Truy cập nội dung luôn

Những chính sách mới có hiệu lực từ đầu tháng 8/2021

Quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt; Hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi; Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng… là những chính sách mới có hiệu lực từ đầu tháng 8/2021.

Quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt

Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 quy định về khung giá nước sạch sinh hoạt; nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt (bao gồm cả nước sạch cung cấp chung cho mục đích sinh hoạt và cho mục đích khác). Áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao thẩm định phương án giá nước sạch sinh hoạt, trình phương án giá nước sạch sinh hoạt và quyết định giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của pháp luật; đơn vị cấp nước sạch cho sinh hoạt và khách hàng sử dụng nước sạch sinh hoạt; khuyến khích các đơn vị cấp nước sạch chỉ cấp nước sạch cho mục đích ngoài sinh hoạt (không dùng cho ăn, uống, vệ sinh của con người) áp dụng nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt (sau đây gọi là nước sạch) quy định tại Thông tư này.

Theo Thông tư, nguyên tắc xác định giá nước sạch được cụ thể như sau:

Giá nước sạch được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ trong quá trình khai thác, sản xuất, phân phối, tiêu thụ và có lợi nhuận; phù hợp với chất lượng nước, định mức kinh tế - kỹ thuật, quan hệ cung cầu về nước sạch, điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương, khu vực, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ; hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của đơn vị cấp nước sạch (sau đây gọi là đơn vị cấp nước) và khách hàng sử dụng nước; khuyến khích khách hàng sử dụng nước tiết kiệm; khuyến khích các đơn vị cấp nước nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, giảm thất thoát, thất thu nước sạch, đáp ứng nhu cầu của khách hàng; thu hút đầu tư vào hoạt động sản xuất, phân phối nước sạch.

Giá bán lẻ nước sạch bình quân do Ủy ban nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân tỉnh) quyết định phải đảm bảo phù hợp với khung giá nước sạch quy định tại Điều 3 Thông tư này. Đối với khu vực đặc thù (vùng nước ngập mặn, vùng ven biển, vùng có điều kiện sản xuất nước khó khăn), trường hợp chi phí sản xuất, kinh doanh, cung ứng nước sạch ở các vùng này cao làm giá bán lẻ nước sạch bình quân của đơn vị cấp nước sau khi Sở Tài chính thẩm định phương án giá nước sạch cao hơn mức giá tối đa trong khung giá quy định tại Điều 3 Thông tư này thì Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng nước sạch và thu nhập của người dân để quyết định giá bán nước sạch cho phù hợp.

Khung giá nước sạch cũng được quy định tại Thông tư như sau:

Đối với đô thị đặc biệt, đô thị loại 1: Giá tối thiểu là 3.500 đ/m3 và giá tối đa là 18.000 đ/m3;  đối với đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5: Giá tối thiểu là 3.000 đ/m3 và giá tối đa là 15.000 đ/m3; đối với khu vực nông thôn: Giá tối thiểu là 2.000 đ/m3 và giá tối đa là 11.000 đ/m3.

Khung giá nước sạch trên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, áp dụng cho mức giá bán lẻ nước sạch bình quân do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

Đối với việc điều chỉnh giá nước sạch cũng được quy định cụ thể tại Thông tư đó là:

Hàng năm, đơn vị cấp nước chủ động rà soát việc thực hiện phương án giá nước sạch và giá nước sạch dự kiến cho năm tiếp theo. Trường hợp các yếu tố chi phí sản xuất kinh doanh nước sạch biến động làm giá nước sạch năm tiếp theo tăng hoặc giảm, đơn vị cấp nước lập hồ sơ phương án giá nước sạch gửi Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định điều chỉnh. Đối với trường hợp sau khi đơn vị cấp nước rà soát, giá thành 01m3 nước sạch năm tiếp theo biến động tăng ở mức đơn vị cấp nước cân đối được tài chính thì đơn vị cấp nước có công văn gửi Sở Tài chính để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giữ ổn định giá nước sạch (để biết).

Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 có hiệu lực từ ngày 05/8/2021.

Hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi

Thông tư số 43/2021/TT-BTC ngày 11/6/2021 sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính).

Theo đó, khoản 11 Điều 10 được sửa, đổi bổ sung như sau:

“11. Thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ y tế: các loại máy soi, chiếu, chụp dùng để khám, chữa bệnh; các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mổ, điều trị vết thương, ô tô cứu thương; dụng cụ đo huyết áp, tim, mạch, dụng cụ truyền máu; bơm kim tiêm; dụng cụ phòng tránh thai; các dụng cụ, thiết bị y tế có Giấy phép nhập khẩu hoặc Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành hoặc Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn theo quy định pháp luật về y tế hoặc theo Danh mục trang thiết bị y tế thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 14/2018/TT-BYT ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Bông, băng, gạc y tế và băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, trừ thực phẩm chức năng; vắc-xin; sinh phẩm y tế, nước cất để pha chế thuốc tiêm, dịch truyền; mũ, quần áo, khẩu trang, săng mổ, bao tay, bao chi dưới, bao giày, khăn, găng tay chuyên dùng cho y tế, túi đặt ngực và chất làm đầy da (không bao gồm mỹ phẩm); vật tư hóa chất xét nghiệm, diệt khuẩn dùng trong y tế.”

Thông tư số 43/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2021.

Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Thông tư số 71/2021/TT-BQP ngày 21/6/2021 quy định bãi bỏ toàn phần các văn bản quy phạm pháp luật về quân sự, quốc phòng thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bao gồm:

Thông tư số 192/2011/TT-BQP ngày 14/11/2011 Quy định về xây dựng và quản lý các nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ theo Nghị định thư trong Bộ Quốc phòng;

Thông tư số 268/2013/TT-BQP ngày 31/12/2013 Hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu;

Thông tư số 269/2013/TT-BQP ngày 31/12/2013 Hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc giám đốc, Phó Tổng giám đốc;

Thông tư số 92/2015/TT-BQP ngày 11/8/2015 Quy định và hướng dẫn hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng;

Quyết định số 236/2001/QĐ-BQP ngày 20/02/2001 Về một số chế độ đối với lực lượng quân đội làm nhiệm vụ xây dựng khu kinh tế - quốc phòng;

Quyết định số 151/2005/QĐ-BQP ngày 07/10/2005 Giao chỉ tiêu kế hoạch về quy mô loại hình tổ chức, số lượng đơn vị dự bị động viên; chỉ tiêu kế hoạch về tiếp nhận lực lượng dự bị động viên trong từng trạng thái sẵn sàng chiến đấu;

Quyết định số 174/2006/QĐ-BQP ngày 23/10/2006 Quy định thời hạn hoàn thành việc huy động, tiếp nhận đơn vị dự bị động viên của các cấp khi có lệnh động viên;

Quyết định số 149/2007/QĐ-BQP ngày 17/9/2007 Ban hành Quy chế khai thác sử dụng năng lực nhàn rỗi các kho xăng dầu thuộc Cục Xăng dầu/Tổng cục Hậu cần

Cùng với đó, Thông tư số 71/2021/TT-BQP ngày 21/6/2021 quy định bãi bỏ một phần của Thông tư số 35/2017/TT-BQP ngày 12/02/2017 Quy định tiêu chuẩn đủ điều kiện bay; tiêu chuẩn, thủ tục cấp giấy phép cho cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết kế của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; khai thác tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.

Theo đó, Nội dung, quy định hết hiệu lực bao gồm  Điều 6. Tiêu chuẩn cho cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay, động cơ tàu bay cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; Điều 7. Tiêu chuẩn cho các cơ sở thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay, trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

Thông tư số 71/2021/TT-BQP ngày 21/6/2021 có hiệu lực từ ngày 04/8/2021.

Quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán

Nghị định số 59/2021/NĐ-CP ngày 18/ 6/2021 quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam. Ngoài các quy định đặc thù nêu tại Nghị định này, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Đối tượng áp dụng bao gồm: Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam; Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam; Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam; tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.Nghị định số 59/2021/NĐ-CP ngày 18/ 6/2021 quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam. Ngoài các quy định đặc thù nêu tại Nghị định này, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Một số quy định đặc thù về tài chính đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam đó là các quy định về: Đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, doanh thu, chi phí, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp, Quy chế quản lý tài chính, Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với công ty con của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là quy định về:

Đầu tư ra ngoài doanh nghiệp: Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam chỉ được đầu tư ra ngoài doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán; hình thức và thẩm quyền đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Chi phí: Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam quản lý chi phí theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế đối với một số khoản chi phí đặc thù sau đây:

Chi trích lập Quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 156 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Việc trích Quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ được thực hiện hàng quý. Trong năm tài chính nếu không sử dụng hết, số dư của Quỹ được chuyển sang năm sau để sử dụng tiếp;

Chi phí chuyển lại cho công ty con của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam khoản thu từ hoạt động giao dịch chuyển quyền sở hữu chứng khoán không qua hệ thống giao dịch chứng khoán.

Những điểm đáng chú ý khác đó là trách nhiệm của các cơ quan liên quan cũng được Nghi định quy định cụ thể như sau:

Trách nhiệm của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam: Tuân thủ quy định về cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Nghị định này, các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có); chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với công tác tài chính của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam; Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm ban hành quy chế quản lý tài chính và quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty con căn cứ quy định tại Nghị định này.

Trách nhiệm của Bộ Tài chính: Thực hiện quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Nghị định này và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có); đánh giá việc chấp hành chế độ, chính sách để trình Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế quy định về cơ chế quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Nghị định số 59/2021/NĐ-CP ngày 18/6/2021 có hiệu lực từ ngày 06/8/2021.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2013/TT- BNNPTNT về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng

Thông tư số 03/2021/TT-BNNPTNT ngày 22/6/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2013/TT- BNNPTNT ngày 28/02/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.

Theo đó, Thông tư sửa đổi một số điều khoản, trong đó đáng chú ý như:

Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết về xác lập quyền, đại diện quyền đối với giống cây trồng; cấp, cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng; đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ hiệu lực bằng bảo hộ giống cây trồng.”

Sửa đổi khoản 2 Điều 4 như sau:

 “2. Đại diện theo ủy quyền của chủ đơn tiến hành các thủ tục về bảo hộ giống cây trồng theo quy định pháp luật về ủy quyền; giấy ủy quyền theo Mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.”

 Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

“Điều 6. Giống cây trồng được biết đến rộng rãi và tính mới của giống cây trồng

Giống cây trồng được biết đến rộng rãi là giống cây trồng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Giống cây trồng mà vật liệu nhân giống hoặc vật liệu thu hoạch của giống đó được sử dụng một cách rộng rãi trên thị trường Việt Nam hoặc ở bất kỳ quốc gia nào tại thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ; giống cây trồng được bảo hộ hoặc được công nhận lưu hành hoặc công nhận lưu hành đặc cách, tự công bố lưu hành, công nhận sản xuất thử, công nhận chính thức tại Việt Nam hoặc thuộc danh mục giống được phép sản xuất kinh doanh ở bất kỳ quốc gia nào; giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký nhằm mục đích: bảo hộ giống cây trồng; công nhận lưu hành hoặc công nhận lưu hành đặc cách; danh mục giống ở bất kỳ quốc gia nào, nếu các đơn này không bị từ chối.

Tính mới đối với giống cây trồng: Giống cây trồng được coi là không còn tính mới sau mười hai (12) tháng kể từ ngày được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Giống được phép sản xuất, kinh doanh gồm: giống đã được công nhận chính thức; giống có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; giống được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc công nhận lưu hành đặc cách; giống tự công bố lưu hành được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Trồng trọt.”

Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:

“Điều 7. Biểu mẫu về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng

Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng theo Mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Tờ khai yêu cầu bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng theo Mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.”

Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

“Điều 8. Phí, lệ phí bảo hộ quyền đối với giống cây trồng

Phí, lệ phí về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 207/2016/TT-BTC ngày 09/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp (sau đây viết tắt là Thông tư số 207/2016/TT-BTC).

Thời hạn nộp phí duy trì hiệu lực theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số 88/2010/NĐ-CP ngày 16/08/2010 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng (sau đây viết tắt là Nghị định số 88/2010/NĐ-CP).

Trường hợp Thông tư số 207/2016/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung, hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng theo văn bản mới được ban hành.”

Thông tư số 03/2021/TT-BNNPTNT ngày 22/6/2021 có hiệu lực từ ngày 06/8/2021.

 

Thanh Tâm (Tổng hợp và biên tập)
thainguyen.gov.vn