Truy cập nội dung luôn

Những chính sách mới có hiệu lực từ cuối tháng 7/2021

Quy định quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương; ban hành danh mục và quy định về quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai... là những chính sách mới có hiệu lực từ cuối tháng 7/2021.

Quy định quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030

Thông tư số 03/2021/TT-BKHCN quy định quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 (viết tắt là Chương trình) được phê duyệt theo Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện và tham gia Chương trình, các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan.

Theo đó, việc phân nhóm nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình được cụ thể bao gồm:

Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý bao gồm: Các nhiệm vụ đáp ứng tiêu chí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là Nghị định số 08/2014/NĐ-CP) và nhiệm vụ thuộc Chương trình được xây dựng, triển khai theo mô hình điểm có khả năng nhân rộng, lan tỏa hoặc có tính đặc thù, phức tạp về chuyên môn sở hữu trí tuệ.

Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ do bộ hoặc cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý bao gồm: Các nhiệm vụ đáp ứng tiêu chí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP, trong đó ưu tiên các nhiệm vụ về nâng cao nhận thức, tập huấn, đào tạo về sở hữu trí tuệ, nâng cao năng lực tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ trong các đơn vị, tổ chức khoa học và công nghệ thuộc các bộ hoặc cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý bao gồm: Các nhiệm vụ đáp ứng tiêu chí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP và nhiệm vụ thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhiệm vụ được xây dựng trên cơ sở kế thừa, áp dụng các kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã được tổng kết, nghiệm thu phù hợp với điều kiện của địa phương.

Yêu cầu đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình: Có tính cấp thiết, phù hợp với mục tiêu, nội dung Chương trình và định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ của ngành, lĩnh vực, địa phương; kết quả, sản phẩm được áp dụng thực tiễn hoặc giải quyết các vấn đề về lý luận, khoa học trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, có tính bền vững và có khả năng duy trì, nhân rộng sau khi nhiệm vụ kết thúc; không trùng lặp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia và Chương trình đã và đang thực hiện; thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình tối đa là 36 tháng. Trường hợp đặc biệt do Thủ trưởng cơ quan phê duyệt nhiệm vụ quyết định.

Yêu cầu đối với tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình:

Đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia

Tổ chức chủ trì nhiệm vụ phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau đây: Có tư cách pháp nhân, có chức năng hoạt động phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của nhiệm vụ; có khả năng huy động kinh phí đối ứng thực hiện nhiệm vụ; không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN ngày 26 tháng 6 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây viết tắt là Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN).

Chủ nhiệm nhiệm vụ phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau đây: Có trình độ đại học trở lên, có chuyên môn phù hợp và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực của nhiệm vụ hoặc là tác giả của đối tượng quy định tại Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ đăng ký làm chủ nhiệm nhiệm vụ liên quan đến các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ này; có khả năng trực tiếp tổ chức thực hiện và bảo đảm đủ thời gian để chủ trì thực hiện công việc của chủ nhiệm nhiệm vụ; không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN.

Đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ và cấp tỉnh: Thực hiện theo quy định về yêu cầu đối với tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ và cấp tỉnh do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Thông tư số 03/2021/TT-BKHCN  có hiệu lực từ ngày 26/7/2021.

Hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương

Thông tư 02/2021/TT-BNNPTNT ngày 07/6/2021 hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương theo quy định tại Điều 15 Luật Phòng, chống thiên tai đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020. Áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương.

Theo Thông tư, nội dung kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp tỉnh được quy định như sau:

Các căn cứ pháp lý để lập kế hoạch: Luật Phòng, chống thiên tai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Thủy lợi; Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai; các văn bản hướng dẫn Luật và các văn bản có liên quan.

Mục đích, yêu cầu: Phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phòng, chống thiên tai của cấp trên; dự báo, cảnh báo; tình hình thực tế và nguồn lực của cấp tỉnh.

Đặc điểm về tự nhiên, dân sinh, kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng bao gồm: Đặc điểm về tự nhiên: Vị trí địa lý, đặc điểm địa hình, địa chất, đặc điểm khí tượng, thủy văn, hải văn; đặc điểm về dân sinh, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng chủ yếu theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Đánh giá hiện trạng công tác phòng, chống thiên tai theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Xác định, đánh giá rủi ro thiên tai gồm: Xác định loại hình thiên tai thường gặp; phạm vi, phương pháp, nội dung đánh giá theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

Các biện pháp phòng, chống thiên tai gồm: Biện pháp phòng ngừa, ứng phó, phục hồi, tái thiết phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai; kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông thuộc tỉnh và các kế hoạch liên quan khác theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai: Xác định phương pháp, cách thức lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Xác định nguồn lực và tiến độ hằng năm và 05 năm theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

Xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.

Nội dung kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp huyện được quy định như sau: Các căn cứ pháp lý để lập kế hoạch: Luật Phòng, chống thiên tai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ; Luật Thủy lợi; kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp tỉnh; các văn bản hướng dẫn Luật và các văn bản có liên quan.

Mục đích, yêu cầu: Phù hợp với kế hoạch phòng, chống thiên tai của cấp tỉnh; chủ trương của Hội đồng nhân dân cấp huyện; tình hình thực tế và nguồn lực của cấp huyện.

Đặc điểm tự nhiên, dân sinh, kinh tế - xã hội, bao gồm: Đặc điểm về tự nhiên: Vị trí địa lý; đặc điểm địa hình, địa chất, khí tượng, thủy văn, hải văn; đặc điểm về dân sinh, kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.

Tình hình thiên tai của địa phương: Các loại hình thiên tai thường xảy ra: Thống kê, đánh giá về cường độ, tần suất, thời gian thường hay xảy ra; phạm vi ảnh hưởng, lĩnh vực bị ảnh hưởng, các khu vực có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi thiên tai; thống kê thiệt hại do thiên tai gây ra ở địa phương; đánh giá hiện trạng công tác phòng, chống thiên tai cấp huyện theo quy định tại Điều 13 Thông tư này.

Nội dung và biện pháp phòng, chống thiên tai theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.

Chuẩn bị vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết cho hoạt động phòng, chống thiên tai: Căn cứ phương án ứng phó thiên tai hằng năm của cấp huyện được phê duyệt để chuẩn bị, bao gồm số lượng; cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị; địa điểm dự trữ để đáp ứng sẵn sàng huy động sử dụng khi có thiên tai xảy ra.

Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đề xuất nhu cầu về nguồn lực và tiến độ thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.

Trách nhiệm tổ chức thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/7/2021.

Ban hành danh mục và quy định về quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai

Quyết định số 20/2021/QĐ-TTg ngày 03/6/2021 quy định về Danh mục và việc quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai của Nhà nước; vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai không quy định tại Quyết định này được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật hiện hành. Áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai của Nhà nước.

Theo Quyết định, việc quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai được quy định với 09 nội dung cụ thể:

Vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai phải được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai có trách nhiệm sử dụng cho nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đúng quy định của pháp luật;

Vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai được sử dụng cho các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ khác của cơ quan, tổ chức theo quy chế quản lý, sử dụng được người có thẩm quyền ban hành nhưng phải đảm bảo luôn sẵn sàng khi có tình huống thiên tai xảy ra;

Căn cứ tình hình thực tế, các cơ quan, tổ chức tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng chống thiên tai phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật và mục đích sử dụng;

Trong quá trình sử dụng, bảo quản, cất giữ vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng phải kiểm tra tình trạng kỹ thuật, bảo dưỡng, sửa chữa và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định với trường hợp vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai bị mất, hư hỏng, tổn thất, tiêu hao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;

Phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai khi sử dụng để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai được cấp quyền ưu tiên theo quy định của pháp luật;

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp chỉ đạo hoặc tham mưu cho người có thẩm quyền chỉ đạo điều hành, huy động vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai theo đúng thẩm quyền, phù hợp với các tình huống thiên tai;

Hàng năm, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp chỉ đạo việc theo dõi, tổng hợp hiện trạng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai của cơ quan, tổ chức trên địa bàn để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai và báo cáo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên;

Hàng năm, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn theo dõi, tổng hợp hiện trạng vật tự, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, các bộ, ngành để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai trên phạm vi cả nước và báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai;

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai có trách nhiệm ban hành quy chế, tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai theo quy định;

Cũng theo Quyết định, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cũng được quy định như sau:

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương: Ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai của các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; chủ động bố trí kinh phí, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch mua sắm vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai của các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý phù hợp với chức năng và nhiệm vụ được giao, theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo theo dõi, tổng hợp hiện trạng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai hàng năm và báo cáo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên; hàng năm, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh và các bộ, ngành báo cáo tổng hợp hiện trạng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn để tổng hợp.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tổng hợp hiện trạng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai của các bộ, ngành, địa phương trước ngày 31 tháng 3 hàng năm để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai: Tổng hợp đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Danh mục vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai; ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng, bố trí kinh phí, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch mua sắm vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và đúng quy định của pháp luật.

Cơ quan được phân công nhiệm vụ thường trực về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc bộ, ngành, địa phương, tổ chức xây dựng kế hoạch mua sắm vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai phục vụ cho hoạt động phòng chống thiên tai, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.

Quyết định số 20/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 20/7/2021.

Quy định danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Thông tư số 01/2021/TT-BLĐTBXH ngày 03/6/2021 quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (gọi chung là sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) kèm theo mã hàng hóa (HS) và biện pháp kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu.

Đối tượng áp dụng bao gồm: Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý, đánh giá, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo dó, danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được quy định cụ thể như sau:

Các sản phẩm, hàng hóa phải thực hiện việc kiểm tra nhà nước về chất lượng khi nhập bao gồm: Phương tiện bảo vệ đầu cho người lao động: Mũ an toàn công nghiệp;

Phương tiện bảo vệ mắt, mặt cho người lao động: Kính hàn, mặt nạ hàn, chống vật văng bắn, tia cực tím;

Phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp cho người lao động: Khẩu trang, mặt nạ và bán mặt nạ lọc bụi; Khẩu trang, mặt nạ và bán mặt nạ lọc hơi khí độc (trừ khẩu trang y tế);

Phương tiện bảo vệ tay cho người lao động: Găng tay bảo hộ lao động chống cắt, đâm thủng, cứa rách, cách điện (trừ mặt hàng găng tay y tế, găng khám bệnh);

Phương tiện bảo vệ chân cho người lao động: Giầy chống đâm thủng, cứa rách, va đập, hóa chất, ủng cách điện;

Dây đai an toàn và Hệ thống chống rơi ngã cá nhân cho người lao động;

Quần áo chống nhiệt và lửa cho người lao động;

Thang máy; các bộ phận an toàn thang máy như sau: Thiết bị khóa cửa tầng và khóa cửa cabin; bộ hãm an toàn; hệ thống phanh của máy dẫn động; bộ khống chế vượt tốc; bộ giảm chấn; van ngắt/van một chiều của thang máy thủy lực;

Thang cuốn và băng tải chở người; các bộ phận an toàn của thang cuốn bao gồm: Hệ thống phanh điều khiển, dừng thang hoặc băng; hệ thống hãm an toàn; máy kéo (động cơ, hộp số);

Chai, thùng chứa khí nén có áp suất làm việc định mức trên 0,7 bar (trừ chai chứa sản phẩm dầu khí và khí dầu mỏ hóa lỏng);

Pa lăng điện, tời điện

Palăng kéo tay, tời tay có tải trọng nâng từ 1.000 kg trở lên

Bàn nâng người, sàn nâng người (trừ sàn treo nâng người sử dụng trong thi công xây dựng).

Các sản phẩm, hàng hóa không phải thực hiện việc kiểm tra nhà nước về chất lượng khi nhập khẩu bao gồm:

Nồi hơi có áp suất làm việc định mức của hơi trên 0,7 bar (trừ nồi hơi có áp suất làm việc trên 16 bar sử dụng đặc thù chuyên ngành công nghiệp trong lĩnh vực: công nghiệp cơ khí, luyện kim; sản xuất, truyền tải, phân phối điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo; khai thác, chế biến, vận chuyển, phân phối, tồn chứa dầu khí và sản phẩm dầu khí; hóa chất nguy hiểm; vật liệu nổ công nghiệp; công nghiệp khai thác than; có kết cấu không lắp trên các phương tiện giao thông vận tải và phương tiện thăm dò khai thác dầu khí trên biển).

Bình, bồn, bể, xi téc có áp suất làm việc định mức trên 0,7 bar theo phân loại tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 8366:2010 (trừ thiết bị đặc thù chuyên ngành công nghiệp trong lĩnh vực: công nghiệp cơ khí, luyện kim; sản xuất, truyền tải, phân phối điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo; khai thác, chế biến, vận chuyển, phân phối, tồn chứa dầu khí và sản phẩm dầu khí; hóa chất nguy hiểm; vật liệu nổ công nghiệp; công nghiệp khai thác than).

Hệ thống lạnh sử dụng môi chất lạnh nhóm B1; B2L; B2; B3; A2; A3; nhóm A2L (có lượng nạp vào hệ thống từ 05kg trở lên) theo phân loại tại TCVN 6739:2015.

Cần trục.

Cầu trục và cổng trục.

Vận thăng (trừ vận thăng thi công trong công trình xây dựng).

Vận thăng nâng hàng (dạng tời).

Xe nâng dùng động cơ có tải trọng nâng từ 1.000kg trở lên

Thông tư số 01/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 18/7/2021.

Ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam

Thông tư số 42/2021/TT-BTC ngày 04/6/2021 quy định Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tên rút gọn: Công ty Mua bán nợ Việt Nam; tên viết tắt: DATC

Theo đó, Chức năng, nhiệm vụ và ngành nghề kinh doanh được quy định như sau:

DATC hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 5 Nghị định số 129/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên  Mua bán nợ Việt Nam (sau đây gọi là Nghị định số 129/2020/NĐ-CP).

DATC hoạt động theo ngành nghề kinh doanh quy định tại Điều 6 Nghị định số 129/2020/NĐ-CP, trong đó:

Ngành nghề kinh doanh chính của DATC thuộc lĩnh vực dịch vụ tài chính, tập trung chủ yếu vào các hoạt động sau: Tiếp nhận nợ và tài sản, bao gồm nợ và tài sản loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ; nợ phải thu và các tài sản theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục đầu tư, khai thác hoặc xử lý, thu hồi vốn cho Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 129/2020/NĐ-CP.

Mua nợ và tài sản (bao gồm cả quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm của khoản nợ) của các tổ chức và cá nhân; xử lý nợ và tài sản đã mua, tiếp nhận (bao gồm cả quản lý, đầu tư để khai thác, bán, cho thuê các tài sản đã mua, tiếp nhận và tài sản bảo đảm của khoản nợ, kể cả tài sản nhận gán nợ); tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua hoạt động mua, xử lý nợ.

Ngành nghề hỗ trợ ngành nghề kinh doanh chính: Quản lý, đầu tư, khai thác và xử lý đối với dự án bất động sản thuộc các trường hợp: là tài sản bảo đảm khoản nợ, tài sản nhận gán nợ, tài sản đã mua, đã tiếp nhận theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật; tư vấn xử lý nợ, tài sản, mua, bán, sáp nhập, tái cơ cấu doanh nghiệp; thực hiện các hoạt động thẩm định giá; dịch vụ quản lý nợ và thu nợ trên cơ sở đảm bảo đầy đủ các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

Một số hoạt động chính của Công ty bao gồm:

Hoạt động tiếp nhận, mua, xử lý nợ và tài sản: DATC thực hiện các hoạt động tiếp nhận, mua nợ và tài sản theo quy định tại Mục 1, Mục 2 Chương II Nghị định số 129/2020/NĐ-CP; DATC thực hiện xử lý nợ và tài sản theo quy định tại Mục 3, Mục 4 Chương II Nghị định số 129/2020/NĐ-CP.

Hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp: DATC thực hiện hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp theo quy định tại Mục 5 Chương II Nghị định số 129/2020/NĐ-CP; Hội đồng thành viên DATC có trách nhiệm ban hành Quy chế kiểm soát rủi ro đối với hoạt động kinh doanh mua nợ, bán nợ; mua, bán tài sản và hoạt động cung cấp tài chính, bảo lãnh vay vốn đối với các doanh nghiệp tái cơ cấu theo quy định tại Mục 5 Chương II Nghị định số 129/2020/NĐ-CP.

Hoạt động đầu tư, tư vấn xử lý nợ, tài sản và các hoạt động dịch vụ liên quan khác: DATC thực hiện các nguyên tắc, hình thức đầu tư và chuyển nhượng vốn đầu tư theo quy định tại Mục 6 Chương II Nghị định số 129/2020/NĐ-CP; DATC thực hiện tư vấn xử lý nợ, tài sản; mua, bán, sáp nhập, tái cơ cấu doanh nghiệp; hoạt động thẩm định giá; dịch vụ quản lý nợ và thu nợ theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 129/2020/NĐ-CP và quy định của pháp luật liên quan.

Thông tư số 42/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/7/2021.

 

Phòng Dịch vụ HCC (Tổng hợp và biên tập)
thainguyen.gov.vn