Truy cập nội dung luôn

Ứng cử viên ĐBQH khóa XV tại Đơn vị bầu cử số 2: Bà Đoàn Thị Hảo

Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu Lý lịch trích ngang và lược ghi Chương trình hành động của ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại Đơn vị bầu cử số 2: Bà Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên.

 

LÝ LỊCH TRÍCH NGANG

Họ và tên: Đoàn Thị Hảo

Ngày tháng năm sinh: 28/12/1966

Giới tính: Nữ

Quốc tịch: Việt Nam

Dân tộc:  Tày

Tôn giáo: Không

Quê quán: Xã Quang Lang (nay là thị trấn Đồng Mỏ), huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn

Nơi ở hiện nay: Tổ dân phố số 6, phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Trình độ giáo dục phổ thông: 10/10

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Đại học, chuyên ngành sư phạm Ngữ Văn; Đại học chuyên ngành Công đoàn

Học hàm, học vị: Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục

Trình độ lý luận chính trị: Cử nhân

Trình độ ngoại ngữ: Tiếng Nga trình độ C; Tiếng dân tộc Tày

Nghề nghiệp, chức vụ: Cán bộ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên

Nơi công tác: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên

Ngày vào Đảng: 09/6/1996.

Đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Đại biểu HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XI, nhiệm kỳ 2004 - 2011; khóa XII, nhiệm kỳ 2011 - 2016; khóa XIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021

Ứng cử tại Đơn vị bầu cử số 2 gồm: TP. Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ và huyện Võ Nhai.

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

Nếu trúng cử ĐBQH khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tôi đưa ra chương trình hành động với những nội dung như sau:

1. Thường xuyên liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, với chính quyền địa phương; tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của Nhân dân bằng nhiều hình thức; dành nhiều thời gian đi thực tế để nắm bắt thực tiễn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Rèn luyện phong cách sống và làm việc gần dân, hiểu dân, giúp dân và học dân.

2. Tích cực tham gia nghiên cứu, đóng góp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội, xây dựng các cơ chế, chính sách, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13của Đảng.

3. Với vai trò là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XIV tỉnh Thái Nguyên, tôi sẽ tiếp tục cùng tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục tạo mọi điều kiện, nhất là nguồn lực để xây dựng và phát triển tỉnh Thái Nguyên đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, nâng cao toàn diện đời sống Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và Vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030; nghiên cứu, đề xuất một số nội dung sau:

+ Các chính sách thu hút nguồn lực đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên, để triển khai tổ chức thực hiện 12 chương trình, 32 đề án và 21 kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên như: Đề án cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển nhà ở xã hội tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025…, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịchđặc biệt là các công trình trọng điểm có sức lan tỏa như:Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc; dự án đường Bắc Sơn kéo dài…

+ Các giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030.

+ Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng chuyên môn hóa sản xuất, nông nghiệp công nghệ cao, sản lượng cao, nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

+ Các giải pháp về an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, đảm bảo các tầng lớp Nhân dân được thụ hưởng những chính sách tốt nhất về các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe và giải quyết việc làm.

+ Các chính sách đối với cán bộ ở cơ sở, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, để phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh Thái Nguyên và phát triển đất nước.

4. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, ngoài sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu của bản thân, các ĐBQH cần có sự hợp tác, giúp đỡ, động viên, chia sẻ rất lớn của cử tri và Nhân dân toàn tỉnh Thái Nguyên. Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH, tôi sẽ nỗ lực, cố gắng để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ĐBQH, người đại biểu của Nhân dân và thực hiện tốt chương trình hành động đã đề ra.


thainguyen.gov.vn