Truy cập nội dung luôn

Trực tuyến: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững

2019-12-25 11:11:00.0

Xin kính chào quý vị và các bạn !

Trong những năm gần đây, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thái Nguyên không ngừng được cải thiện, đã có nhiều nhà đầu tư lớn lựa chọn Thái Nguyên là điểm đến để xây dựng phát triển doanh nghiệp trong đó có tập đoàn Sam Sung,Vingroup... Nhằm cải thiện thứ bậc xếp hạng và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết 09, ngày 29/03/2019 trong đó đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng bộ máy chính quyền kỷ cương, liêm chính, hành động và phục vụ của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để làm rõ vấn đề này, Ban biên tập Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho Doanh nghiệp phát triển bền vững”

Xin trân trọng giới thiệu vị khách mời tham gia chương trình: Ông Phạm Duy Hùng, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên.

Xin cảm ơn ông đã tham gia chương trình của chúng tôi!

MC Hoàng Minh:  Năm 2019, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Thái Nguyên tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền nhằm tạo nên môi trường đầu tư thông thoáng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy với chức năng là cơ quan tham mưu, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện những nhiệm vụ gì để tham mưu cho tỉnh thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2019, thưa ông?

Đ/c Phạm Duy Hùng: Không phải năm 2019 tỉnh Thái Nguyên mới quan tâm đến chỉ số PCI mà những năm trước đây chỉ số PCI của tỉnh đã được cải thiện tích cực. Để tiếp tục quan tâm đến môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh ngày 29-3-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Chỉ số PCI là một bộ chỉ số gồm 10 thành phần, để thực hiện bộ chỉ số này cũng như thực hiện Nghị quyết 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó có giải pháp thực hiện 10 chỉ số thành phần. Trong đó tập trung vào chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ số năng động và tính tiên phong của lãnh đạo tỉnh và cán bộ công chức trong thực thi nhiệm vụ. Đây là những chỉ số hết sức quan trọng của năm 2019.

Ngoài ra trong kế hoạch cũng phân công nhiệm vụ cho các ngành để thực hiện chỉ số này, với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh cũng như nâng cao chỉ số PCI và vị trí xếp hạng PCI của tỉnh Thái Nguyên trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

MC Hoàng Minh: Để rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho doanh nghiệp, trong đó có việc hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh là một vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm. Vậy công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực này đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

Đ/c Phạm Duy Hùng: Cải cách hành chính có 6 nội dung cơ bản, tuy nhiên trong cải cách hành chính về thủ tục đầu tư kinh doanh chúng tôi tập trung 2 nội dung cơ bản: Thứ nhất là việc cấp phép đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp và quy trình cấp chủ trương đầu tư cho các dự án. Trên tinh thần rút ngắn thời gian nhưng vẫn đảm bảo các quy trình. Bên cạnh đó, chúng tôi tham mưu cho UBND tỉnh và các ngành khác phối hợp để tăng cường cải cách hành chính trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, đất đai, các thủ tục pháp lý khác để các doanh nghiệp tiếp cận và xử lý công việc một cách nhanh nhất để các doanh nghiệp, các dự án đi vào hoạt động một cách nhanh nhất.

MC Hoàng Minh: Tăng cường đối thoại để nắm bắt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp để thu hút đầu tư. Vấn đề này đã được tỉnh và các ngành quan tâm như thế nào? Qua đối thoại, những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp được giải quyết ra sao, thưa ông?

Đ/c Phạm Duy Hùng: Có thể nói, không chỉ đối thoại, mà tỉnh còn quan tâm tới tiếp xúc và đối thoại với các doanh nghiệp. Đó là một kênh thông tin hết sức quan trọng để chúng ta kịp thời nắm bắt tâm tư, cũng như giải quyết các vướng mắc, đề xuất kiến nghị và có sự trao đổi giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước, với các lãnh đạo tỉnh. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc đối với nhân dân, đối với doanh nghiệp và chỉ đạo các địa phương trong tỉnh đều tổ chức nội dung này. Thường trực các huyện phải tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp, một năm ít nhất phải có bốn cuộc tiếp xúc và đối thoại chính thức, ngoài ra còn có các cuộc tiếp xúc khác. Còn đối với các sở, ngành, hiện các sở như: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư... các sở cũng thường xuyên có cuộc tiếp xúc trao đổi với doanh nghiệp, thông qua các cuộc trao đổi như vậy đã đem lại hiệu quả rất rõ rệt với tinh thần trao đổi cởi mở, thẳng thắn. Có rất nhiều nội dung doanh nghiệp thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp được giải quyết thông qua các cuộc đối thoại và tiếp xúc này.

MC Hoàng Minh: Vâng, thông qua đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp, các Sở ngành cùng chia sẻ những bất cập trong giải quyết các thủ tục hành chính cũng như những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ và những điển hình tiên tiến trong kinh doanh từ đó có những giải pháp cụ thể mở ra hướng phát triển và xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp mình.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp thì khó khăn lớn nhất trong việc triển khai các dự án đầu tư là công tác giải phóng mặt bằng. Để gỡ nút thắt này, tỉnh đã chỉ đạo gì nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án?

Ông Phạm Duy Hùng: Kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng hoàn toàn đúng. Thời gian qua tỉnh đã nhận nhiều thông tin của doanh nghiệp và người dân liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng và đất đai. Liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng có nhiều hệ thống cơ chế, chính như: công tác quy hoạch chung; quy hoạch sử dụng đất của cả giai đoạn cũng như kế hoạch sử dụng đất hàng năm; cơ chế, chính sách giá trong bồi thường giải phóng mặt bằng và tuyên truyền vận động nhân dân để thực hiện giải phóng mặt bằng.

Tỉnh Thái Nguyên rất quan tâm đến vấn đề này và chỉ đạo trách nhiệm bồi thường giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của cấp huyện, còn các sở, ngành tham mưu giải pháp tháo gỡ những cơ chế về quy hoạch, về giá bồi thường và những cơ chế đặc thù trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy, trong thời gian công tác giải phóng mặt bằng của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính trong giải phóng mặt bằng như việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất, xác định giá đất để bồi thường làm sao vừa đảm bảo quyền lợi cho nhân dân vừa đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng cũng là công việc khó, trong một số trường hợp còn vướng mắc về đất đai, thủ tục pháp lý, hay một số trường hợp người dân, tổ chức chưa tích cực hay cản trở trong thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Với những trường hợp này, tỉnh đã đẩy mạnh vận động, tuyên truyền và có biện pháp cưỡng chế để thực hiện giải phóng mặt bằng cho dự án.

MC Hoàng Minh: Năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, khu vực đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lên tới 92,87%, trong khi công nghiệp trong nước chỉ chiếm tỷ trọng 7,13%. Như vậy công nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng nhỏ, đây cũng là điều lo ngại của các doanh nghiệp địa phương. Tỉnh đã có những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương phát triển hơn nữa, thưa đồng chí?

Đ/c Phạm Duy Hùng: Tỉnh chúng ta nhận thức rất rõ nội dung này. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài giúp chúng ta có sự tăng trưởng vượt bậc, giải quyết việc làm lớn cho người lao động, đóng góp vào cho ngân sách lớn cho địa phương. Tuy nhiên cũng là áp lực cho tăng trưởng của tỉnh, vì nếu chúng ta không thu hút thêm các dự án khác hoặc chúng ta không khuyến khích phát triển các doanh nghiệp địa phương để trở thành những doanh nghiệp liên kết, doanh nghiệp hỗ trợ thì nội địa hóa những sản phẩm, hoặc khi có sự thay đổi về doanh nghiệp FDI thì tăng trưởng của chúng ta sẽ chậm lại, thậm chí tăng trưởng âm. Trên tinh thần như thế, tỉnh rất quan tâm đến các doanh nghiệp phụ trợ thông qua việc hỗ trợ thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, nâng cao chỉ số PCI để mời gọi các doanh nghiệp khác. Còn các doanh nghiệp địa phương, chúng ta cũng tạo điều kiện tối đa về trình tự thủ tục cũng như đào tạo lao động, có cơ chế hỗ trợ vốn để hỗ trợ cho các lĩnh vực chúng ta đang quan tâm như: Nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, y tế... để các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận được. Bản thân doanh nghiệp cũng tiếp cận được các nguồn lực để tham gia vào thị trường, chuỗi giá trị với doanh nghiệp nước ngoài, để tỷ trọng doanh nghiệp địa phương dần cao hơn, tương xứng với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

MC Hoàng Minh: Thưa ông Phạm Duy Hùng, ông có nhắc đến giải pháp thu hút đầu tư, năm 2018, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư. Xin đồng chí cho biết, việc triển khai các dự án này đến nay như thế nào?

Ông Phạm Duy Hùng: Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ngày 01/7/2018, Thái Nguyên đã thu hút được 61 dự án, đầu tư vào 6 lĩnh vực chủ yếu như: Công nghiệp, nông nghiệp, thương mại – du lịch – sinh thái nghỉ dưỡng, hạ tầng giao thông đô thị, y tế – giáo dục – công nghệ thông tin và một số lĩnh vực khác. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay đã có 6 dự án sau quá trình nghiên cứu về năng lực nhà đầu tư thì người ta đang có giai đoạn dừng lại. Trong đó có bốn dự án UBND tỉnh đã có công văn tạm thời dừng biên bản ghi nhớ, trong trường hợp nhà đầu tư vẫn quan tâm thì tỉnh vẫn tiếp tục tạo điều kiện để thực hiện dự án. Ngoài ra còn hai dự án nữa nhà đầu tư đã có văn bản chính thức tạm dừng, chưa nghiên cứu thực hiện dự án. Như vậy, hiện nay tỉnh Thái Nguyên còn 55 dự án đang triển khai với tổng mức đầu tư đăng ký là 100.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này đã có 27 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Các dự án tiếp theo được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh rất quan tâm, hàng tháng 2 lần đều nghe các cơ quan tham mưu cũng như UBND tỉnh báo cáo xem tiến độ thực hiện của các dự án còn lại, cũng như là 27 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư tiến độ triển khai thực hiện đến đâu.

Chúng ta có thể chia làm hai nhóm, nhóm thứ nhất là 27 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư, đến thời điểm này phải đánh giá là các dự án thực hiện hết sức tích cực. Nhiều dự án đã triển khai đảm bảo vượt tiến độ và trở thành các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20. Nhóm thứ hai, là nhóm chưa hoàn thiện các thủ tục về đầu tư do vướng mắc về vấn đề quy hoạch, quy hoạch điều chỉnh 3 loại rừng, do vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và một số nội dung khác liên quan đến nhà đầu tư thì chúng tôi đều trực tiếp làm việc thông qua đối thoại. Đồng thời tạo điều kiện tối đa đối với những gì thuộc thẩm quyền của tỉnh, ngoài ra tỉnh còn có văn bản kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đối với những nội dung gì thuộc trách nhiệm của địa phương cấp huyện và thuộc trách nhiệm của các sở, ngành thì tỉnh cũng đều có chỉ đạo làm việc. Hiện nay cơ bản các dự án còn lại đang tích cực hoàn thiện hồ sơ, hoàn thiện quy hoạch. Có những dự án chúng ta xác định rất là lớn như Dự án khu du lịch sinh thái phía Đông Tam Đảo (Phổ Yên), đây là dự án lớn, bắt buộc trong quá trình triển khai nghiên cứu hồ sơ sẽ mất rất nhiều thời gian, dự án này đã có ý tưởng về mặt quy hoạch, những dự án như vậy có thể kéo dài 10 năm, 20 năm, đồng thời chia ra làm nhiều giai đoạn. Chúng tôi rất mong muốn với sự quyết tâm của tỉnh cũng như các cơ chế tháo gỡ như vậy thì những dự án như vậy nhanh chóng trở thành hiện thực. Có như vậy chúng ta mới đạt mức tăng trưởng giai đoạn 2020 – 2025, mà dự kiến chúng ta đặt ra khoảng 8% GDP của tỉnh.

MC Hoàng Minh: Ðể cải thiện chỉ số PCI, bên cạnh những quyết tâm, vào cuộc của hệ thống chính trị, thì sự đồng hành, tham gia của các doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò rất quan trọng. Thông qua chương trình này, đồng chí có mong muốn và đề nghị gì với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Thái Nguyên?

Ông Phạm Duy Hùng: Ðể đất nước hay ðịa phương phát triển thì phải xác định từ hai phía, thứ nhất là về quản lý nhà nước và hệ thống chính trị cần tạo điều kiện tối đa, tháo gỡ khó khăn, cũng như tạo môi trường thông thoáng nhất để các cá nhân, doanh nghiệp có điều kiện khởi nghiệp, kinh doanh. Bên cạnh đó, vai trò nâng cao năng lực trình độ, nguồn lực, khả năng tiếp cận pháp luật và hiểu quy định của nhà nước đối với các doanh nghiệp và cá nhân, nhân dân khi tham gia kinh doanh cũng hết sức quan trọng.

Trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp, thông qua hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã luôn sẵn sàng đồng hành với tỉnh, tuyên truyền, vận động và phổ biến chính sách đến các doanh nghiệp và các doanh nghiệp đã cơ bản chấp hành tốt chính sách, pháp luật của nhà nước, vận dụng các cơ chế ưu đãi của nhà nước áp dụng đối với doanh nghiệp mình. Với nỗ lực quyết tâm của tỉnh chỉ số PCI của tỉnh Thái Nguyên đã cải thiện, chúng tôi cũng rất mong muốn trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh có vấn đề vướng mắc sẽ trao đổi trực tiếp với tỉnh, đồng thời nâng cao trách nhiệm trong thực thi pháp luật và thực hiện tốt trách nhiệm với địa phương; đóng góp các ý kiến, đề xuất các cơ chế, chính sách vì sự phát triển chung của tỉnh.

MC Hoàng Minh: Vâng. xin cảm ơn những chia sẻ của ông Phạm Duy Hùng về những thuận lợi và khó khăn mà hiện nay các Doanh nghiệp đang gặp phải. Mong rằng trong thời gian tới các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư của tỉnh nhất là thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh phát triển với các dự án đầu tư lớn trong tương lai góp phần xây dựng và phát kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thưa quý vị và các bạn!

Qua cuộc trao đổi với ông Phạm Duy Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được các nhà đầu tư quan tâm đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài coi đó là một trong những căn cứ quan trọng để xem xét lựa chọn đầu tư tại tỉnh Thái Nguyên. Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên đã cải thiện rõ nét về môi trường hành chính công, Chỉ số PCI của tỉnh có sự thay đổi vượt bậc đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn đến với tỉnh Thái Nguyên. Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng cần có thêm sự nỗ lực kiên trì và bền bỉ của các cơ quan nhà nước, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp, daonh nhân trong tỉnh, cùng với đó các doanh nghiệp cần nâng cao trình độ quản trị, nắm bắt và tuân thủ pháp luật, đồng thời tăng cường liêm chính trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của chính mình.

Nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống ngành Kế hoạch đầu tư (31/12/1945 - 31/12/2019). Thay mặt cho những người làm chương trình, kính chúc ông và toàn thể cán bộ công chức, viên chức Sở Kế hoạch đầu tư luôn dồi dào sức khỏe, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển ngành cũng như góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên.

Một lẫn nữa trân trọng cảm ơn ông Phạm Duy Hùng, Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư đã tham gia chương trình.

Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi.

 

Nguồn: thainguyen.gov.vn

Phòng DV HCC