Truy cập nội dung luôn

Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2021

Khu kinh tế quốc phòng; quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân; hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế... là một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2021

Khu kinh tế quốc phòng

Nghị định số 22/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 quy định về xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng; tổ chức và quản lý hoạt động của Đoàn kinh tế - quốc phòng; cơ chế đầu tư, tài chính và chính sách đối với các đối tượng tham gia xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng và quản lý Khu kinh tế - quốc phòng. Đối tượng áp dụng bao gồm: Đoàn kinh tế - quốc phòng, doanh nghiệp Quân đội trực tiếp thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý Khu kinh tế - quốc phòng; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia xây dựng, quản lý Khu kinh tế - quốc phòng; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan.

Trong Nghị định đã quy định cụ thể thẩm quyền tổ chức lập kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng như sau: Bộ Quốc phòng chỉ đạo các quân khu, quân chủng, binh đoàn phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan lập kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng; quân khu, quân chủng, binh đoàn chỉ đạo Đoàn kinh tế - quốc phòng lựa chọn tổ chức tư vấn lập kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng được giao quản lý; đơn vị tư vấn lập kế hoạch phải đáp ứng đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm phù hợp với công việc đảm nhận theo quy định của pháp luật.

Quy trình lập kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng cũng được quy định cụ thể tại Điều 14 của Nghị định. Theo đó, căn cứ nhiệm vụ và dự toán kinh phí lập kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng được phê duyệt, các quân khu, quân chủng, binh đoàn chỉ đạo Đoàn kinh tế - quốc phòng thực hiện: Lựa chọn đơn vị tư vấn đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định này; phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, tình hình quốc phòng, an ninh, đề xuất các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển; thống nhất với Ủy ban nhân dân các cấp về vị trí, quy mô từng dự án bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả phù hợp với quy hoạch chung của địa phương; hoàn thiện kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng, gửi lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh theo quy định; tiếp thu, giải trình ý kiến của địa phương, hoàn thiện kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng, báo cáo Bộ Quốc phòng thẩm định; hoàn thiện kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng báo cáo Quân khu, quân chủng, binh đoàn trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt.

Nghị định số 22/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/5/2021.

Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân

Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân.

Điểm đáng chú ý của Nghị định đó là thẩm quyền cho phép khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được sửa đổi, bổ sung như sau: Thủ trưởng cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an có thẩm quyền cho phép cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp trung ương; tổ chức tín dụng; tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động; tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, định danh điện tử khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Giám đốc Công an cấp tỉnh có thẩm quyền cho phép cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh; tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện các dịch vụ công trên địa bàn quản lý khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trưởng Công an cấp huyện có thẩm quyền cho phép cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp huyện, cấp xã và tổ chức khác có trụ sở chính trên địa bàn quản lý quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định này khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trưởng Công an cấp xã có thẩm quyền cho phép cá nhân đăng ký thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn quản lý quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 8 Nghị định này khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Điểm đáng chú ý tiếp theo, đó là trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân đối với công dân đã đăng ký khai sinh được sửa đổi, bổ sung như sau: Công dân đã đăng ký khai sinh nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập số định danh cá nhân cho công dân theo thông tin hiện có trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngay sau khi xác lập được số định danh cá nhân cho công dân, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có văn bản thông báo cho công dân về số định danh cá nhân đã được xác lập và các thông tin của công dân hiện có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đầy đủ thì trong văn bản thông báo cần yêu cầu công dân bổ sung thông tin cho Công an xã, phường, thị trấn nơi mình đang cư trú để thực hiện cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trường hợp công dân đã có số định danh cá nhân mà được xác định lại giới tính hoặc cải chính năm sinh thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân sau khi công dân đó đã thực hiện việc đăng ký hộ tịch liên quan đến thông tin về giới tính, năm sinh theo quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có văn bản thông báo cho công dân về số định danh cá nhân đã được xác lập lại.

Cơ quan cấp Thẻ Căn cước công dân sử dụng số định danh cá nhân đã được cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập cho công dân để cấp Thẻ Căn cước công dân theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.

Nghị định số 37/2021 có hiệu lực từ ngày 14/5/2021.

Hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế

Thông tư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế đối với: Giao dịch trong lĩnh vực thuế giữa người nộp thuế với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử;

Giao dịch điện tử giữa cơ quan thuế với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, với các tổ chức có liên quan trong việc tiếp nhận, cung cấp thông tin và giải quyết các thủ tục hành chính thuế cho người nộp thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và theo cơ chế một cửa liên thông;

Thủ tục, trình tự kết nối giữa Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế với hệ thống trao đổi thông tin của tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế qua tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế;

Cung cấp, trao đổi thông tin phối hợp công tác bằng phương thức điện tử của cơ quan thuế với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thuế của người nộp thuế.

Thông tư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 không điều chỉnh: Giao dịch điện tử về hóa đơn theo quy định của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ; giao dịch điện tử về thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam; giao dịch điện tử về thuế đối với hàng hóa ở khâu xuất khẩu, nhập khẩu tại cơ quan Hải quan.

Thông tư số 19/2021/TT-BTC hướng dẫn người nộp thuế tra cứu thông tin dễ dàng. Theo đó, Người nộp thuế sử dụng tài khoản giao dịch thuế điện tử truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu, xem, in toàn bộ thông tin về hồ sơ, chứng từ, thông báo, quyết định, văn bản đã nhận/gửi giữa cơ quan thuế và người nộp thuế; tra cứu nghĩa vụ kê khai, tra cứu thông tin nghĩa vụ theo hồ sơ, chứng từ, quyết định; tra cứu số thuế còn phải nộp. Các thông tin của các thông báo, quyết định, văn bản của cơ quan thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế có giá trị xác nhận như văn bản bằng giấy của cơ quan thuế.

Người nộp thuế có thể tra cứu tình hình xử lý hồ sơ thuế điện tử theo mã giao dịch điện tử, riêng chứng từ nộp NSNN thì tra cứu theo “số tham chiếu”.

Người nộp thuế chưa có tài khoản giao dịch thuế điện tử, sử dụng mã giao dịch điện tử được cấp theo từng lần để tra cứu thông tin đã giao dịch với cơ quan thuế.

Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế thông báo trên tài khoản giao dịch thuế điện tử của người nộp thuế do Tổng cục Thuế cấp về tình hình xử lý các khoản phải nộp, đã nộp, còn phải nộp, nộp thừa, miễn, giảm/xóa nợ, được hoàn, còn được hoàn phát sinh trong tháng trước và các khoản còn phải nộp, nộp thừa đến thời điểm cuối tháng trước đã được ghi nhận trong hệ thống ứng dụng quản lý thuế.

Thông tư 19/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 03/5/2021.

Ban hành quy chế đào tạo trình độ đại học

Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/03/2021 Ban hành Quy chế đào tạo trình độ đại học. Quy chế đào tạo trình độ đại học quy định chung về tổ chức và quản lý đào tạo trình độ đại học, bao gồm: Chương trình đào tạo và thời gian học tập; hình thức và phương thức tổ chức đào tạo; lập kế hoạch và tổ chức giảng dạy; đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp; những quy định khác đối với sinh viên. Áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học; trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có nhiệm vụ đào tạo trình độ đại học, các tổ chức, cá nhân liên quan trong đào tạo theo hình thức chính quy và hình thức vừa làm vừa học. Các chương trình đào tạo do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp bằng bao gồm cả các chương trình liên kết đào tạo được áp dụng quy chế này hoặc quy định của cơ sở đào tạo cấp bằng theo thỏa thuận liên kết, hợp tác giữa các bên nhưng không trái với những quy định của quy chế này.

Theo đó, phương thức tổ chức đào tạo được quy định tại Điều 3 của Quy chế bao gồm:

Đào tạo theo niên chế: Là phương thức tổ chức đào tạo theo lớp học tương đối cố định đối với tất cả các học phần bắt buộc của chương trình đào tạo trong toàn khoá học, cho phép sinh viên cùng lớp thực hiện theo kế hoạch học tập chuẩn và theo một thời khóa biểu chung trừ những học phần tự chọn hoặc học lại;

Sinh viên được đánh giá đạt tiến độ học tập bình thường sẽ được học tiếp năm sau theo kế hoạch học tập chuẩn và đăng ký học lại những học phần chưa đạt theo quy định trong chương trình đào tạo;

Sinh viên được đánh giá không đạt tiến độ học tập bình thường sẽ phải học cùng sinh viên khóa sau để học lại các học phần chưa đạt theo quy định trong chương trình đào tạo.

Đào tạo theo tín chỉ: Là phương thức tổ chức đào tạo theo từng lớp học phần, cho phép sinh viên tích lũy tín chỉ của từng học phần và thực hiện chương trình đào tạo theo kế hoạch học tập của cá nhân, phù hợp với kế hoạch giảng dạy của cơ sở đào tạo;

Sinh viên không đạt một học phần bắt buộc sẽ phải học lại học phần đó hoặc học một học phần tương đương theo quy định trong chương trình đào tạo, hoặc học một học phần thay thế nếu học phần đó không còn được giảng dạy;

Sinh viên không đạt một học phần tự chọn sẽ phải học lại học phần đó hoặc có thể chọn học một học phần tự chọn khác theo quy định trong chương trình đào tạo.

Cơ sở đào tạo lựa chọn, áp dụng phương thức tổ chức đào tạo như sau: Đào tạo theo tín chỉ, áp dụng thống nhất cho tất cả các khóa và hình thức đào tạo; đào tạo theo niên chế, áp dụng thống nhất cho tất cả các khóa và hình thức đào tạo; áp dụng đào tạo theo tín chỉ cho một số khóa hoặc cho một hình thức đào tạo; áp dụng đào tạo theo niên chế cho một số khóa khác hoặc hình thức đào tạo còn lại.

Hình thức đào tạo được quy định cụ thể tại Điều 4 của Quy chế như sau:

Đào tạo chính quy: Các hoạt động giảng dạy được thực hiện tại cơ sở đào tạo, riêng những hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế và giảng dạy trực tuyến có thể thực hiện ngoài cơ sở đào tạo; thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy trong khoảng từ 06 giờ đến 20 giờ các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 7; thời gian tổ chức những hoạt động đặc thù của chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định của cơ sở đào tạo.

Đào tạo vừa làm vừa học: Các hoạt động giảng dạy được thực hiện tại cơ sở đào tạo hoặc tại cơ sở phối hợp đào tạo theo quy định liên kết đào tạo tại Điều 5 của Quy chế này, riêng những hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế và giảng dạy trực tuyến có thể thực hiện ngoài cơ sở đào tạo, cơ sở phối hợp đào tạo; thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy linh hoạt trong ngày và trong tuần.

Đối với các ngành đào tạo ưu tiên phục vụ nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn thực hiện các hình thức đào tạo phù hợp.

Việc công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ cũng được quy định cụ thể tại Điều 13 của Quy chế như sau:

Kết quả học tập của người học đã tích lũy từ một trình độ đào tạo khác, một ngành đào tạo hoặc một chương trình đào tạo khác, một khóa học khác hoặc từ một cơ sở đào tạo khác được cơ sở đào tạo xem xét công nhận, chuyển đổi sang tín chỉ của những học phần trong chương trình đào tạo theo học.

Hội đồng chuyên môn của cơ sở đào tạo xem xét công nhận, chuyển đổi tín chỉ trên cơ sở đối sánh chuẩn đầu ra, nội dung và khối lượng học tập, cách thức đánh giá học phần và các điều kiện bảo đảm chất lượng thực hiện chương trình theo các cấp độ: Công nhận, chuyển đổi theo từng học phần; công nhận, chuyển đổi theo từng nhóm học phần; công nhận, chuyển đổi theo cả chương trình đào tạo.

Cơ sở đào tạo công khai quy định việc công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ. Khối lượng tối đa được công nhận, chuyển đổi không vượt quá 50% khối lượng học tập tối thiểu của chương trình đào tạo; riêng đối với ngành đào tạo giáo viên thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp được quy định cụ thể tại Điều 14 của Quy chế đó là:

Sinh viên được xét và công nhận tốt nghiệp khi có đủ các điều kiện sau: Tích lũy đủ học phần, số tín chỉ và hoàn thành các nội dung bắt buộc khác theo yêu cầu của chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; điểm trung bình tích lũy của toàn khóa học đạt từ trung bình trở lên; tại thời điểm xét tốt nghiệp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập.

Những sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp được hiệu trưởng cơ sở đào tạo ra quyết định công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp trong thời hạn 03 tháng tính từ thời điểm sinh viên đáp ứng đầy đủ điều kiện tốt nghiệp và hoàn thành nghĩa vụ với cơ sở đào tạo.

Hạng tốt nghiệp được xác định căn cứ vào điểm trung bình tích lũy toàn khoá được quy định tại khoản 5 Điều 10 của Quy chế này, trong đó, hạng tốt nghiệp của sinh viên có điểm trung bình tích lũy loại xuất sắc và giỏi sẽ bị giảm đi một mức nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Khối lượng của các học phần phải học lại vượt quá 5% so với tổng số tín chỉ quy định cho toàn chương trình; sinh viên đã bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên trong thời gian học.

Sinh viên đã hết thời gian học tập tối đa theo quy định nhưng chưa đủ điều kiện tốt nghiệp do chưa hoàn thành những học phần Giáo dục quốc phòng-an ninh hoặc Giáo dục thể chất hoặc chưa đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, trong thời hạn 03 năm tính từ khi thôi học được hoàn thiện các điều kiện còn thiếu và đề nghị xét công nhận tốt nghiệp.

Sinh viên không tốt nghiệp được cấp chứng nhận về các học phần đã tích luỹ trong chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo.

Quy chế của cơ sở đào tạo quy định: Quy trình, thủ tục xét và công nhận tốt nghiệp, thời gian và số lần xét tốt nghiệp trong năm; việc bảo lưu, công nhận kết quả học tập đã tích lũy đối với sinh viên không tốt nghiệp; việc cho phép sinh viên hết thời gian học chính quy được chuyển qua học hình thức vừa làm vừa học, đào tạo từ xa tương ứng (nếu có) của cơ sở đào tạo nếu còn trong thời gian học tập theo quy định đối với hình thức đào tạo chuyển đến.

Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 03/5/2021.

Quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng

Thông tư số 02/2021/TT-TTCP ngày 22/3/2021 quy định về chế độ báo cáo, nội dung báo cáo, hình thức báo cáo, phương thức gửi báo cáo, trách nhiệm báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Áp dụng đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền và trách nhiệm trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Trong Thông tư đã quy định hình thức báo cáo, phương thức gửi báo cáo như sau: Báo cáo được thể hiện bằng văn bản giấy hoặc văn bản điện tử, có chữ ký của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị và được đóng dấu theo quy định; trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ủy quyền cho Thủ trưởng cơ quan thanh tra cùng cấp ký báo cáo thì thực hiện theo quy định về ký thừa ủy quyền; báo cáo được gửi tới cơ quan nhận báo cáo bằng hệ thống văn bản điện tử trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc một số phương thức sau: Gửi qua phần mềm hệ thống thông tin báo cáo của Thanh tra Chính phủ; gửi qua thư điện tử của cơ quan hành chính nhà nước; gửi trực tiếp; gửi qua dịch vụ bưu chính; gửi qua Fax.

Thông tư cũng quy định việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo: Thanh tra Chính phủ xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin báo cáo về các lĩnh vực quản lý nhà nước của mình; đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, an toàn, an ninh thông tin phục vụ xây dựng, vận hành hệ thống thông tin báo cáo, chia sẻ dữ liệu theo các quy định của pháp luật.

Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống thông tin Báo cáo về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng khi Thanh tra Chính phủ triển khai.

Thông tư số 02/2021/TT-TTCP có hiệu lực từ ngày 10/5/2021.

Phòng Dịch vụ HCC (Biên tập và tổng hợp)
thainguyen.gov.vn