lê Thành Đạt làm Tổng giám đốc đã có hai hành vi vi phạm hành chính: Kinh doanh thuốc không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc và Bán thuốc không rõ nguồn gốc. Đội Quản lý thị trường số 2 đã trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.

Tổng số tiền đề nghị cấp thẩm quyền ra Quyết định xử phạt đối với 2 hành vi nêu trên là 105 triệu đồng, giá trị hàng hóa vi phạm tịch thu là hơn 480 triệu đồng.

- Ngày 18/7/2019, Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện, kiểm tra 01 xe ô tô biển kiểm soát 20C-163.78. Trên xe vận chuyển 49 chai khí N2O (bóng cười). Lái xe kiêm chủ hàng là: ông Lê Văn Bảo, địa chỉ: xóm Trại, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Toàn bộ số hàng trên không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đội Quản lý thị trường đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, đề xuất trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 25.000.000đ và tịch thu 49 chai khí N2O, có giá trị là 42.300.000đ.

- Ngày 26 tháng 4 năm 2020, Đội QLTT số 5 tiến hành kiểm tra xe ô tô tải mang biển kiểm soát 29C-024.51 do ông Ma Văn Biền (địa chỉ: xã Cao Chương, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng) điều khiển từ hướng Cao Bằng về Thái Nguyên trên Quốc lộ 3. Kết quả khám, phát hiện trên xe có chở 200 kg chân giò lợn (đã biến đổi màu sắc, bốc mùi ôi thiu), qua đấu tranh làm rõ hành vi vi phạm, Ngày 28 tháng 4 năm 2020, Đội QLTT số 6 đã ban hành quyết định xử phạt đối với ông Ma Văn Biền với số tiền phạt là 20.000.000 đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ 200 kg chân giò về vi phạm trên.

Về hàng hóa giả nhãn hàng hóa: Ngày 03/4/2019, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên chủ trì tiến hành khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với kho hàng hóa do ông Nguyễn Hồng Điệp làm chủ, địa chỉ tại: Tổ 7, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Kết quả khám, Đoàn kiểm tra phát hiện 524 can nước giặt không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Qua quá trình xác minh, làm rõ, Đội QLTT số 1 đã lập biên bản vi phạm hành chính và trình cấp có thẩm quyền là UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa gắn nhãn hàng hóa giả, gồm hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác, giả mạo mã vạch của thương nhân khác, tang vật vi phạm là 524 can nước giặt (là chất tẩy rửa) gắn nhãn hàng hóa giả trị giá 78.600.000 đồng, xử phạt hành chính 45.000.000 đồng, tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm.

Về công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi: Lực lượng QLTT đã tích cự tham gia công tác chống dịch ở địa phương, cử công chức trực tiếp kiểm tra tại các chốt, trạm trên địa bàn toàn tỉnh; kiểm tra, kiểm soát phát hiện xử lý nhiều vụ việc góp phần tích cực trong công tác này, trong đó điển hình có 2 vụ việc lớn trên khâu lưu thông đã phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng phạt vi phạm hành chính số tiền 9.000.000 đồng; tiến hành tiêu hủy 42 con lợn với tổng trọng lượng 3.600 kg theo quy định.

Về kinh doanh hàng hóa nhập lậu: Ngày 27/12/2018, Đoàn kiểm tra thuộc Đội Quản lý thị trường số 2 nhận được thông tin tại Kho của Công ty TNHH thiết bị nhà bếp Hải Đăng,  địa chỉ: Tổ 13, phường Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên có chứa hàng hóa là máy lọc nước và máy sấy tóc do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Đoàn kiểm tra đã tiến hành thu thập, thẩm tra, xác minh phát hiện Công ty đang kinh doanh 80 bộ lọc nước nhãn hiệu Taiwan và 238 chiếc máy sấy tóc nhãn hiệu Hairdryer do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên. Xác định rõ hành vi vi phạm, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã ban hành Quyết định xử phạt VPHC số tiền: 60.000.000 đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm bán sung quỹ Nhà nước 82.100.000 đồng.

Ngày 12/3/2019, nhận được nguồn tin báo của quần chúng nhân dân về việc công ty TNHH xuất nhập khẩu Thảo Huy, có địa chỉ: Xóm 8, xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu vi phạm. Đội QLTT số 2 tiến hành kiểm tra tạm giữ 14 loại hàng hóa (760 chi tiết phụ kiện); xác định rõ hành vi vi phạm, Cục QLTT đã trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt VPHC với số tiền là 90.000.000đ và tịch thu toàn bộ 14 loại phụ tùng ô tô các loại trị giá: 286.322.000 đồng.

Nhằm kiểm soát thị trường trong thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường ra quân tuyên truyền, vận động ký cam kết, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh vật tư y tế, thuốc phòng chống dịch.

MC Kim Oanh: Trong quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường có những thuận lợi và khó khăn gì không thưa ông?

Ông Chu Quốc Khánh: Trong quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường có những thuận lợi và khó khăn như sau:

Nói về thuận lợi phải khẳng định: Công chức và người lao động có lập trường, tư tưởng, chính trị vững vàng; chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, giữ gìn đoàn kết nội bộ. Tinh thần và ý thức trách nhiệm của công chức và người lao động về công tác phòng chống tham nhũng được nâng cao, tự giác chấp hành các quy định về phòng chống tham nhũng; trong năm được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Cấp ủy, lãnh đạo Cục, công đoàn, chính quyền địa phương; các lực lượng chức năng trên địa bàn luôn có tinh thần và trách nhiệm cao trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ, nên công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của toàn lực lượng Quản lý thị trường đạt kết quả cao. Các đơn vị đã phát huy tốt vai trò cơ quan thường trực BCĐ 389 các cấp, chủ động, tích cực tham mưu việc đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch và theo diễn biến phát sinh trên thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó chính là những khó khăn gặp phải: Hệ thống văn bản pháp luật ban hành chưa đồng bộ, còn chồng chéo, một số nghị định ban hành có hiệu lực nhưng chưa có thông tư hướng dẫn, gây rất nhiều khó khăn cho việc thực thi công vụ, áp dụng pháp luật của các lực lượng Quản lý thị trường; phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm vừa thiếu vừa lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao; công tác chống hàng giả còn gặp nhiều khó khăn khi liên hệ và phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ phát hiện trong kiểm tra, xử lý. Ngoài ra, chi phí giám định hàng hoá vi phạm về sở hữu trí tuệ cao, cơ quan giám định về sở hữu trí tuệ chưa đáp ứng kịp thời cho các lực lượng thực thi, nhất là đối với hàng hoá do nước ngoài sản xuất; nguồn kinh phí được cấp còn hạn chế; chưa có kho chuyên dụng để bảo quản tang vật, phương tiện chờ xử lý vi phạm, nhất là đối với các loại tang vật là hàng hóa dễ cháy nổ, thuốc bảo vệ thực vật, hàng mau hỏng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tác động xấu đến môi trường.

Đêm 12/4/2020, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra xử lý, tịch thu lô khẩu trang gần 20.000 chiếc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

MC Kim Oanh: Thưa ông thời gian qua, trên cả nước đã xuất hiện tình trạng nhiều đối tượng lợi dụng tình hình bệnh dịch Covid 19 để thực hiện hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả. Vậy trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tình trạng này có xảy ra không? Công tác quản lý thị trường được triển khai thực hiện như thế nào trong thời gian dịch bệnh Covid 19 diễn ra?

Ông Chu Quốc Khánh: Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, mọi hành vi vi phạm đều đã được phát hiện và xử lý triệt để; đặc biệt trong khoảng thời gian đầu khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, được bắt nguồn từ Trung quốc bùng phát dữ dội và diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trên phạm vi rộng, lan ra nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Một số cơ sở kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác chống dịch COVID-19 (mặt hàng khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay diệt khuẩn…) đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để  tăng giá bán các mặt hàng trên một cách bất hợp lý, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả về chất lượng hàng hóa, không niêm yết giá hàng hóa gây xáo trộn, mất ổn định thị trường đối với các mặt hàng này. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh Thái Nguyên, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thái Nguyên, lực lượng QLTT tỉnh Thái Nguyên đã quyết liệt triển khai các biện pháp đồng bộ để đảm bảo ổn định thị trường, trong đó chú trọng các nội dung sau:

Chỉ đạo các Đội quản lý thị trường trực thuộc thực hiện tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để nhằm mua vét, mua gom các hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để nâng giá bán hàng hóa bất hợp pháp đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh của virus Corona; phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh. Trường hợp nếu phát hiện các hành vi nói trên có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật;

 Các đơn vị trực thuộc quan tâm việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho cán bộ, công chức, người lao động của lực lượng trong quá trình thực thi công vụ, chống nguy cơ lây nhiễm bệnh; đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm, địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người cần được trang bị đầy đủ khẩu trang, găng tay... bảo vệ sức khỏe, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, ngành Y tế để triển khai các biện pháp hiệu quả nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng, sức khỏe cho công chức, người lao động khi thực thi công vụ.

 Chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh và thị trường để kịp thời ứng phó với các trường hợp khẩn cấp tại địa bàn được giao quản lý theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao. Nếu xuất hiện dấu hiện khan hiếm đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thiết bị y tế, dược phẩm, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, hàng tiêu dùng..., thì báo cáo UBND, Ban Chỉ đạo 389 địa phương để chỉ đạo, phối hợp triển khai các giải pháp để đảm bảo ổn định cung cầu thị trường, lưu thông hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu người dân trong thời gian dịch bệnh.

Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo, huy động toàn bộ lực lượng tổ chức kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn toàn tỉnh; phân công công chức trực để tiếp nhận ý kiến phản ánh của nhân dân thông qua đường dây nóng của đơn vị, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định; đồng thời cử cán bộ tham gia 19 chốt kiểm dịch của tỉnh theo yêu cầu.

Kết quả trong giai đoạn dịch bệnh: Đã kiểm tra xử lý 71 vụ việc. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước, trị giá hàng hóa tịch thu là 244.730.600 đồng (trong đó: Hàng hóa tịch thu là 41.500 chiếc khẩu trang không rõ nguồn gốc, xuất xứ; buộc tiêu hủy 3.614 lọ cồn các loại không có giá trị sử dụng,công dụng).

MC Kim Oanh: Trước tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, để góp phần ngăn chặn tình trạng này, trong năm 2020, Cục Quản lý thị trường sẽ tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm gì thưa ông?

Ông Chu Quốc Khánh: Năm 2020, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng được dự báo sẽ có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, khó lường, chỉ số giá tiêu dùng có nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng; các hoạt động buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và thương mại điện tử diễn ra ngày một tinh vi, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết ngày một phức tạp, dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến toàn bộ nền kinh tế nước ta. Vì vậy, công tác Quản lý thị trường cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

Tham mưu giúp Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tập trung bám sát, thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc thực hiện tốt trách nhiệm Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 ở địa phương; tổ chức tốt sự phối kết hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác Quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.

Tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, mở rộng các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.

Tăng cường công tác quản lý địa bàn, công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa và các hành vi kinh doanh trái phép khác bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ. Trong đó, cần xác định địa bàn trọng điểm, lĩnh vực trọng điểm, mặt hàng trọng điểm. Làm tốt công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình thị trường, nắm bắt thông tin để kịp thời có biện pháp ngăn chặn các tác động xấu, những vấn đề nổi cộm có thể xảy ra.

Đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực của cán bộ, công chức. Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thi đua khen thưởng để tạo ra động lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020 và các năm tiếp theo.

Tuyên truyền cho người kinh doanh nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại

MC Kim Oanh: Để thực hiện tốt những nhiệm vụ nêu trên, Cục QLTT đã đưa ra những giải pháp gì thưa ông?

Ông Chu Quốc Khánh:  Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ nêu trên và nhiệm vụ đột xuất do cấp trên giao. Năm 2020, Cục QLTT sẽ tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện một số  giải pháp sau: 

Thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo và tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, Ngành Trung ương, Tổng cục QLTT và UBND tỉnh.

Tham mưu giúp Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các ngành thành viên, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố, thị xã ngay từ đầu năm xây dựng kế hoạch công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện của từng ngành, địa phương đảm bảo thực hiện có hiệu quả.

Tổ chức tốt sự phối kết hợp giữa các ngành chức năng trên phạm vi toàn tỉnh, theo đúng nội dung của Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 27/11/2016 của UBND tỉnh ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề nổi cộm liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương.

Tăng cường sự phối hợp với các Doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong một số lĩnh vực: Sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hoá liên quan đến an toàn thực phẩm.

Tiếp tục đề nghị bổ sung biên chế, trang bị, thiết bị, công cụ, dụng cụ hỗ trợ nghiệp vụ và cơ sở vật chất cho các đơn vị trực thuộc để không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ của lực lượng QLTT trong thời gian tới.

Ngay từ đầu năm chủ động phân công trách nhiệm cho từng kiểm soát viên trong đơn vị, tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Trong đó tập trung đấu tranh ngăn chặn các hành vi buôn bán hàng cấm, hàng lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, an toàn thực phẩm, thương mại điện tử…

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình thị trường và điều kiện đặc thù của địa bàn được giao quản lý. Khuyến khích, tạo điều kiện cho công chức, nhân viên học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm tra, kiểm soát, quy trách nhiệm tới từng cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

MC Kim Oanh: Trong cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, lực lượng QLTT và các cấp, ngành chức năng giữ vai trò then chốt nhưng sự phối hợp của người dân và doanh nghiệp cũng là một yếu tố hết sức quan trọng. Theo ông, người dân và doanh nghiệp cần phải làm gì trong cuộc chiến này?

Ông Chu Quốc Khánh: Để cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt được hiệu quả cao. Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các cơ quan nhà nước cần có sự ủng hộ tích cực của các doanh nghiệp và người dân trong nhiệm vụ  này, cụ thể:

Đối với doanh nghiệp, nhà sản xuất: Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, đặc biệt là lực lượng QLTT trong việc cung cấp thông tin về các cá nhân, tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT của chính doanh nghiệp đó. Có trách nhiệm hỗ trợ nguồn lực, chi phí trong việc giám định hàng hóa; chủ động tìm hiểu, cập nhật các quy định mới của pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa. Cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động này.

Đối với người dân: Hãy là những người tiêu dùng thông thái, chủ động tìm hiểu quyền lợi và nghĩa vụ của người tiêu dùng thông qua nhiều hình thức khác nhau, khi phát hiện hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không đảm bảo chất lượng, các hành vi gian lận thương mại, nên thông qua Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để đề nghị xử lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp. Mua và sử dụng những sản phẩm hàng hóa của những DN có thương hiệu, hàng hóa có xuất xứ rõ ràng về nơi sản xuất, nhập khẩu, tiêu chuẩn chất lượng… được thể hiện trên nhãn của hàng hóa.

Thưa quý vị và các bạn!

Qua cuộc trao đổi với ông Chu Quốc Khánh, chúng ta đã thấy được sự nỗ lực của các ngành chức năng trong “cuộc chiến” chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tuy nhiên, “cuộc chiến” này vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của 03 nhà: Nhà nước, nhà sản xuất và nhà tiêu dùng. Có như vậy mới góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, tạo dựng “thị trường sạch” cho người tiêu dùng!

Một lần nữa trân trọng cảm ơn ông đã tham gia chương trình!

Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi!