Truy cập nội dung luôn

Những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ ngày 15/5/2021

Những chính sách mới được ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/5/2021 đó là: Quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”; quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; quản lý giống cây trồng lâm nghiệp...

Quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”

Nghị định số 40/2021/NĐ-CP ngày 30/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”.

Theo Nghị định, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” được sửa đổi, bổ sung như sau:

Danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” được xét tặng cho đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị định 40/2021/NĐ-CP  đạt các tiêu chuẩn sau đây:

Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương;

Có phẩm chất đạo đức, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình, ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ;

Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên; riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên;

Đã được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú” và sau đó đạt một trong các tiêu chí sau:

Có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia (trong đó có 01 giải Vàng là của cá nhân). Các giải Vàng trong nước hoặc quốc tế của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 40/2021/NĐ-CP.

Có ít nhất 03 giải Vàng quốc gia (nếu không có 01 giải Vàng là của cá nhân). Các giải Vàng trong nước hoặc quốc tế của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 40/2021/NĐ-CP.

Có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong trường hợp cụ thể sau: Nghệ sĩ là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi, có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật; nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước; nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế.

Cũng theo Nghị định, Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú” được sửa đổi, bổ sung như sau:

Danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú được xét tặng cho đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị định 40/2021/NĐ-CP đạt các tiêu chuẩn sau:

Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương.

Có phẩm chất đạo đức, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ.

Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên; riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 10 năm trở lên.

Đạt một trong các tiêu chí sau: Có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia (trong đó có 01 giải Vàng là của cá nhân). Các giải Vàng trong nước hoặc quốc tế của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 40/2021/NĐ-CP.

Có ít nhất 01 giải Vàng quốc gia và 02 giải Bạc quốc gia (trong đó có 01 giải Vàng là của cá nhân). Các giải Vàng trong nước hoặc quốc tế của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 40/2021/NĐ-CP. Tỷ lệ quy đổi các giải Bạc trong nước và quốc tế của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục sang giải Bạc quốc gia được tính như tỷ lệ quy đổi của giải Vàng.

Có ít nhất 03 giải Vàng quốc gia (nếu không có 01 giải Vàng là của cá nhân). Các giải Vàng trong nước hoặc quốc tế của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 40/2021/NĐ-CP.

Có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định tại điểm a, b và điểm c khoản này nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong trường hợp cụ thể sau: Nghệ sĩ là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi, có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật; nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước; nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế.

Nghị định 40/2021/NĐ-CP có hiệu từ ngày 15/5/2021.

Quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Nghị định số 41/2021/NĐ-CP ngày 30/3/2021 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Theo Nghị định, trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được sửa đổi, bổ sung như sau:

Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất thuộc một trong các trường hợp sau đây phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước:

Đối với khai thác nước mặt: Khai thác nước mặt để phát điện; khai thác nước mặt để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt.

Đối với khai thác nước dưới đất: Khai thác nước dưới đất để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt; khai thác nước dưới đất (trừ nước lợ, nước mặn) để nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác với quy mô từ 20 m3/ngày đêm trở lên.

Cũng theo Nghị định, căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được sửa đổi, bổ sung như sau:

Mục đích sử dụng nước, gồm: Khai thác nước dùng cho sản xuất thủy điện; khai thác nước dùng cho kinh doanh, dịch vụ; khai thác nước dùng cho sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt; khai thác nước dưới đất dùng cho tưới cà phê, cao su, điều, chè, hè tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác; khai thác nước dưới đất dùng cho nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc.

Chất lượng nguồn nước được xác định theo phân vùng chất lượng nước hoặc phân vùng chức năng nguồn nước trong các quy hoạch tài nguyên nước hoặc các quy hoạch về tài nguyên nước theo pháp luật về quy hoạch hoặc quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; trường hợp chưa có quy hoạch hoặc trong quy hoạch chưa phân vùng thì căn cứ vào chất lượng thực tế của nguồn nước khai thác.

Loại nguồn nước khai thác gồm: Nước mặt, nước dưới đất.

Điều kiện khai thác: Đối với nước mặt xác định theo khu vực nguồn nước mặt được khai thác; đối với nước dưới đất xác định theo loại hình công trình khai thác (giếng khoan, giếng đào, hố đào, hành lang, mạch lộ, hang động), trường hợp công trình là giếng khoan thì xác định theo chiều sâu khai thác.

Quy mô khai thác: Đối với khai thác nước cho thủy điện được xác định theo hồ sơ thiết kế; đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước cho mục đích khác với quy định tại điểm a khoản này được xác định theo giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và tỷ lệ cấp nước cho các mục đích sử dụng.

Thời gian khai thác được xác định trên cơ sở thời gian bắt đầu vận hành công trình, thời điểm giấy phép bắt đầu có hiệu lực và thời hạn quy định trong giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Ngoài ra, phương thức thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định như sau:

Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được nộp hàng năm theo số tiền được ghi trong quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Căn cứ khả năng của mình, chủ giấy phép lựa chọn phương thức nộp tiền một lần trong năm, hai lần trong năm hoặc nộp một lần cho cả thời gian được phê duyệt. Việc nộp liền một lần cho cả thời gian phê duyệt tiền cấp quyền do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tiền cấp quyền quyết định trên cơ sở đề xuất của chủ giấy phép và được quy định trong quyết định phê duyệt tiền cấp quyền.

Việc thu, nộp, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và quy định của Nghị định này.

Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được thu, nộp về địa phương nơi có công trình khai thác tài nguyên nước. Đối với công trình khai thác tài nguyên nước là hồ chứa mà phạm vi công trình nằm trên địa bàn từ 02 (hai) tỉnh trở lên, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước sẽ được phân chia cho từng tỉnh trên cơ sở tỷ lệ (%) số tiền nộp thuế tài nguyên nước.

Việc quản lý, sử dụng, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; việc bố trí Ngân sách Nhà nước hàng năm được xem xét ưu tiên sử dụng để bảo đảm cho hoạt động bảo vệ tài nguyên nước, cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước, giám sát hoạt động khai thác nước và các hoạt động phòng ngừa, ứng phó khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước dựa trên tổng số tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã thu.

Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là một loại chi phí được xác định trong giá thành sản xuất của chủ giấy phép.

Nghị định số 41/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2021.

Quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bao gồm tài sản bảo đảm; xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và xử lý tài sản bảo đảm.

Đối tượng áp dụng bao gồm: Bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, người có nghĩa vụ được bảo đảm; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó, Nghị định xác định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng nhiều biện pháp bảo đảm, bằng nhiều tài sản: Một nghĩa vụ có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều biện pháp bảo đảm. Trường hợp nghĩa vụ này bị vi phạm mà bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm không có thỏa thuận về việc lựa chọn áp dụng biện pháp bảo đảm thì bên nhận bảo đảm lựa chọn biện pháp bảo đảm để áp dụng hoặc áp dụng tất cả các biện pháp bảo đảm;

Một nghĩa vụ có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều tài sản. Phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của từng tài sản trong số các tài sản bảo đảm được xác định theo thỏa thuận của bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Trường hợp không có thỏa thuận thì bất kỳ tài sản nào trong số đó được dùng để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

Việc giữ, sử dụng, giao, nhận Giấy chứng nhận cũng được xác định cụ thể tại Điều 6 của Nghị định: Trường hợp tài sản bảo đảm được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác hoặc để thực hiện giao dịch dân sự khác mà bên nhận bảo đảm đang giữ bản chính Giấy chứng nhận thì người này giao bản chính Giấy chứng nhận cho chủ thể trong giao dịch liên quan hoặc thực hiện nghĩa vụ khác theo thỏa thuận để chủ thể trong giao dịch liên quan thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bên nhận bảo đảm giao bản chính Giấy chứng nhận cho chủ thể trong giao dịch liên quan thì chủ thể đã nhận phải giao lại bản chính Giấy chứng nhận cho bên nhận bảo đảm ngay sau khi thực hiện xong thủ tục, nếu chậm hoặc không giao lại bản chính Giấy chứng nhận mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Bên bảo đảm được dùng bản sao Giấy chứng nhận và bản chính văn bản xác nhận còn hiệu lực của bên nhận bảo đảm về việc giữ bản chính Giấy chứng nhận để sử dụng hoặc lưu hành tài sản.

Việc giữ, sử dụng Giấy chứng nhận về tàu bay, tàu biển thực hiện theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ luật Hàng hải Việt Nam.

Tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được xác định rõ tại Điều 8 của Nghị định như sau: Tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm: Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm; tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu; tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ; tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định.

Hiệu lực của hợp đồng bảo đảm được quy định trong Nghị định như sau: Hợp đồng bảo đảm được công chứng, chứng thực theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan hoặc theo yêu cầu thì có hiệu lực từ thời điểm được công chứng, chứng thực.

Hợp đồng bảo đảm không thuộc khoản 1 Điều này có hiệu lực từ thời điểm do các bên thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận thì có hiệu lực từ thời điểm hợp đồng được giao kết.

Trường hợp tài sản bảo đảm được rút bớt theo thỏa thuận thì phần nội dung hợp đồng bảo đảm liên quan đến tài sản được rút bớt không còn hiệu lực; tài sản bảo đảm được bổ sung hoặc thay thế thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo đảm liên quan đến tài sản này thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan.

Biện pháp bảo đảm chưa phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba không làm thay đổi hoặc không làm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng bảo đảm.

Một điểm đáng chú ý khác của Nghị định đó là: Bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản được tạo lập từ quyền bề mặt, quyền hưởng dụng: Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất quy định tại Điều 325 và Điều 326 của Bộ luật Dân sự thì hợp đồng thế chấp vẫn còn hiệu lực, biện pháp thế chấp vẫn còn hiệu lực đối kháng với người thứ ba khi tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sử dụng đất không phải là tài sản bảo đảm được mua bán, được chuyển nhượng, được chuyển giao khác về quyền sở hữu hoặc được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Hiệu lực của hợp đồng bảo đảm, hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm bằng tài sản được tạo lập từ quyền bề mặt, quyền hưởng dụng với người thứ ba không thay đổi hoặc không chấm dứt trong trường hợp quyền sử dụng đất có quyền bề mặt, tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng được mua bán, được chuyển nhượng, được chuyển giao khác về quyền sở hữu hoặc được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Nghị định số 21/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2021.

Quản lý giống cây trồng lâm nghiệp

Nghị định số 27/2021/NĐ-CP ngày 25/3/2021 quy định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, gồm: bảo tồn nguồn gen; nghiên cứu, chọn, tạo, khảo nghiệm giống; nhãn và tên giống cây trồng lâm nghiệp; quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp; sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp. Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động liên quan đến nội dung quy định tại Điều 1 Nghị định này trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo Nghị định, một số nội dung được quy định cụ thể như:

Nguyên tắc quản lý giống cây trồng lâm nghiệp: Quản lý chặt chẽ theo chuỗi đối với giống các loài cây trồng lâm nghiệp chính, khuyến khích thực hiện đối với các giống cây trồng lâm nghiệp khác, để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng giống; tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp được nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; khuyến khích xã hội hóa các hoạt động liên quan đến giống cây trồng lâm nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ trong nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất, bảo quản giống cây trồng lâm nghiệp, các hoạt động quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

Yêu cầu chung về khảo nghiệm giống cây trồng lâm nghiệp: Khảo nghiệm giống cây trồng lâm nghiệp được thực hiện theo từng vùng. Giống cây trồng lâm nghiệp được khảo nghiệm ở vùng nào thì sẽ được cấp quyết định công nhận để phát triển ở vùng đó và những nơi có điều kiện sinh thái tương tự; phương pháp khảo nghiệm giống cây trồng lâm nghiệp được quy định tại tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp khảo nghiệm tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; phương pháp giải trình tự gen được sử dụng thay thế phương pháp khảo nghiệm tính khác biệt để kiểm tra tính đúng của giống; trước khi khảo nghiệm giống cây trồng lâm nghiệp biến đổi gen phải thực hiện đánh giá rủi ro theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp:

Tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp có các quyền: Đầu tư nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp; điều tra, đánh giá, thu thập, lưu giữ, khai thác nguồn vật liệu nhân giống trong nước hoặc nhập khẩu phục vụ nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định của pháp luật. Được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đầu tư cho khoa học và công nghệ, chính sách đặc thù cho lĩnh vực, vùng theo quy định của pháp luật; hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp có các nghĩa vụ: Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, quy định khác của pháp luật có liên quan; khi chuyển giao giống cây trồng lâm nghiệp phải thực hiện theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; tuân thủ quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và quy định của pháp luật có liên quan khi tiến hành nghiên cứu, chọn, tạo, thí nghiệm, khảo nghiệm giống cây trồng lâm nghiệp biến đổi gen.

Yêu cầu chung về quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp: Quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định của Nghị định này và pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đối với giống của loài cây trồng lâm nghiệp chính: chỉ đưa vào sản xuất, kinh doanh các giống, nguồn giống đã được công nhận; chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn cơ sở về giống cây trồng lâm nghiệp.

Yêu cầu đối với chất lượng giống của loài cây trồng lâm nghiệp chính: Đối với lô hạt giống: Phải được thu hái từ nguồn giống được công nhận còn thời hạn sử dụng; chất lượng hạt giống đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc gia về hạt giống tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; đối với cây giống trong bình mô: Phải sản xuất từ giống được công nhận, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia về cây mầm mô tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; đối với hom giống, cành ghép, mắt ghép: Phải được lấy từ vườn cây đầu dòng, cây trội được công nhận còn thời hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia về hom giống, cành ghép, mắt ghép tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; đối với lô cây giống: Phải được sản xuất từ cây trong bình mô hoặc giống được thu hái từ nguồn giống đã được công nhận, còn thời hạn sử dụng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia về cây giống tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; giống cây trồng lâm nghiệp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều này được quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở khi chưa có tiêu chuẩn quốc gia.

Điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp

Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp; trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở; sản xuất giống của loài cây trồng lâm nghiệp chính phải sử dụng vật liệu nhân giống từ giống, nguồn giống được công nhận.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Có địa điểm giao dịch hợp pháp; có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống, gồm: Thông tin về hợp đồng, hóa đơn mua bán lô giống; hồ sơ, nhãn phù hợp quy định tại Điều 18, Điều 19 Nghị định này; các thông tin về vật liệu nhân giống đã sử dụng, tiêu chuẩn công bố áp dụng, số lượng, thời gian giao nhận.

Trước khi sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gửi thông báo qua thư điện tử hoặc gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sở tại các thông tin sau: Địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp, số điện thoại liên hệ để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp: Sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp được thực hiện theo phương pháp nhân giống hữu tính và phương pháp nhân giống vô tính theo tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp; trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở; sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp bằng nuôi cấy mô phải sử dụng vật liệu nhân giống từ giống gốc hoặc giống phục tráng; giống gốc hoặc giống phục tráng sau 02 năm sử dụng nhân giống phải được phục tráng lại theo tiêu chuẩn quốc gia về phục tráng giống; tổ chức, cá nhân tự chịu trách nhiệm về số lượng và chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp do mình sản xuất, kinh doanh; tổ chức, cá nhân kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp có trách nhiệm bàn giao cho khách hàng hồ sơ liên quan đến lô giống theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định này khi xuất bán để sử dụng trong quá trình vận chuyển, lưu thông và sử dụng giống.

Quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp có quyền sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp khi đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 21 Nghị định này.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp có nghĩa vụ sau đây: Tuân thủ đầy đủ quy định tại Điều 21 Nghị định này; thực hiện công bố phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn tương ứng với sản phẩm sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; thu hồi, xử lý giống cây trồng lâm nghiệp không bảo đảm chất lượng khi lưu thông trên thị trường; bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; cung cấp tài liệu minh chứng về nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp, tài liệu truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng lâm nghiệp; ghi nhãn đối với giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định này; báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp tại địa phương.

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp

Tổ chức, cá nhân sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp có các quyền: Được cung cấp đầy đủ thông tin và hướng dẫn sử dụng đối với giống cây trồng lâm nghiệp sử dụng; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp có các nghĩa vụ: Tuân thủ quy trình sản xuất, hướng dẫn sử dụng đối với giống cây trồng lâm nghiệp do tổ chức, cá nhân cung cấp giống cây trồng lâm nghiệp công bố hoặc hướng dẫn; khi xảy ra sự cố hoặc phát hiện hậu quả xấu do giống cây trồng lâm nghiệp gây ra phải kịp thời thông báo cho tổ chức, cá nhân cung cấp giống cây trồng lâm nghiệp và chính quyền địa phương biết, để xử lý.

Nghị định số 27/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2021.

Quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập

Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập bao gồm: quản lý các hoạt động giáo dục; thực hiện quy chế dân chủ trong quản lý các hoạt động giáo dục; trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục trong quản lý các hoạt động giáo dục; bảo đảm việc tham gia của học sinh, gia đình và xã hội trong quản lý các hoạt động giáo dục.

Tại Nghị định đã quy định rõ về một số nội dung như:

Hoạt động tuyển sinh: Cơ sở giáo dục thực hiện tuyển sinh theo yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, thực hiện giáo dục bắt buộc đối với giáo dục tiểu học, yêu cầu phổ cập giáo dục trung học cơ sở theo quy định của pháp luật; cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên theo quy định của pháp luật được tự chủ xác định phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, đối tượng tuyển sinh và địa bàn tuyển sinh.

Tổ chức hoạt động giáo dục: Cơ sở giáo dục được quyết định các phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; cơ sở giáo dục được chủ động liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các tổ chức, cá nhân và gia đình học sinh để tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định của pháp luật

Trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường: Phê duyệt kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật; giám sát việc tổ chức thực hiện kế hoạch tuyển sinh, các hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, việc thực hiện quy chế dân chủ trong quản lý các hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục; giám sát việc quản lý, sử dụng các nguồn lực xã hội hóa dành cho cơ sở giáo dục, bảo đảm mục tiêu giáo dục, công khai, minh bạch và hiệu quả; thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu cơ sở giáo dục: Tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động tham gia xây dựng kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục; trình Hội đồng trường phê duyệt các kế hoạch trước khi tổ chức thực hiện; tổ chức thực hiện kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục; quản lý, sử dụng các nguồn lực xã hội hóa, bảo đảm đúng mục đích, công bằng, công khai, minh bạch; tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục theo quy định; tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động tham gia đánh giá chất lượng giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục; công khai mục tiêu chất lượng giáo dục, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, kết quả tuyển sinh, kết quả giáo dục, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật; thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Trách nhiệm và quyền hạn của giáo viên, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục: Tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; tham gia tổ chức tuyển sinh, tổ chức hoạt động giáo dục, quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; tham gia giám sát việc tổ chức tuyển sinh, tổ chức hoạt động giáo dục, quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật; thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Trách nhiệm của đoàn thể, tổ chức xã hội trong cơ sở giáo dục: Tham gia xây dựng kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục; phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường của cơ sở giáo dục, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục; phối hợp sử dụng các nguồn lực xã hội hóa để tổ chức các hoạt động giáo dục và tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng bảo đảm đúng mục đích, chất lượng, hiệu quả theo quy định của pháp luật; thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Trách nhiệm của đoàn thể, tổ chức xã hội ngoài cơ sở giáo dục: Phối hợp với cơ sở giáo dục và gia đình học sinh trong việc tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng và các hoạt động giáo dục khác theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; phối hợp quản lý, sử dụng các nguồn lực xã hội hoá dành cho cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật; giám sát các hoạt động của cơ sở giáo dục theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật.

Trách nhiệm của gia đình: Tham gia góp ý mục tiêu giáo dục và kế hoạch giáo dục của nhà trường của cơ sở giáo dục thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh trường; tham gia góp ý nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục về các biện pháp giáo dục, khen thưởng, kỷ luật học sinh; nắm bắt tình hình và kết quả hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy học học sinh để phối hợp với cơ sở giáo dục trong việc quản lý, giáo dục học sinh; phối hợp với cơ sở giáo dục và các tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy học học sinh bảo đảm an toàn cho học sinh; tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng và các hoạt động giáo dục khác theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; phối hợp với cơ sở giáo dục trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực xã hội hóa, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục học sinh và đảm bảo an toàn cho học sinh theo quy định của pháp luật; giám sát các hoạt động của cơ sở giáo dục theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật.

Nghị định số 24/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2021.

Quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Áp dụng đối với người lao động được hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nghiệp cho người lao động; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan bảo hiểm xã hội; trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập và các cơ quan có liên quan đến việc hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, mức hỗ trợ học nghề đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo; đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.

Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là ½ tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 01 tháng.

Hồ sơ đề nghị học nghề và giải quyết hỗ trợ học nghề được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ).

Hằng tháng, cơ sở đào tạo nghề nghiệp thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ).

Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ học nghề do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15/5/2021.