Truy cập nội dung luôn

Một số chính sách mới có hiệu lực từ ngày 15/7/2021

Hướng dẫn cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý; quy định về bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều đối với việc xây dựng cầu qua sông có đê; hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương... là một số chính sách mới đã được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2021.

 

Hướng dẫn cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý

Thông tư số 02/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 hướng dẫn cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý để làm căn cứ chi trả thù lao, bồi dưỡng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Áp dụng đối với các đối tượng sau: Trợ giúp viên pháp lý; Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý; tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (gọi tắt là Trung tâm), Chi nhánh của Trung tâm (gọi tắt là Chi nhánh); Sở Tư pháp và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo đó, nguyên tắc thực hiện phải đảm bảo: Phù hợp với quy định của pháp luật về thù lao, bồi dưỡng và thủ tục thanh toán thù lao, bồi dưỡng thực hiện vụ việc cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý; bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý trong việc kê khai thời gian, công việc để làm căn cứ chi trả thù lao, bồi dưỡng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý; khi kê khai thời gian, công việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, người kê khai chịu trách nhiệm về tính xác thực của việc kê khai; khi xác nhận thời gian, công việc của người thực hiện trợ giúp pháp lý, người xác nhận chịu trách nhiệm về tính xác thực của việc xác nhận.

Thời gian theo buổi làm việc thực tế được Thông tư hướng dẫn cụ thể như sau:

Thời gian theo buổi làm việc thực tế (1/2 ngày làm việc) được áp dụng đối với các vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng do người thực hiện trợ giúp pháp lý lựa chọn để làm căn cứ chi trả thù lao, bồi dưỡng thực hiện vụ việc.

Một buổi làm việc thực tế được tính trên cơ sở 04 giờ làm việc. Trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý làm việc không đủ 04 giờ thì tính như sau: Tính thành ½ buổi làm việc nếu số giờ làm việc lẻ không đủ 03 giờ; tính thành 01 buổi làm việc nếu số giờ làm việc lẻ từ đủ 03 giờ trở lên.

Khi áp dụng cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải kê các công việc và thời gian thực hiện các công việc vào Bảng kê thời gian thực tế (Mẫu TP-TGPL-01) ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tư số 02/2021/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 15/7/2021.

Quy định về bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều đối với việc xây dựng cầu qua sông có đê

Quyết định số 19/2021/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 quy định về bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều đối với việc xây dựng cầu qua sông có đê theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng cầu qua sông có đê.

Theo đó, nguyên tắc chung đối với việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo cầu qua sông có đê để đảm bảo thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều đã được cụ thể háo. Việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo cầu qua sông có đê phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về giao thông, xây dựng và các nguyên tắc sau đây:

Phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều; phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp quy hoạch tỉnh chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt thì phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với công trình ảnh hưởng đến hai tỉnh trở lên hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với công trình chỉ ảnh hưởng trong phạm vi tỉnh;

Việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo cầu qua sông có đê phải bảo đảm thoát được lũ thiết kế và lũ lịch sử của tuyến sông, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều và giao thông đường thủy theo quy định của pháp luật;

Lựa chọn kết cấu và bố trí các trụ cầu phù hợp, xuôi thuận với hướng dòng chảy để hạn chế co hẹp lòng dẫn, thay đổi chế độ dòng chảy của sông.

Trong Quyết định còn quy định cụ thể đối với việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo cầu qua sông có đê để đảm bảo thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều như sau:

Thiết kế xây dựng cầu qua sông có đê phải tính toán thủy văn, thủy lực, xác định và đánh giá ảnh hưởng của việc xây dựng cầu đến thoát lũ; an toàn đê điều; ổn định lòng, bờ, bãi sông; hoạt động của các công trình lân cận và giao thông đường thủy để lựa chọn phương án, giải pháp thiết kế đảm bảo an toàn, cụ thể: Tính toán thiết kế đảm bảo thoát lũ thiết kế, lũ lịch sử sau khi xây dựng cầu; tính toán xác định sự biến đổi mực nước; đánh giá ảnh hưởng đến an toàn chống lũ của đê (cao trình chống lũ; ổn định thân đê, nền đê); sự ổn định và hoạt động của các công trình trong phạm vi ảnh hưởng; tính toán xác định sự thay đổi về hướng, vận tốc dòng chảy ở thượng lưu, hạ lưu và vị trí cầu; đánh giá ảnh hưởng đến xói, sạt lở đê điều, lòng, bờ, bãi sông, các công trình lân cận và hoạt động giao thông đường thủy.

Vị trí giao cắt giữa cầu và đê phải đảm bảo giao thông an toàn, liền mạch, thông suốt trên đê và có phương án kết nối giao thông giữa cầu với đê đảm bảo thuận tiện cho công tác kiểm tra, ứng cứu, hộ đê trong mùa mưa lũ. Trường hợp giao cắt khác mức, phải đảm bảo độ cao tĩnh không tối thiểu là 4,75m.

Khi sửa chữa, cải tạo cầu qua sông có đê hiện có mà có sự thay đổi về quy mô của cầu (chiều rộng, chiều dài cầu) phải tính toán thủy văn, thủy lực để lựa chọn phương án sửa chữa, cải tạo đảm bảo thoát lũ theo quy định.

Trong giai đoạn thi công xây dựng cầu qua sông có đê phải thực hiện các nội dung sau đây: Xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện phương án đảm bảo an toàn đê điều và công trình trong mùa mưa lũ theo quy định của pháp luật; trong quá trình thi công phải thường xuyên theo dõi diễn biến đê điều, bãi sông tại vị trí xây dựng và khu vực thượng, hạ lưu cầu, trường hợp xảy ra sự cố mất an toàn phải báo cáo ngay với cơ quan chức năng và kịp thời xử lý đảm bảo an toàn đê điều, bãi sông; việc sử dụng xe cơ giới phục vụ thi công đi trên đê phải tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều, tải trọng cho phép đối với xe cơ giới đi trên đê. Việc sử dụng bãi sông làm bãi tập kết vật liệu, phương tiện, trang thiết bị, lán trại, đường công vụ phục vụ thi công không được gây mất ổn định đê điều, bãi sông, ảnh hưởng đến dòng chảy; trước mùa lũ và sau khi hoàn thành công trình, phải tháo dỡ, thanh thải vật liệu, phế thải, công trình phục vụ thi công và hoàn trả hiện trạng bãi sông, lòng sông.

Quyết định số 19/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15/7/2021.

Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương

Thông tư số 07/2021/TT-BYT ngày 27/5/2021 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Trung tâm Y tế huyện). Áp dụng đối với các Trung tâm Y tế huyện bao gồm cả Trung tâm Y tế huyện ở những nơi đang có Bệnh viện đa khoa từ Hạng II trở lên đóng trên địa bàn.

Thông tư quy định chức năng của Trung tâm Y tế huyện cụ thể như sau: Trung tâm Y tế huyện có chức năng cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, an toàn thực phẩm, dân số và các dịch vụ y tế khác theo quy định của pháp luật; đối với những đơn vị hành chính cấp huyện đang có Bệnh viện đa khoa từ Hạng II trở lên đóng trên địa bàn thì Trung tâm Y tế huyện vẫn thực hiện chức năng khám bệnh, chữa bệnh để thực hiện cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, khám sàng lọc, khám tư vấn, các dịch vụ y tế khác theo quy định của pháp luật và quản lý hoạt động của các trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực (nếu có) trên địa bàn.

Cũng theo Thông tư, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm Y tế huyện cũng được quy định cụ thể như sau:

Thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng;

Thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng;

Thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ về chuyên môn, kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe sinh sản;

Thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về an toàn thực phẩm;

Thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về dân số;

Thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng phục vụ cho hoạt động chuyên môn, kỹ thuật theo chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm và nhu cầu của người dân; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm và an toàn bức xạ theo quy định của pháp luật;

Thực hiện các hoạt động dịch vụ y tế trong phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và đáp ứng tình trạng khẩn cấp về y tế;

Tuyên truyền, cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tổ chức các hoạt động tư vấn, giáo dục, truyền thông, vận động nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, công tác dân số và phát triển trên địa bàn;

Quản lý, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ;

Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ;

Thực hiện việc tiếp nhận, cung ứng, bảo quản, cấp phát, sử dụng thuốc, phương tiện tránh thai, vắc xin, sinh phẩm y tế, hóa chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động chuyên môn theo quy định của cấp có thẩm quyền ở địa phương và quy định của pháp luật;

Triển khai thực hiện các dự án, chương trình y tế, dân số theo quy định của cấp có thẩm quyền ở địa phương; thực hiện kết hợp quân - dân y theo đặc điểm, tình hình thực tế và theo quy định của pháp luật;

Thực hiện ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội để tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Trung tâm Y tế huyện và các đơn vị y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện theo quy định của pháp luật;

Nghiên cứu và tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; ứng dụng phát triển khoa học kỹ thuật trong hoạt động chuyên môn;

Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo; xây dựng, tổng hợp, cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về y tế, dân số theo quy định của pháp luật;

Thực hiện quản lý nhân lực, tài chính, tài sản theo phân cấp và theo quy định của pháp luật;

Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Giám đốc Sở Y tế và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao;

Về cơ cấu tổ chức, theo Thông tư quy định như sau:

Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện: Trung tâm Y tế huyện có Giám đốc và các Phó Giám đốc theo quy định của pháp luật; việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Giám đốc và Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện theo phân cấp hoặc ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và theo quy định của pháp luật. Việc miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho thôi chức vụ, nghỉ hưu và thực hiện các chế độ chính sách đối với Giám đốc và Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện thực hiện theo quy định của pháp luật.

Các Phòng chức năng thuộc Trung tâm Y tế huyện: Trung tâm Y tế huyện được xây dựng với cơ cấu 5 phòng: Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ (bao gồm cả lĩnh vực quản lý chất lượng, công tác xã hội); Phòng Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe; Phòng Điều dưỡng; Phòng Tài chính - Kế toán.

Căn cứ vào tính chất, đặc điểm, nhu cầu thực tế của từng địa phương, cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập, tổ chức lại các phòng chức năng thuộc Trung tâm Y tế huyện; quy định nhiệm vụ cụ thể của các phòng chức năng để bảo đảm thực hiện đầy đủ các hoạt động theo quy định của pháp luật.

Các Khoa chuyên môn thuộc Trung tâm Y tế huyện, được xây dựng với cơ cấu 15 khoa bao gồm: Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS; Khoa Y tế công cộng; Khoa An toàn thực phẩm; Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Phụ sản; Khoa Khám bệnh/Phòng khám đa khoa; Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc; Khoa Nội; Khoa Ngoại; Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức; Khoa Nhi; Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng; Khoa Răng hàm mặt - Mắt - Tai mũi họng; Khoa Xét nghiệm; Khoa Chẩn đoán hình ảnh; Khoa Truyền nhiễm; Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn; Khoa Dược - Trang thiết bị - Vật tư y tế; Khoa Dinh dưỡng; Khoa Tư vấn và điều trị nghiện chất.

Căn cứ vào tính chất, đặc điểm, nhu cầu thực tế của từng địa phương, cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập, tổ chức lại các khoa chuyên môn thuộc Trung tâm Y tế huyện bảo đảm phù hợp với tính chất công việc; quy định nhiệm vụ cụ thể của các khoa chuyên môn để triển khai thực hiện cung cấp đầy đủ các dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

Đối với những đơn vị hành chính cấp huyện đang có Bệnh viện đa khoa từ Hạng II trở lên đóng trên địa bàn thì việc bố trí giường điều trị nội trú tại các khoa chuyên môn thuộc lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh thuộc Trung tâm Y tế huyện để bảo đảm đáp ứng nhu cầu, điều kiện thực tế do Giám đốc Trung tâm tham mưu, trình cấp có thẩm quyền tại địa phương xem xét, quyết định.

Các đơn vị y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện, được xác định bao gồm: Trạm y tế xã, phường, thị trấn: Thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm y tế xã, phường, thị trấn; Phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh (nếu có): Thực hiện các nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền quy định trên cơ sở nhu cầu thực tế tại địa phương và theo quy định của pháp luật.

Thông tư số 07/2021/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15 /7/2021.

Ban hành danh mục địa danh dân cư, sơ văn, thủy văn, kinh tế - xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ tỉnh Gia Lai

Thông tư số 04/2021/TT-BTNMT ngày 29/5/2021 ban hành Danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn, kinh tế - xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ tỉnh Gia Lai.

Quy định chung như sau:

Danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thuỷ văn, kinh tế - xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ tỉnh Gia Lai được chuẩn hóa từ địa danh thống kê trên bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:25.000 Hệ VN-2000 khu vực tỉnh Gia Lai.

Danh mục địa danh tỉnh Gia Lai được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt của các đơn vị hành chính cấp huyện gồm thành phố, thị xã và các huyện.

Theo đó, Danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thuỷ văn, kinh tế - xã hội phục vụ công tác thành lập bản đồ tỉnh Gia Lai gồm địa danh của các đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố được thống kê gồm 17 đơn vị hành chính cấp huyện như sau:

1. Thành phố Pleiku; 2. Thị xã An Khê; 3. Thị xã Ayun Pa; 4. Huyện Chư Păh; 5. Huyện Chư Prông; 6. Huyện Chư Pưh; 7. Huyện Chư Sê; 8. Huyện Đak Đoa; 9. Huyện Đak Pơ; 10. Huyện Đức Cơ; 11. Huyện La Grai; 12. Huyện La Pa; 13. Huyện Kbang; 14. Huyện Kông Chro; 15.Huyện Krông Pa; 16. Huyện Mang Yang; 17. Huyện Phú Thiện.

Thông tư số 04/2021/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 15/7/2021.

 

Phòng Dịch vụ HCC (Tổng hợp và biên tập)
thainguyen.gov.vn