Truy cập nội dung luôn

Trực tuyến: “Cải cách hành chính nâng cao chất lượng phục vụ, đem lại sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp”

2020-11-10 10:06:00.0

Thưa quý vị và các bạn! Trong bối cảnh đất nước đang chuyển biến mạnh mẽ, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mọi mặt của đời sống được nâng cao. Việc thực hiện cải cách hành chính (CCHC) góp phần xây dựng một Nhà nước pháp quyền đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới.

Những năm gần đây công tác CCHC của tỉnh đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, điều này được thể hiện qua kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC của tỉnh (Par Index). Năm 2019, Thái Nguyên xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, kết quả trên là minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng trong thực hiện công tác CCHC. Trong đó hiện đại hóa nền hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành tại các cơ quan nhà nước tiếp tục được triển khai đồng bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tế; việc thực hiện hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến được coi là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo thống nhất, đồng bộ, nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, tạo nên sự công khai, minh bạch và hiệu quả, ứng dụng CNTT tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như hiện nay.

Để thấy rõ hơn những kết quả đạt được trong thực hiện CCHC. Mời quý vị và các bạn theo dõi Chương trình Tọa đàm trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên với chủ đề: “Cải cách hành chính nâng cao chất lượng phục vụ, đem lại sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp”.

Chúng tôi có mời đến Trường quay 02 vị khách mời:

Trân trọng giới thiệu:

* Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên.

* Ông Đào Duy Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên.

Xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình của chúng tôi.

Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Sở Nội Vụ.

MC Hoàng Minh: Thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả rõ rệt, ông đánh giá như thế nào về quá trình triển khai và thực hiện?

Ông Nguyễn Văn Hiển: Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác CCHC của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là trong giai đoạn 2016 - 2020, được bộ, ngành Trung ương đánh giá cao, là địa phương có những chuyển biến vượt bậc về CCHC. Chỉ số CCHC tỉnh Thái Nguyên những năm gần đây liên tục được cải thiện (năm 2018 xếp thứ 18/63 tỉnh, thành, năm 2019 xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, tăng 40 bậc so với năm 2016), một số kết quả nổi bật như sau:

Về cải cách thể chế, tỉnh đã tập trung hoàn thiện các thể chế kinh tế đáp ứng yêu cầu vận động của kinh tế thị trường, đặc biệt quan tâm tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, xây dựng nhiều quy định, chính sách để thực hiện các chính sách về đào tạo, hỗ trợ cho lao động nông thôn, khám, chữa bệnh cho người nghèo...

Về cải cách TTHC, tập trung rà soát, đơn giản hóa TTHC, chuẩn hóa 1.380 TTHC, cắt giảm thành phần, thời gian giải quyết hồ sơ (có TTHC được cắt giảm 40 ngày), tạo môi trường hấp dẫn thu hút nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn, có tiềm lực tài chính. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh luôn có thứ hạng cao (năm 2019 xếp thứ 12), là một trong những tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất và có hiệu quả về cải thiện môi trường thu hút đầu tư từ nhiều tập đoàn, dự án lớn (điển hình như Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Masan, Danko City...). Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có hơn 130 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư lên đến 07 tỷ USD, là 01 trong 06 địa phương thu hút các dự án lớn trên 01 tỷ USD, đưa Thái Nguyên trở thành một trong số các tỉnh miền núi phía Bắc thu hút vốn FDI lớn và hiệu quả nhất.

Bộ máy các cơ quan, đơn vị tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, có 20/20 cơ quan thuộc UBND tỉnh đã xây dựng Đề án sắp xếp và đã có 03 sở thực hiện (giảm 07 phòng thuộc sở, 02 chi cục, 08 phòng thuộc chi cục); thực hiện sắp xếp giảm 100 đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), từ 902 xuống còn 802 đơn vị. Thực hiện tinh giản biên chế được 1.098 người; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng lên, số công chức có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tăng 11% so với năm 2011; tỷ lệ cán bộ cấp xã đạt chuẩn 100%...

Về cải cách tài chính công, thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với 213/213 cơ quan, đơn vị. Giao thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho 796 đơn vị SNCL, trong đó số đơn vị SNCL tự đảm bảo chi thường xuyên tăng 33 đơn vị so với năm 2011.

Về hiện đại hóa hành chính, tập trung xây dựng chính quyền điện tử, tỉnh Thái Nguyên đã cấp 3.535 chứng thư số, 100% cơ quan, đơn vị triển khai phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, thực hiện kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia giữa 1.793 đơn vị thực hiện liên thông văn bản trong tỉnh và liên thông với Chính phủ. 100% các cơ quan hành chính thực hiện một cửa điện tử, toàn tỉnh đã thực hiện cung cấp 571 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4...

Những kết quả về CCHC góp phần không nhỏ vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn nằm vị trí trong nhóm các tỉnh có chỉ số tăng cao, duy trì ở mức 11,1%/năm; thu ngân sách năm 2019 đạt gần 16.000 tỷ đồng, đứng thứ 17 về thu ngân sách trong toàn quốc; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền các cấp. Đây là sự khẳng định hướng đi đúng của tỉnh trong công tác CCHC, gắn công tác CCHC với phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

MC Hoàng Minh: Thưa ông Đào Duy Bẩy, để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật về ứng dụng CNTT trong cải cách TTHC thuế từ năm 2016 đến nay?

Ông Đào Duy Bẩy: Ứng dụng CNTT để triển khai các dịch vụ công trực tuyến đã mang lại hiệu quả thiết thực, giảm thiểu chi phí, thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Từ năm 2016 cơ quan Thuế đã triển khai Hệ thống thuế điện tử (Etax) giúp cho người nộp thuế chỉ cần đăng nhập vào hệ thống thuế để sử dụng tất cả các dịch vụ, cũng như quản lý tất cả các hồ sơ thuế của mình. Việc này đem lại hiệu quả cao trong công tác quản lý thuế, cũng như giúp cho người nộp thuế tiết kiệm được thời gian trong thực hiện các bước kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, tra cứu thông tin hồ sơ và nghĩa vụ thuế.

Đến nay, 100% các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện kê khai thuế điện tử, 98,6% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử, có hơn 100 doanh nghiệp đăng ký thực hiện hoàn thuế điện tử và có gần 800 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch kinh doanh; có hơn 14 nghìn tài khoản của hộ kinh doanh cá thể và cá nhân kinh doanh đăng ký để thực hiện các giao dịch điện tử với cơ quan Thuế. Ngành Thuế cũng đã rà soát, nâng cấp, chuẩn hóa dữ liệu để tích hợp 150 thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 160% kế hoạch được giao năm 2020.

MC Hoàng Minh: Trong thời gian qua, ngành Thuế luôn chú trọng và quan tâm đến cải cách TTHC đó là hiện đại hóa quản lý thu thuế như: Cắt giảm, đơn giản hóa, điện tử hóa các TTHC, giúp giảm thời gian, chi phí và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ thuế, góp phần khuyến khích đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, tạo ra nguồn thu chủ yếu và ngày càng ổn định cho ngân sách địa phương.

MC Hoàng Minh: Với vai trò là cơ quan Thường trực về CCHC, Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì về công tác CCHC giai đoạn 2011 - 2020, thưa ông Nguyễn Văn Hiển?

Ông Nguyễn Văn Hiển: Là cơ quan Thường trực về CCHC, trong giai đoạn 2011 - 2020, Sở Nội vụ đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước, Kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ, đã tham mưu UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Đề án CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời ban hành kế hoạch thực hiện công tác CCHC hằng năm, giao nhiệm vụ cụ thể, thời gian thực hiện cho từng ngành, địa phương; định kỳ tổ chức hội nghị đánh giá sơ kết, tổng kết công tác CCHC 6 tháng, hàng năm nhằm rà soát những tồn tại, hạn chế, xây dựng biện pháp, giải pháp triển khai thực hiện đem lại hiệu quả cao; thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo nâng cao Chỉ số CCHC, chỉ số quản trị và hành chính công tỉnh Thái Nguyên và tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường các giải pháp cải thiện và nâng cao Chỉ số CCHC; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Thái Nguyên, qua đó góp phần phát huy vai trò của cấp ủy các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị giúp cho chỉ số CCHC trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện rõ rệt.

Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu, triển khai hoàn thành tốt nhiệm vụ CCHC trên các lĩnh vực như: Công tác chỉ đạo, điều hành; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách chế độ công vụ, công chức; đã ban hành 21 văn bản quy phạm pháp luật, nhiều đề án chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thuộc lĩnh vực nội vụ và CCHC, thực hiện quản lý, tổ chức bộ máy của các cơ quan đơn vị trên địa bàn đúng theo quy định, tham mưu chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới tổ chức hệ thống quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, triển khai chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng Đề án vị trí việc làm cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, phê duyệt vị trí việc làm cho 100% các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp huyện ban hành và tổ chức thực hiện đề án kế hoạch của tỉnh, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, tham mưu ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về chế độ chính sách đối với cán bộ công chức, viên chức và người lao động do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại các cơ quan tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh; thực hiện hiệu quả công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đúng theo quy định của pháp luật, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về văn hóa công sở, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thuộc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; tham mưu và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án CCHC tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020, nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hồ sơ hành chính, xây dựng, áp dụng hệ thống một cửa điện tử, trang thiết bị của bộ phận một cửa các cấp, đầu tư sửa chữa và xây dựng phòng làm việc của bộ phận một cửa cấp xã, tổ chức đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nhằm để đảm bảo đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ HCC của các cơ quan hành chính nhà nước (mức độ hài lòng trung binh của tỉnh Thái Nguyên từ năm 2015 đến 2019 đạt 81,96%); tổ chức đánh giá xác định chỉ số cải cách hành chính cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh.

MC Hoàng Minh: Cải cách TTHC thuế bằng hình thức trực tuyến đem lại lợi ích gì cho người dân và doanh nghiệp? Ông đánh giá như thế nào về sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong thực hiện CCHC thuế thưa ông Đào Duy Bẩy?

Ông Đào Duy Bẩy: Việc cải cách TTHC thuế bằng hình thức trực tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế (NNT). So với việc thực hiện dịch vụ hành chính công truyền thống trước đây thì việc thực hiện TTHC bằng phương thức điện tử có những lợi ích sau: Thứ nhất, giảm áp lực giấy tờ công việc lên các cơ quan quản lý nhà nước. Thứ hai, giảm thời gian gửi/nhận hồ sơ, giảm thời gian đi lại cho NNT. Thứ ba, tăng tính minh bạch của các cơ quan Thuế. Thứ tư, việc thực hiện TTHC bằng phương thức điện tử đem lại hiệu quả kinh tế cho cả NNT và cơ quan cung cấp dịch vụ, do đó có thể tiết kiệm thời gian, công sức, cắt giảm các chi phí đi lại, chi phí văn phòng phẩm, chi phí nhân công...

MC Hoàng Minh: Thưa ông! Một trong những cách thức nhằm nắm bắt đánh giá đúng thực trạng về CCHC tại các đơn vị, địa phương là tăng cường kiểm tra CCHC và chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính. Ông hãy cho biết về công tác việc kiểm tra CCHC hiện nay của tỉnh?

Ông Nguyễn Văn Hiển: Để đánh giá, nắm bắt tiến độ triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch CCHC, công tác kiểm tra CCHC được tiến hành thường xuyên, hằng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra CCHC, thành lập các đoàn kiểm tra (bao gồm kiểm tra đột xuất) và tổ chức kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm tăng cường giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức; tập trung kiểm tra việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức và cá nhân tại Bộ phận một cửa các cấp. Trong giai đoạn 2011 - 2020, các đoàn kiểm tra công tác CCHC của tỉnh đã kiểm tra trực tiếp tại 197 lượt cơ quan, đơn vị, địa phương (bao gồm các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã). Trong đó, Đoàn kiểm tra của tỉnh kiểm tra trực tiếp từ năm 2011 - 2015 kiểm tra 105 cơ quan, đơn vị, địa phương; từ năm 2016 - 2020 kiểm tra 92 cơ quan, đơn vị, địa phương.

Các đơn vị, địa phương đã bám sát nội dung kế hoạch của tỉnh, chủ động tự kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC như: Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Công Thương… Đối với cấp huyện, 100% các xã, phường, thị trấn được kiểm tra, nhiều địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất (không báo trước) như: Thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, huyện Võ Nhai... Ngoài ra, UBND tỉnh còn thành lập Đoàn kiểm tra thực hiện nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), kiểm tra thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn (trong đó kiểm tra có các nội dung liên quan đến công tác CCHC).

Qua công tác kiểm tra, đã phát hiện những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện CCHC tại các đơn vị, địa phương; kết thúc các đợt kiểm tra, Đoàn kiểm tra của tỉnh đã thông báo kết quả kiểm tra, đề nghị các cơ quan, đơn vị khắc phục những tồn tại, hạn chế, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định; kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, đồng thời việc tăng cường kiểm tra sẽ góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về CCHC, đặc biệt là đối với công chức trực tiếp giải quyết hồ sơ TTHC cho tổ chức và cá nhân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác CCHC chung của tỉnh.

MC Hoàng Minh: Đối với ngành Thuế, ứng dụng CNTT trong thực thi công vụ có những thuận lợi và khó khăn gì khi triển khai thực hiện? Việc triển khai “Chữ ký số” tại ngành Thuế được thực hiện như thế nào thưa ông Đào Duy Bẩy?

Ông Đào Duy Bẩy: Cục Thuế Thái Nguyên là tổ chức trực thuộc Tổng cục Thuế, có chức năng tổ chức thực hiện quản lý thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước (NSNN), thuộc phạm vi nhiệm vụ của cơ quan Thuế quản lý trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên theo quy định của pháp luật. Cơ sở dữ liệu thông tin về NNT là rất lớn, việc ứng dụng CNTT trong thực thi công vụ đối với ngành Thuế là thực sự cần thiết và mang lại hiệu quả trong công tác quản lý.

Về thuận lợi: Việc ứng dựng CNTT trong lĩnh vực thuế luôn nhận được chỉ đạo sát sao từ Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trong việc triển khai hệ thống hạ tầng truyền thông và hệ thống phần mềm, ứng dụng chuyên ngành phục vụ công tác quản lý thuế. Sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành trong công tác cải cách TTHC và sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng DN và NNT trong triển khai các dịch vụ hành chính công điện tử lĩnh vực thuế.

Những khó khăn, hạn chế: Hệ thống chính sách, văn bản pháp luật về thuế hiện nay có sự thay đổi liên tục, dẫn đến hệ thống các ứng dụng CNTT phải thường xuyên nâng cấp để đáp ứng kịp thời; một số DN và NNT còn hạn chế việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và sản xuất kinh doanh, dẫn đến tình trạng khi ngành Thuế triển khai các ứng dụng CNTT hỗ trợ cho NNT, thì bản thân DN và NNT không đáp ứng được theo yêu cầu; còn một số doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư nguồn nhân lực CNTT và trình độ CNTT của kế toán doanh nghiệp còn hạn chế; chưa khai thác được tối đa tính năng, lợi ích của hệ thống thuế điện tử, để nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện các thủ tục hành chính thuế.

Việc đề áp dụng chữ ký số trong lĩnh vực thuế: Ngành thuế đã triển khai, áp dụng từ năm 2016 đến nay, trên hồ sơ khai thuế, chứng từ nộp thuế và các văn bản quản lý của cơ quan Thuế; việc áp dụng chữ ký số trong lĩnh vực thuế đã giúp cho DN và NNT thực hiện các thủ tục hành chính thuế trên hệ thống thuế điện tử (Etax) của cơ quan Thuế thuận tiện, nhanh chóng và chính xác, giúp cho NNT có thể nộp hồ sơ thuế ở mọi lúc, mọi nơi khi có mạng internet, giảm chi phí thủ tục hành chính và thuận tiện cho NNT; cùng với việc áp dụng chữ ký số trên hồ sơ thuế của NNT, Cục Thuế đã tiến hành ứng dụng, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ, triển khai sử dụng chữ ký số trong các hoạt động quản lý, nghiệp vụ và trao đổi thông tin nội bộ giúp cho công tác chỉ đạo điều hành được nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả thực thi nhiệm vụ.

MC Hoàng Minh: Thực hiện Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 23/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng trong hoạt động các cơ quan nhà nước các cấp. Việc sử dụng chữ ký số đối với các cơ quan nhà nước trong đó Sở Nội vụ và Cục Thuế tỉnh đã triển khai hiệu quả trong lĩnh vực thuế để giải quyết công việc chuyên môn trở nên dễ dàng, thuận tiện và đảm bảo tính pháp lý, tiết kiệm thời gian, chi phí giấy tờ và vận chuyển đi lại.Đặc biệt, tăng cường ứng dụng chữ ký số sẽ thúc đẩy việc ứng dụng thương mại điện tử, chính phủ điện tử, hành chính điện tử, đồng thời cũng bảo vệ bản quyền các tài sản số hóa và an toàn bảo mật thông tin.

MC Hoàng Minh: Giai đoạn 2011 - 2020, công tác CCHC đã đạt được những kết quá đáng khích lệ, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn một số tồn tại, hạn chế. Những tồn tại, hạn chế đó là gì, thưa ông Nguyễn Văn Hiển?

Ông Nguyễn Văn Hiển: Đúng vậy, giai đoạn 2011 - 2020 công tác CCHC của tỉnh đã có chuyển biến mạnh mẽ, khẳng định sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, để đạt được những kết quả đó, trong quá trình triển khai thực hiện còn những tồn tại, hạn chế nhất định như: Một số nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2011 - 2020 còn chậm tiến độ, chưa có sự đột biến nhất định trong công tác CCHC; sự quan tâm của người đứng đầu của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt; nguồn kinh phí đầu tư cho CCHC còn hạn hẹp; sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở một số địa phương, một số lĩnh vực chưa cao; cơ sở hạ tầng nhiều nơi chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, nhất là hạ tầng về CNTT; việc kiểm tra, giám sát thực thi công vụ đối với công chức đã được tăng cường, tuy nhiên hiệu quả chưa cao; một số đơn vị, địa phương còn để hồ sơ giải quyết TTHC quá hạn; việc cung ứng các dịch vụ công còn hạn chế; Chỉ số PAPI chưa thực sự ổn định...

MC Hoàng Minh: Để tiếp tục nâng cao Chỉ số CCHC và thực hiện Chương trình CCHC tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2030, trong thời gian tới tỉnh có những định hướng gì thưa ông Nguyễn Văn Hiển?

Ông Nguyễn Văn Hiển: Để tiếp tục nâng cao Chỉ số CCHC và thực hiện công tác CCHC nhà nước tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới, công tác CCHC đòi hỏi cần có sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, tổ chức và cá nhân. Trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh thực hiện hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đặt ra, như: Tăng cường kiểm tra, giám sát với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thực hiện các quy định về thực hiện tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, không để tình trạng hồ sơ quá hạn; đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh vào hoạt động. Tiếp tục thực hiện sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Đề án của UBND tỉnh; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện biện pháp, giải pháp cụ thể nâng cao Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Triển khai áp dụng Chỉ số CCHC các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và điều hành; tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích. Xây dựng phương hướng và nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2030, mục tiêu phấn đấu đưa tỉnh Thái Nguyên nằm trong tốp 10 của các tỉnh, thành phố trong cả nước về Chỉ số CCHC trong giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khảo sát tại Trung tâm Cơ sơ dữ liệu tỉnh Thái Nguyên

MC Hoàng Minh: Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua, người dân và doanh nghiệp ít nhiều bị ảnh hưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn. Cục Thuế tỉnh đã có những giải pháp gì trong cải cách TTHC để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp, thưa ông Đào Duy Bẩy?

Ông Đào Duy Bẩy: Trước tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Cục Thuế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho  NNT sớm ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh, trong đó có những giải pháp về cải cách TTHC hỗ trợ NNT như: Cơ quan Thuế đã tổ chức tháng đồng hành, tuần lễ đồng hành với NNT trong quyết toán thuế năm 2019. Đây chính là thời điểm dịch Covid-19 ở vào giai đoạn cao điểm nên cơ quan Thuế đã chú trọng vào việc đẩy mạng ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, giải quyết các TTHC thuế. Đối với những TTHC thuế chưa thực hiện được qua dịch vụ điện tử thì khuyến khích NNT nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính viễn thông. Tập trung ưu tiên tiếp nhận và giải quyết các TTHC liên quan đến miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho NNT gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh theo các chính sách. Thành lập Tổ hỗ trợ, đường dây nóng gồm tất cả các phòng, các chi cục thuế để hướng dẫn, hỗ trợ, giải đáp vướng mắc cho NNT trong đại dịch Covid-19. Giải quyết dứt điểm, kịp thời, đúng hạn 100% tất cả các TTHC tiếp nhận qua cơ quan Thuế...

Bên cạnh đó cơ quan Thuế đã tăng cường tuyên truyền những chính sách thuế mới đến NNT, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; không thực hiện kiểm tra, thanh tra thuế đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Thưa quý vị và các bạn!

Qua cuộc trao đổi với hai vị khách mời cho thấy thực hiện cải cách hành chính nhà nước trong giai đoạn hiện nay nhằm hướng tới xây dựng nền hành chính khoa học, đổi mới phương thức điều hành hiện đại, không những đem lại hiệu quả đối với các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào các hoạt động của cải cách hành chính.

Với quyết tâm xây dựng một nền hành chính minh bạch, hiệu quả, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tỉnh Thái Nguyên đã và đang phát huy hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và nâng cao hiệu suất làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc chuyên môn nói chung và giải quyết TTHC nói riêng tại các cơ quan, đơn vị.

Chúng ta tin tưởng rằng, với mục tiêu hướng tới là nâng cao mức độ hài lòng của xã hội, cải tiến hiệu quả và minh bạch hoạt động chính quyền; đảm bảo tính công bằng, chuẩn mực trong quản lý nhà nước. Việc xây dựng chính quyền điện tử tại Thái Nguyên sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn của Nhân dân.

Chương trình Tọa đàm trực tuyến của chúng tôi xin được dừng tại đây.

Một lần nữa trân trọng cảm ơn hai vị khách mời đã tham gia chương trình.

Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm và theo dõi!

Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong các chương trình sau./.

 

 

Ban Biên tập
thainguyen.gov.vn