Truy cập nội dung luôn

Những chính sách mới có hiệu lực từ 01/8/2021

Quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư; quy định một số nội dung về giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa; hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh... là những chính sách mới có hiệu lực từ ngày 01/8/2021.

Quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư

Thông tư số 02/2021/TT-BNV ngày 11/6/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư. Áp dụng đối với công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư làm việc trong các cơ quan, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện.

Điểm mới của Thông tư 02/2021 là chính thức bãi bỏ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ về chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học của công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.

Cụ thể, đối với ngạch chuyên viên cao cấp, về tiêu chuẩn trình độ đào tạo bồi dưỡng, Thông tư 02 của Bộ Nội vụ chỉ yêu cầu bằng tốt nghiệp đại học ngành phù hợp trở lên; bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc bằng cao cấp lý luận chính trị-hành chính hoặc giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị tương đương cao cấp lý luận chính trị; chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo chuẩn ngạch chuyên viên cao cấp.

Đối với ngạch chuyên viên chính, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo bồi dưỡng là: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp lĩnh vực công tác; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch Chuyên viên chính.

Tương tự, ngạch chuyên viên cũng chỉ cần bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành đào tạo phù hợp lĩnh vực công tác; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên.

So với quy định hiện hành, tất cả ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư không còn cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Tuy nhiên, 2 loại công chức này phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ tương đương với yêu cầu của vị trí việc làm.

Thông tư số 02/2021/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 01/8/2021.

Quy định một số nội dung về giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa

Thông tư số 04/2021/TT-BVHTTDL ngày 08/6/2021 quy định về phạm vi giám định tư pháp, tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp, cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; công nhận và đăng tải danh sách, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; thủ tục cử người tham gia giám định tư pháp và thành lập hội đồng giám định trong lĩnh vực văn hóa. Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Thông tư quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp bao gồm: Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo (mỹ thuật; mỹ thuật ứng dụng; nghệ thuật trình diễn; nghệ thuật nghe nhìn; ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam; thư viện; bảo tàng; luật; chuyên ngành khác về nghệ thuật và nhân văn có liên quan); đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên (trực tiếp làm công tác chuyên môn về chuyên ngành được đào tạo theo quy).

Quy định miễn nhiệm giám định viên tư pháp và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp cụ thể là:

Các trường hợp miễn nhiệm, hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp thực hiện theo quy định tại Điều 10 Luật Giám định tư pháp được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ lập hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp gửi Vụ Pháp chế. Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ kiểm tra hồ sơ, trình Bộ trưởng xem xét, quyết định miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp tại Bộ.

Sở thống nhất ý kiến với Sở Tư pháp, lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp ở địa phương.

Điều chỉnh danh sách giám định viên tư pháp: Căn cứ quyết định miễn nhiệm giám định viên tư pháp của Bộ trưởng quy định tại khoản 2 Điều này, Vụ Pháp chế có trách nhiệm điều chỉnh danh sách giám định viên tư pháp và gửi đến Trung tâm Công nghệ thông tin để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để điều chỉnh danh sách chung; Trung tâm Công nghệ thông tin có trách nhiệm đăng tải danh sách giám định viên tư pháp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ trong thời hạn 03 (ba) ngày kể từ ngày nhận được danh sách; Sở có trách nhiệm điều chỉnh danh sách giám định viên tư pháp đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định.

Ngoài ra, Thông tư còn quy định cụ thể việc thành lập hội đồng giám định như sau:

Điều kiện thành lập hội đồng giám định: Hội đồng giám định trong lĩnh vực văn hóa được thành lập trong các trường hợp quy định tại Điều 30 Luật giám định tư pháp; Hội đồng giám định trong lĩnh vực văn hóa do Bộ trưởng quyết định thành lập.

Thành lập hội đồng giám định: Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan lựa chọn giám định viên, người giám định tư pháp theo vụ việc phù hợp với nội dung trưng cầu giám định, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng quyết định thành lập hội đồng; thành phần, số lượng thành viên và cơ chế hoạt động của hội đồng giám định thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Giám định tư pháp.

Thông tư số 04/2021/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 01/8/2021.

Hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Theo Thông tư về nguyên tắc tính thuế được xác định như sau:

Nguyên tắc tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về thuế GTGT, thuế TNCN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn;  chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.

Điểm đáng chú ý, trong Thông tư hướng dẫn cụ thể 5 phương pháp tính thuế bao gồm: Phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai; phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh; phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; Phương pháp tính thuế đối với trường hợp tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân và phương pháp tính thuế đối với một số trường hợp đặc thù

Bên cạnh đó, công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã được cụ thể hóa tại Thông tư như sau: Quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai; quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh; quản lý thuế đối với hộ khoán; quản lý thuế đối với cá nhân cho thuê tài sản trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế; quản lý thuế đối với cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, đại lý bán hàng đa cấp, hoạt động kinh doanh khác; quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân.

Thông tư số 40/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/8/2021.

Quy định yêu cầu kỹ thuật đối với dữ liệu thông tin đầu vào của cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ

Thông tư số 05/2021/TT-BKHCN ngày 17/6/2021 quy định yêu cầu kỹ thuật đối với thông tin đầu vào của một số dữ liệu thành phần của Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ, bao gồm: Thông tin về Tổ chức khoa học và công nghệ và tổ chức khác có hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; thông tin về Cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; thông tin về Nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Thông tư này không áp dụng với thông tin khoa học và công nghệ thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Đối tượng áp dụng bao gồm: Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; các cơ quan, đơn vị chuyên môn về khoa học và công nghệ, tổ chức thực hiện chức năng đầu mối thông tin khoa học và công nghệ thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là bộ, ngành, địa phương); tổ chức khoa học và công nghệ và tổ chức khác có hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xây dựng, quản lý, cập nhật và phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ. Thông tư này không áp dụng với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Theo đó, Thông tư quy định một số nội dung đáng chú ý đó là:

Về thiết kế cấu trúc dữ liệu thông tin đầu vào, đảm bảo các nguyên tắc sau:

Bảo đảm thống nhất về cấu trúc của dữ liệu thông tin đầu vào giữa các dữ liệu thành phần của Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ.

Phù hợp với các mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương quy định tại Quyết định số 20/2020/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương; Phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước quy định tại Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.

Bảo đảm kết nối, chia sẻ, trao đổi dữ liệu thông suốt giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ và các cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ khác của bộ, ngành, địa phương.

Bảo đảm kết nối liên thông, chia sẻ thông tin với Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng Dịch vụ công của bộ, ngành, địa phương, Cổng Dịch vụ công quốc gia và các cơ sở dữ liệu khác phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Về kết nối đảm bảo các nguyên tắc sau: Tuân thủ các quy định của pháp luật về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; bảo đảm quyền khai thác dữ liệu hợp pháp theo quy định của pháp luật; không làm hạn chế quyền khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân do yếu tố kỹ thuật; tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, các quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ và các hệ thống thông tin kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ; phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh.

Về yêu cầu kỹ thuật dữ liệu thông tin đầu vào cụ thể như sau:

Yêu cầu kỹ thuật nhập dữ liệu: Sử dụng bộ mã ký tự tiếng Việt tuân thủ TCVN 6909:2001 (ISO/IEC 10646-1:2000), Công nghệ thông tin - Bộ mã kí tự tiếng Việt 16-bit để cập nhật dữ liệu.

Yêu cầu kỹ thuật định dạng đối với tài liệu đính kèm

Dạng văn bản: Định dạng Plain Text (.txt); định dạng Rich Text Fomart (.rtf); định dạng văn bản Word và Word mở rộng của Microsoft (.doc; .docx); định dạng Portable Document Fomart (.pdf) phiên bản 1.4 trở lên; định dạng open Document Text (.odt).

Dạng bảng tính: Định dạng bảng tính Excel và bảng tính Excel mở rộng của Microsoft (.xls; .xlsx); định dạng Comma eparated Variable/Delimited (.csv); định dạng Open Document Spreadsheets (.ods).

Dạng ảnh đồ họa: Định dạng: JPEG (.jpg; .jpeg), PNG (.png), TIF (.tif; tiff), GIF (.gif); độ phân giải tối thiểu: 200 dpi.

Dạng phim ảnh: Định dạng: MOV, MP4, MKV, FLV, MPEG-4 (.mpeg, .mpg). AVI (.avi), WMV (.wmv); bit rate tối thiểu: 1500 kbps.

Dạng âm thanh: Định dạng: MP3 (.mp3), WMA (.wma); bit rate tối thiểu: 128 kbps.

Dạng trình chiếu: Định dạng Powerpoint và Powerpoint mở rộng của Microsoft (.ppt; .pptx).

Dạng file nén: Định dạng Zip (WinZip) (.zip); định dạng RAR (WinRAR) (.rar); định dạng 7z (7-Zip) (.7z).

Thông tư số 05/2021/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 01/8/2021.

Quy định xếp hạng Quỹ Tín dụng nhân dân

Thông tư số 05/2021/TT-NHNN ngày 11/6/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 42/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định xếp hạng Quỹ Tín dụng nhân dân.

Theo đó, Thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 42/2016/TT-NHNN cụ thể đó là:

Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 như sau:  “2. Quỹ tín dụng nhân dân được xếp hạng vào Hạng A (Tốt), Hạng B (Khá), Hạng C (Trung bình), Hạng D (Yếu kém) theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.”

Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 4 như sau: “đ) Kết quả giám sát, kết luận thanh tra, hồ sơ xử lý sau thanh tra đối với quỹ tín dụng nhân dân của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng;”

Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 8 như sau: “a) Không thực hiện báo cáo đầy đủ hoặc gửi báo cáo chậm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh) từ 2 lần trở lên trừ 1 điểm;”

Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau: “Điều 13. Thực hiện xếp hạng: Trước ngày 31 tháng 5 hằng năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh hoàn thành xếp hạng của năm trước liền kề đối với quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn; việc xếp hạng căn cứ trên tài liệu, thông tin, số liệu, dữ liệu quy định tại Điều 4 Thông tư này và giải trình, báo cáo bổ sung của quỹ tín dụng nhân dân trong quá trình Ngân hàng Nhà nước chi nhánh xếp hạng.”

Sửa đổi, bổ sung Điều 14 như sau: “Điều 14. Thông báo kết quả xếp hạng: Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành xếp hạng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) kết quả xếp hạng quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn theo Biểu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này, thông báo kết quả xếp hạng (bao gồm tổng điểm xếp hạng) cho từng quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn.”

Bổ sung Điều 14a, 14b, 14c vào Chương III như sau:

“Điều 14a. Trách nhiệm của quỹ tín dụng nhân dân: Chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các tài liệu, thông tin, số liệu, dữ liệu cung cấp và có trách nhiệm giải trình, báo cáo bổ sung các nội dung liên quan tới việc xếp hạng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh; quản lý kết quả xếp hạng theo quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành ngân hàng và các văn bản pháp luật khác có liên quan; không được cung cấp kết quả xếp hạng của mình cho tổ chức, cá nhân ngoài quỹ tín dụng nhân dân.

Điều 14b. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh: Thực hiện xếp hạng các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn; trên cơ sở kết quả xếp hạng, thực hiện quản lý, thanh tra, giám sát quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật; quản lý, thông báo, cung cấp kết quả xếp hạng các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn theo quy định tại Thông tư này, quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành ngân hàng và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 14c. Trách nhiệm của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng: Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ xếp hạng quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh; quản lý, cung cấp kết quả xếp hạng các quỹ tín dụng nhân dân theo quy định tại Thông tư này, quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành ngân hàng và các văn bản pháp luật khác có liên quan.”

Thông tư số 05/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/8/2021.

Phòng Dịch vụ HCC (Tổng hợp và biên tập)
thainguyen.gov.vn