Truy cập nội dung luôn

Ứng cử viên ĐBQH khóa XV tại Đơn vị bầu cử số 1: Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh

Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu Lý lịch trích ngang và lược ghi Chương trình hành động của ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại Đơn vị bầu cử số 1: Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Phó Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên.

LÝ LỊCH TRÍCH NGANG

Họ và tên: Nguyễn Thị Hoàng Anh

Ngày tháng năm sinh: 14/9/1987

Giới tính: Nữ

Quốc tịch: Việt Nam

Dân tộc: Kinh

Tôn giáo: Không

Nguyên quán: Xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình

Nơi ở hiện nay: Tổ dân phố 8, phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Trình độ giáo dục phổ thông: 12/12

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Đại học chuyên ngành Luật

Ngoại ngữ: Đại học chuyên ngành tiếng Anh

Học hàm, học vị: Thạc sĩ chuyên ngành Luật

Trình độ lý luận Chính trị: Cử nhân

Nghề nghiệp, chức vụ: Công chức, Phó Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên

Ngày vào Đảng: Ngày 06/5/2014

Ứng cử tại Đơn vị bầu cử số 1 gồm: Huyện Đại Từ, huyện Định Hoá và huyện Phú Lương.

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ tạo điều kiện cho bản thân nối kết được mối quan hệ giữa Trung ương với địa phương trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật; đề xuất những cơ chế, chính sách hợp lòng dân và để phát triển tỉnh nhà tốt hơn, tôi sẽ cùng Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện tốt chức trách của ĐBQH; luôn gần dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân và vì Nhân dân hành động. Vì vậy bản thân tôi đã xác định các nhiệm vụ sau đây:

Thứ nhất, cùng với toàn ngành đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quan tâm đến những tâm tư nguyện vọng của cử tri về các vấn đề của pháp luật

Theo Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên khóa XX mục tiêu chủ yếu trong 5 năm tới là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên, từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng… Để tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong thời gian tới, cá nhân tôi và ngành kiểm sát Thái Nguyên phải thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của ngành đó là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.

Là một cán bộ công tác trong ngành kiểm sát, tôi sẽ đưa đến nghị trường Quốc hội những tâm tư, nguyện vọng của cử tri Thái Nguyên, những vấn đề còn bất cập nảy sinh trong đời sống xã hội làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân mà tôi phát hiện thông qua hoạt động công tác kiểm sát của ngành, từ đó góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Đồng thời, qua công tác thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành, nắm bắt tình hình tội phạm tại địa phương kịp thời tham mưu đến cấp ủy, chính quyền địa phương các kiến nghị, biện pháp phòng ngừa vi phạm và tội phạm.

Thứ hai, không ngừng nâng cao vai trò của ngành kiểm sát trong việc xây dựng và giám sát thi hành pháp luật

Là đại biểu Quốc hội - cơ quan lập pháp, vì vậy tôi phải thường xuyên rèn luyện trí, tài, không ngừng nghiên cứu học tập để nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ ĐBQH, tham gia đóng góp ý kiến vào các quyết sách quan trọng.

Tham gia công tác lập pháp, tôi sẽ vận dụng những kiến thức pháp luật từ nhà trường đến thực tiễn công tác trong ngành, sự hiểu biết về pháp luật, lắng nghe những quan điểm và ý kiến của cử tri, phân tích lựa chọn thông tin, cân nhắc đánh giá các dự luật để tham gia thảo luận biểu quyết có chất lượng và để luật ban hành đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, cũng như xây dựng xã hội ổn định, phát triển.

Luôn luôn liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên nói chung và ngành Kiểm sát nói riêng đến với Quốc hội; tích cực tham gia giám sát việc triển khai thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri với các cơ quan, ban, ngành liên quan.

Thứ ba, đem tiếng nói của thanh niên, của nữ cán bộ trẻ tích cực góp phần xây dựng chính sách pháp luật

Với tư cách là một nữ ĐBQH tôi sẽ tích cực thể hiện vai trò và tăng cường tiếng nói, sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội nói riêng và cơ quan dân cử nói chung, cùng với đó là tập trung giám sát các kế hoạch có tính đến giới và thực thi luật pháp về giới.

Bên cạnh đó, với vai trò là một đại diện của thế hệ thanh niên trẻ, tôi sẽ không ngừng phát huy những hiểu biết, kiến thức trong lĩnh vực chuyên môn của mình, tích cực tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào việc xây dựng, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thanh niên và những vấn đề về thanh niên trong việc xây dựng, giám sát pháp luật của Quốc hội.


thainguyen.gov.vn