Truy cập nội dung luôn

Du lịch Thái Nguyên - Một năm nhiều dấu ấn

Với con số 3,4 triệu lượt khách đến với Thái Nguyên năm 2024 và tổng thu từ hoạt động du lịch đạt gần 3.100 tỷ đồng, ngành Du lịch Thái Nguyên đã có một năm bứt phá, tạo dấu ấn sâu sắc với du khách bằng những trải nghiệm “từ trái tim đến trái tim”. Du lịch xứ trà đã và đang khẳng định vị thế trên bản đồ điểm đến du lịch của Việt Nam.

Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc: Đây là tuyến kết nối trực tiếp cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc và Khu du lịch quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. (Ảnh: Kim Oanh)

Giao thông kết nối được quan tâm

Thái Nguyên có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải của xã hội với chất lượng ngày càng cao. Với lợi thế địa lý cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 80 km với thời gian di chuyển khoảng 60 phút; cách cảng Hải Phòng, Quảng Ninh 180 km với thời gian di chuyển khoảng 150 đến 180 phút; cách biên giới Trung Quốc 200 km… Thái Nguyên là “điểm nút giao thông” quan trọng, đã và đang được đầu tư xây dựng, phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại nối Thái Nguyên với các tỉnh vùng Việt Bắc và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ qua các tuyến giao thông như: Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường Thái Nguyên Chợ Mới, đường Hồ Chí Minh, các tuyến QL.3 (Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng), QL.37, QL.17 (Bắc Giang - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Hà Giang), QL.1B (Thái Nguyên - Lạng Sơn), QL.3C (Thái Nguyên - Bắc Kạn). Tuyến đường sắt Thái Nguyên - Hà Nội dài 55 km là một phần của mạng lưới đường sắt quốc gia. 

Để đón lượng du khách đến với Thái Nguyên, ngành Giao thông vận tải đã tích cực, chủ động tham mưu UBND tỉnh thực hiện đầu tư, nâng cấp và mở mới nhiều tuyến giao thông đối nội để kết nối du lịch như: Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km31 Quốc lộ 3 đến Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; đường trục chính từ TP. Thái Nguyên vào Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc; đường quanh hồ Núi Cốc; dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc: Đây là tuyến kết nối trực tiếp cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc và Khu du lịch quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; tạo quỹ đất, đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ tại các khu vực như TP. Phổ Yên, huyện Đại Từ, khu vực sườn đông Tam Đảo.

Thái Nguyên có 12 Điểm du lịch cộng đồng được UBND tỉnh ra quyết định công nhận. (Trong ảnh: Lễ công bố quyết định của UBND tỉnh công nhận Điểm du lịch cộng đồng xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình, huyện Định Hóa) - Ảnh: Thành Chung)

Sản phẩm du lịch đa dạng

Thái Nguyên hiện phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch gồm: Du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với văn hóa trà; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, MICE;  du lịch thể thao, khám phá hang động.

Tại các huyện, thành phố có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng đã và đang tập trung các nguồn lực để xây dựng điểm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số và tham gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tỉnh cũng định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn bền vững, sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, vừa tạo ra sản phẩm du lịch, vừa phục vụ du lịch (sản phẩm OCOP, hàng lưu niệm…) góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân.

Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đưa vào khai thác tuyến du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với văn hóa trà: Di tích Lý Nam Đế (TP. Phổ Yên) - Khu di tích lịch sử quốc gia 60 liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên) - đền Đuổm (huyện Phú Lương) - Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa - Thiền viện trúc lâm Tây Trúc - Di tích núi Văn, núi Võ - Di tích lịch sử 27/7 - Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc (huyện Đại Từ). Tại các địa phương đã tích cực tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng để phát triển du lịch. Hình thành và khai thác các sản phẩm du lịch bổ trợ có sức hấp dẫn cao như sân golf, phố đêm, sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn...

Di tích lịch sử quốc gia nơi thành lập Đội Cứu quốc quân II tại rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai được tu bổ, tôn tạo, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và là điểm đến ý nghĩa trong chuỗi các điểm đến du lịch lịch sử trên địa bàn tỉnh

Chuyển đổi số về lĩnh vực du lịch

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vận hành chính thức Cổng Thông tin du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động. Đến nay, hệ thống Cổng du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên đã được tích hợp trên C-Thái Nguyên và được liên kết trang website với các tỉnh thành phố trên toàn quốc nhằm tạo lợi ích tương hỗ giữa du khách - chính quyền - doanh nghiệp. Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai các đề tài ứng dụng Công nghệ VR xây dựng mô hình tham quan các điểm đến du lịch lịch sử, từ đó nâng cao hiệu quả bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị lịch sử của di tích vào giáo dục truyền thống cách mạng, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của tỉnh.

Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên và Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp tác, liên kết phát triển du lịch 

Liên kết, hợp tác phát triển du lịch

Năm 2024 là năm đánh dấu bước tiến quan trọng trong liên kết, hợp tác phát triển du lịch của tỉnh Thái Nguyên. Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch gắn với quảng bá, thu hút khách du lịch đến với Thái Nguyên, tham gia các hoạt động, sự kiện quan trọng để quảng bá, giới thiệu du lịch Thái Nguyên với cả nước. Công tác liên kết, hợp tác liên vùng, liên tỉnh được quan tâm thực hiện. Bên cạnh đó đã đẩy mạnh liên kết, tổ chức các Đoàn trình Famtrip giới thiệu điểm đến du lịch; tư vấn nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, góp ý xây dựng các sản phẩm du lịch, các tour, tuyến du lịch nội tỉnh và kết nối liên tỉnh, liên vùng.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức vận hành thí điểm một chuyến tàu du lịch từ Hà Nội đi Thái Nguyên vào ngày 28/12/2024 nhằm đánh giá tính khả thi, hiệu quả để hoàn thiện ý tưởng, đề xuất việc khai thác giao thông đường sắt gắn với quảng bá văn hóa trà và phát triển du lịch Thái Nguyên. ( Ảnh: Đình Sơn)

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Phát huy những kết quả đạt được của năm 2024, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 08/11/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; phát huy tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, chuyển đổi số trong phát triển du lịch. Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra các hoạt động du lịch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả nhằm hỗ trợ phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2025 - 2030.

Phương Thảo
thainguyen.gov.vn

Cơ quan chủ quản: UBND TỈNH THÁI NGUYÊN

Bản quyền thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên

Trụ sở: Số 18, đường Nha Trang, thành phố Thái Nguyên Email: portal@thainguyen.gov.vn Điện thoại: 0208.3851149 Fax: 0208.3851149

Tổng Biên tập: Tạ Văn Lộc, Giám đốc Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên

Ghi rõ nguồn "thainguyen.gov.vn" khi phát hành thông tin từ website này