Truy cập nội dung luôn

Những chính sách mới có hiệu lực từ ngày 25/8

Sửa đổi, bổ sung chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước; hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại; sửa đổi, bổ sung quy định về nghiệp vụ thị trường mở… là những chính sách mới có hiệu lực từ ngày 25/8/2021.

 

Sửa đổi, bổ sung chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước

Thông tư số 54/2021/TT-BTC ngày 06/7/2021 sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 35 Thông tư số 71/2018/TT-BTC ngày 10/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước.

Theo đó, Khoản 4 Điều 35 Thông tư số 71/2018/TT-BTC ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước được sửa đổi, bổ sung như sau:

“4. Chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quy định tại Thông tư này được áp dụng cho đến khi thực hiện chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang do Chính phủ ban hành để triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”.

Thông tư số 54/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/8/2021.

Hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

Thông tư số 55/2021/TT-BTC ngày 08/7/2021 hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại (gọi là cưỡng chế) theo quy định tại Điều 44, Nghị định số 44/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

Đối tượng áp dụng bao gồm: Người ra quyết định cưỡng chế; cơ quan của người ra quyết định cưỡng chế (gọi là cơ quan ra quyết định cưỡng chế), cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế; pháp nhân thương mại không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án (gọi là đối tượng bị cưỡng chế); cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước các cấp; cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến thi hành cưỡng chế.

Về nguyên tắc quản lý chi phí cưỡng chế được xác định như sau: Pháp nhân thương mại bị cưỡng chế phải chịu mọi chi phí cho hoạt động cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP; pháp nhân thương mại bị cưỡng chế có trách nhiệm nộp toàn bộ chi phí cưỡng chế cho cơ quan ra quyết định cưỡng chế theo quy định của Thông tư này.

Về nội dung chi phí cưỡng chế cũng được Thông tư xác định cụ thể đó là: Việc xác định chi phí cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP.

Nội dung chi: Các chi phí quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện căn cứ vào hợp đồng, thanh lý hợp đồng, biên bản bàn giao tài sản kê biên (đối với chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản đã kê biên), hóa đơn, chứng từ chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ theo quy định hiện hành và được người ra quyết định cưỡng chế phê duyệt; riêng chi bồi dưỡng cho những người được huy động trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế như sau: Mức chi cho người chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế thuộc cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế là 150.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế, mức chi cho người được huy động tham gia thi hành quyết định cưỡng chế là 100.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế.

Việc nộp và tạm ứng chi phí cưỡng chế được quy định như sau:

Trước khi tổ chức việc cưỡng chế, cơ quan ra quyết định cưỡng chế phê duyệt dự toán chi phí cưỡng chế. Dự toán chi phí cưỡng chế được lập căn cứ vào biện pháp cưỡng chế cần áp dụng, thời gian, địa điểm cưỡng chế, phương án tiến hành cưỡng chế, lực lượng tham gia (số lượng, thành phần tham gia) phục vụ cho cưỡng chế.

Dự toán chi phí cưỡng chế sau khi được phê duyệt phải được gửi cho đối tượng bị cưỡng chế 01 bản cùng với quyết định cưỡng chế, quyết định về khấu trừ tiền trong tài khoản của pháp nhân thương mại phải thi hành biện pháp tư pháp (đối với biện pháp phong tỏa tài khoản) để nộp chi phí cưỡng chế (văn bản ghi rõ ngày, tháng, năm xử phạt, số tiền phải thanh toán, địa chỉ thanh toán bằng tiền mặt hoặc số tài khoản nếu thanh toán bằng chuyển khoản và các thông tin cần thiết khác). Đồng thời, cơ quan ra quyết định cưỡng chế phải gửi tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước, công ty chứng khoán đang quản lý tài khoản của pháp nhân thương mại phải thi hành biện pháp tư pháp và cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp (trường hợp áp dụng Điều 42 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP).

Trường hợp thực hiện việc cưỡng chế bằng biện pháp phong tỏa tài khoản, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự ra quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản của pháp nhân thương mại, số tiền khấu trừ không được vượt quá số tiền để thi hành biện pháp tư pháp và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế. Ngay sau khi nhận được quyết định về khấu trừ tiền trong tài khoản của pháp nhân thương mại phải thi hành biện pháp tư pháp thì tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước đang quản lý tài khoản của pháp nhân thương mại, công ty chứng khoán nơi pháp nhân thương mại mở tài khoản chứng khoán phải khấu trừ tiền trong tài khoản và chuyển cho cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền để tổ chức cưỡng chế thi hành biện pháp tư pháp.

Trường hợp chưa thu được chi phí cưỡng chế từ đối tượng bị cưỡng chế do đối tượng bị cưỡng chế không tự nguyện nộp hoặc lý do khách quan khác, căn cứ dự toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt, cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế (hoặc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp trường hợp áp dụng Điều 42 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP) đề nghị cơ quan ra quyết định cưỡng chế tạm ứng chi phí cưỡng chế từ dự toán kinh phí cưỡng chế để thực hiện. Mức tạm ứng tối đa bằng dự toán kinh phí cưỡng chế được giao của cơ quan ra quyết định cưỡng chế.

Hồ sơ tạm ứng bao gồm dự toán năm được cấp có thẩm quyền giao, văn bản phê duyệt dự toán chi phí cưỡng chế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giấy rút dự toán ngân sách (tạm ứng) theo quy định.

Viêc quyết toán và hoàn trả tạm ứng chi phí cưỡng chế được quy định cụ thể đó là:

Khi kết thúc việc thi hành quyết định cưỡng chế, cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế (hoặc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp trường hợp áp dụng Điều 42 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP) trình người ra quyết định cưỡng chế phê duyệt quyết toán chi phí cưỡng chế. Cơ quan ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm gửi quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt cho đối tượng bị cưỡng chế (trường hợp đối tượng bị cưỡng chế đã nộp chi phí cưỡng chế). Nếu số tiền quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt thấp hơn số tiền đối tượng bị cưỡng chế đã nộp thì cơ quan ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm hoàn trả lại cho đối tượng bị cưỡng chế số tiền chênh lệch. Trường hợp quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt cao hơn số tiền đối tượng bị cưỡng chế đã nộp thì đối tượng bị cưỡng chế có trách nhiệm nộp số tiền còn thiếu cho cơ quan ra quyết định cưỡng chế.

Trường hợp đã thực hiện tạm ứng chi phí cưỡng chế theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này, căn cứ quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt, cơ quan ra quyết định cưỡng chế có thông báo bằng văn bản về quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt gửi cho đối tượng bị cưỡng chế để nộp chi phí cưỡng chế (văn bản ghi rõ ngày, tháng, năm xử phạt, số tiền phải thanh toán, địa chỉ thanh toán bằng tiền mặt hoặc số tài khoản nếu thanh toán bằng chuyển khoản và các thông tin cần thiết khác). Chậm nhất 10 ngày kể từ khi nhận được thông báo quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt, đối tượng bị cưỡng chế có trách nhiệm nộp chi phí cưỡng chế cho cơ quan ra quyết định cưỡng chế. Khi thu được tiền từ đối tượng bị cưỡng chế, cơ quan ra quyết định cưỡng chế phải làm thủ tục hoàn ứng cho ngân sách nhà nước.

Trường hợp thu được tiền chi phí cưỡng chế từ tiền bán đấu giá tài sản (theo quy định tại Điều 32, Điều 33 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP), sau khi đã khấu trừ chi phí bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản thì cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế (hoặc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp trường hợp áp dụng Điều 42 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP) thực hiện hoàn trả chi phí cưỡng chế. Trường hợp đối tượng bị cưỡng chế đã thực hiện nộp chi phí cưỡng chế thì cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế (hoặc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp trường hợp áp dụng Điều 42 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP) trả lại số tiền chi phí cưỡng chế từ khoản thu bán đấu giá tài sản cho đối tượng bị cưỡng chế.

Trường hợp không có khả năng thu hồi chi phí cưỡng chế do đối tượng bị cưỡng chế bị phá sản, giải thể mà không còn tiền, tài sản để nộp chi phí cưỡng chế thì cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế báo cáo người ra quyết định theo quy định tại khoản 5 Điều này.

Định kỳ hàng năm, vào thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước, người ra quyết định cưỡng chế báo cáo việc sử dụng kinh phí tạm ứng để thực hiện việc cưỡng chế bao gồm: số kinh phí đã tạm ứng, số kinh phí đã thu hồi được; số kinh phí chưa thu hồi được; số kinh phí không có khả năng thu hồi (nếu có); nguyên nhân chưa thu hồi và kiến nghị với cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan tài chính cùng cấp. Hồ sơ hoàn tạm ứng chi phí cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư này và quy định của pháp luật hiện hành về hoàn tạm ứng dự toán.

Thông tư số 55/2021/TT-BTC có hiệu lưc từ ngày 25/8/2021.

Sửa đổi, bổ sung quy định về nghiệp vụ thị trường mở

Thông tư số 09/2021/TT-NHNN ngày 07/7/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 42/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về nghiệp vụ thị trường mở

Theo đó, Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 42/2015/TT-NHNN như sau:

Bổ sung khoản 3 vào Điều 14 như sau: “3. Đối với bán (phát hành) tín phiếu Ngân hàng Nhà nước qua nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo phương thức đấu thầu lãi suất; Ngân hàng Nhà nước bán (phát hành) tín phiếu Ngân hàng Nhà nước theo phương thức đấu thầu khối lượng trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước cần thông báo lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ”.

Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:

“Điều 15. Thông báo mua, bán giấy tờ có giá

Trước mỗi phiên đấu thầu nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước (Sở giao dịch) thông báo mua hoặc bán giấy tờ có giá cho các thành viên. Đối với phiên bản (phát hành) tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, ngoài việc thông báo cho các thành viên, Sở giao dịch đăng tải thông báo bán (phát hành) tín phiếu Ngân hàng Nhà nước trên Cổng Thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước chậm nhất vào 13 giờ 30 phút ngày đấu thầu.

Nội dung thông báo cơ bản gồm: Ngày đấu thầu; Phương thức đấu thầu; Phương thức xét thầu; Phương thức mua, bán; khối lượng giấy tờ có giá cần mua hoặc bán tính theo giá thanh toán hoặc tính theo mệnh giá (trừ trường hợp không thông báo trước khối lượng giấy tờ có giá cần mua hoặc bán của Ngân hàng Nhà nước); các loại giấy tờ có giá cần mua hoặc bán; tỷ lệ giao dịch của các loại giấy tờ có giá (trường hợp Ngân hàng Nhà nước mua); kỳ hạn của giấy tờ có giá; ngày phát hành của giấy tờ có giá (trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán); phương thức thanh toán lãi của giấy tờ có giá (trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán); ngày đến hạn thanh toán của giấy tờ có giá (trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán); thời hạn còn lại của giấy tờ có giá (trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán);  thời hạn mua, bán (số ngày); lãi suất Ngân hàng Nhà nước áp dụng khi mua hoặc bán (trường hợp đấu thầu khối lượng); lãi suất phát hành trên thị trường sơ cấp của giấy tờ có giá (trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán); thời gian nhận đơn dự thầu của thành viên; thời gian đóng thầu.”

Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 25 như sau:

“b) Đề xuất và trình Trưởng Ban điều hành quyết định về loại giấy tờ có giá mua/bán, khối lượng mua/bán, phương thức mua/bán, phương thức đấu thầu, phương thức xét thầu, thời hạn mua/bán và lãi suất áp dụng khi mua/bán giấy tờ có giá; thông báo cho Sở giao dịch các nội dung trên sau khi được Trưởng Ban điều hành phê duyệt.”

Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 25 như sau:

“d) Tổ chức thực hiện phiên giao dịch mua, bán giấy tờ có giá giữa Ngân hàng Nhà nước với các thành viên theo phê duyệt của Trưởng Ban điều hành; thực hiện đăng tải thông báo bán (phát hành) tín phiếu Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Thông tư này.”

Thông tư số 09/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 25/8/2021.

Quy định thời hạn người có chức vụ, quyền hạn trong quân đội không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, HTX thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ; quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tá trong cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng

Thông tư số 80/2021/TT-BQP ngày 08/7/2021 quy định: Thời hạn người có chức vụ, quyền hạn trong Quân đội không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ; danh mục các nhóm ngành, ngành công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác (chức danh) đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng thuộc diện cán bộ quản lý (viết gọn là cán bộ) và quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng không thuộc diện bố trí cán bộ (viết gọn là nhân viên) trong Quân đội nhân dân Việt Nam theo Mục 4 Chương II Luật Phòng, chống tham nhũng và Chương V Nghị định số 59/2019/NĐ-CP.

Đối tượng áp dụng bao gồm:

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng (viết gọn là đơn vị); cán bộ, nhân viên đang công tác tại các đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chuyển đổi vị trí công tác được áp dụng đối với cán bộ, nhân viên không giữ chức vụ chỉ huy, quản lý ở các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ nghiệp vụ các ngành Tòa án quân sự, Kiểm sát quân sự, thực hiện theo quy định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Những hành vi bị nghiêm cấm được quy định rất rõ tại Điều 5 của Thông tư đó là: Thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, nhân viên trái với nhóm ngành, ngành chuyên môn nghiệp vụ đang làm hoặc đang phụ trách; chuyển đổi vị trí công tác những cán bộ, nhân viên đảm nhiệm chức danh có cấp bậc quân hàm cao xuống chức danh có cấp bậc quân hàm thấp; cán bộ, nhân viên đảm nhiệm chức danh biên chế quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ có trình độ cao xuống chức danh biên chế quy định tiêu chuẩn trình độ nghiệp vụ thấp và ngược lại, nhằm mục đích nâng loại (ngạch) hoặc hạ loại (ngạch) lương; lợi dụng các quy định về định kỳ chuyển đổi vị trí công tác vì mục đích vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, nhân viên.

Lĩnh vực, thời hạn người có chức vụ, quyền hạn trong quân đội không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, HTX thuộc lĩnh vực trước đây minh có trách nhiệm quản lý sua khi thôi giữ chức vụ được quy định tại chương II của Thông tư cụ thể như sau:

Các lĩnh vực: Người có chức vụ, quyền hạn quy định tại Điều này là người trực tiếp thực hiện công việc tại đơn vị cấp lữ đoàn và tương đương trở lên, thuộc các lĩnh vực: Kế hoạch và đầu tư, tài chính, kinh tế, trang bị, vật tư, hậu cần, kỹ thuật; thanh tra quốc phòng; quản lý nghiên cứu đề tài khoa học; quản lý ngân hàng trong quân đội; quản lý doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng thành lập hoặc được giao quản lý; người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng quản lý.

Thời hạn: Trong thời gian 12 tháng, kể từ khi thôi giữ chức vụ, quyền hạn trong các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, người có chức vụ, quyền hạn trong Quân đội công tác thuộc lĩnh vực được quy định tại Điều 6 Thông tư này không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý; căn cứ đối tượng thuộc diện quản lý, Cơ quan cán bộ hoặc Cơ quan quân lực chủ trì, phối hợp với Cơ quan thanh tra cùng cấp xác định, tham mưu cho người có thẩm quyền việc áp dụng quy định tại Chương II Thông tư này và ghi trong quyết định thôi giữ chức vụ của người có chức vụ, quyền hạn.

Danh mục, thời hạn và nội dung chuyển đổi vị trí công tác được quy định tại Chương III của Thông tư với những nội dung cụ thể như sau:

Đối với cán bộ thuộc nhóm ngành, ngành

Cán bộ tham mưu gồm các ngành: Quân số, chính sách, trang bị, tuyển sinh quân sự, vật chất huấn luyện từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên; cấp các loại văn bằng chứng chỉ, tuyển sinh, khảo thí đối với các học viện, nhà trường trong Quân đội; cán bộ chính trị gồm các ngành: Nhân sự, đào tạo, tuyển dụng, quản lý vật tư công tác đảng, công tác chính trị, thi đua khen thưởng, chính sách, bảo hiểm từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên; cán bộ hậu cần gồm các ngành: Xăng dầu, quân nhu, doanh trại, đầu tư xây dựng cơ bản từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên; cán bộ quân y đảm nhiệm các công việc: cấp giấy chứng nhân hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của Cục Quân y/TCHC. Thanh toán bảo hiểm y tế; giám sát cung ứng các loại thuốc, dược liệu, vật tư y tế của các bệnh viện trong Quân đội; cán bộ tài chính đảm nhiệm các công việc: Kế hoạch ngân sách; quản lý ngân sách chi thường xuyên; quản lý ngân sách chi đầu tư; nghiên cứu chế độ quản lý, chế độ chính sách; kế toán; quản lý tài chính doanh nghiệp; quản lý giá; quản lý tài sản công, dự trữ quốc gia; quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên; cán bộ kỹ thuật gồm các ngành: Quản lý vật tư kỹ thuật từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên. Quản lý, đăng kiểm các loại phương tiện; đăng ký phương tiện; cấp, đăng ký, giấy phép điều khiển phương tiện đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; cán bộ khối thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án, cửa khẩu thuộc các nhóm ngành, ngành: Thanh tra viên; kiểm toán viên; điều tra viên; trinh sát viên; cảnh sát viên thuộc các lĩnh vực: Kinh tế, chống tham nhũng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống tội phạm ma túy, tội phạm về môi trường và trật tự xã hội; thẩm tra viên thi hành án dân sự thuộc cơ quan quản lý thi hành án; cán bộ cửa khẩu; cán bộ thuộc các nhóm ngành, lĩnh vực kinh tế, kế hoạch và đầu tư đảm nhiệm các công việc: Quản lý doanh nghiệp; đấu thầu và quản lý đấu thầu; thẩm định các dự án.

Đối với nhân viên thuộc nhóm ngành, ngành

Thủ kho, thống kê: Quân nhu, quân y, xăng dầu, doanh trại, trang thiết bị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên; nhân viên tài chính đảm nhiệm các công việc: Kế hoạch ngân sách; quản lý ngân sách chi thường xuyên; quản lý ngân sách chi đầu tư; nghiên cứu chế độ quản lý, chế độ chính sách; kế toán; quản lý tài chính doanh nghiệp; quản lý giá; quản lý tài sản công, dự trữ quốc gia; quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên; nhân viên chuyên môn nghiệp vụ các trạm cửa khẩu trên đất liền và cửa khẩu cảng. Quản giáo tại các trại giam, trại tạm giam.

Thời hạn định kỳ chuyển đổi: Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là 05 năm (đủ 60 tháng) liên tục đối với cán bộ, nhân viên đơn vị Quân đội thuộc danh mục các nhóm ngành, ngành quy định tại Điều 8 Thông tư này.

Phương pháp, hình thức, thẩm quyền thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác

Phương pháp, hình thức định kỳ chuyển đổi vị trí công tác: Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện bằng quyết định của cấp có thẩm quyền điều động (hoặc bổ nhiệm) từ đơn vị này sang đơn vị khác có cùng nhóm ngành, ngành chuyên môn nghiệp vụ; định kỳ chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện bằng quyết định, hoặc kế hoạch của cấp có thẩm quyền phân công, giao nhiệm vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cùng đơn vị, hoặc phân công nhiệm vụ theo dõi hướng địa bàn, đơn vị này sang theo dõi hướng địa bàn đơn vị khác, hoặc phân công thực hiện nhiệm vụ khác trong cùng nhóm ngành, ngành chuyên môn nghiệp vụ trong cùng đơn vị.

Thẩm quyền chuyển đổi vị trí công tác: Đối với cán bộ: Thẩm quyền chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện theo Quy chế công tác cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam của Quân ủy Trung ương; đối với nhân viên: Thẩm quyền chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện theo quy định tại Điều lệ Công tác quân lực của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; quy chế lãnh đạo công tác quân lực của Đảng ủy các cấp.

Những trường hợp chưa hoặc không thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác; chuyển đổi vị trí công tác trong trường hợp đặc biệt

Chưa thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác: Cán bộ, nhân viên đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật; cán bộ, nhân viên đang bị kiểm tra, thanh tra, xác minh chưa có kết luận; đang bị điều tra, truy tố, xét xử; cán bộ, nhân viên đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; đang đi học tập trung 12 tháng trở lên; đang đi biệt phái; cán bộ, nhân viên nữ đang trong thời kỳ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi cán bộ, nhân viên nam phải nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi do vợ chết hoặc điều kiện khách quan khác.

Không thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, nhân viên có thời hạn công tác còn lại dưới 18 tháng cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Đối với các đơn vị chỉ có một vị trí trong danh mục thuộc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác mà vị trí này có yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí còn lại của đơn vị đó thì báo cáo với thủ trưởng đơn vị cấp trên trực tiếp quyết định. Đơn vị cấp trên trực tiếp tổng hợp lập kế hoạch chuyển đổi chung.

Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác:

Tháng 10 hằng năm, từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên, căn cứ vào danh mục vị trí công tác quy định tại Điều 8 Thông tư này, cơ quan làm công tác nhân sự (cán bộ, quân lực) tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị xây dựng kế hoạch, rà soát và bổ sung xác định từng chức danh cán bộ, nhân viên trong đơn vị thuộc diện định kỳ chuyển đổi năm tiếp theo, báo cáo cấp ủy có thẩm quyền xem xét phê duyệt và trình người chỉ huy có thẩm quyền ra quyết định.

Kế hoạch rà soát và bổ sung xác định từng chức danh cán bộ, nhân viên trong đơn vị thuộc diện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác phải nêu rõ mục đích, yêu cầu; nội dung phải thể hiện đầy đủ danh sách các đối tượng thuộc diện chuyển đổi được quy định tại Điều 8 Thông tư này, vị trí công tác, thời gian đảm nhiệm (thời gian bắt đầu, thời gian đến khi rà soát), dự kiến đơn vị chuyển đến, trường hợp đến thời hạn chuyển đổi nhưng chưa thực hiện chuyển đổi nêu rõ lý do; biện pháp tổ chức thực hiện.

Việc chuyển đổi vị trí công tác phải được thông báo công khai cho cán bộ, nhân viên được chuyển đổi biết trước 30 (ba mươi) ngày bằng hình thức gặp trực tiếp thông báo hoặc gửi văn bản thông báo.

Thời gian bàn giao công việc của cán bộ, nhân viên chuyển đổi vị trí công tác không quá 10 (mười) ngày làm việc tính từ ngày nhận quyết định chuyển đổi vị trí công tác.

Thông tư số 80/2021/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 25/8/2021.

 

Thanh Tâm (Biên tập và tổng hợp)
thainguyen.gov.vn