Truy cập nội dung luôn

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12 năm 2020

 

Với các chính sánh như: Hướng dẫn bảo vệ việc làm cho người tố cáo; Quy định mới về xếp lương viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin; Quy định mới về xếp lương của giảng viên đại học từ tháng 12/2020; 04  dịch vụ viễn thông bắt buộc phải quản lý chất lượng theo quy chuẩn; Xếp lương viên chức phát thanh viên, quay phim theo 4 hạng… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12 năm 2020.

1. Hướng dẫn bảo vệ việc làm cho người tố cáo

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động.

Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động, thân nhân của người tố cáo bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động (người được bảo vệ); trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ việc làm của người được bảo vệ.

Theo Thông tư, UBND cấp xã áp dụng các biện pháp bảo vệ việc làm đối với người được bảo vệ làm giúp việc gia đình, làm việc tại cơ sở, tổ chức được cấp phép hoạt động hoặc thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp xã.

UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc áp dụng các biện pháp bảo vệ việc làm đối với người được bảo vệ làm việc tại trụ sở chính hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp phép hoạt động hoặc thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp huyện. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND cấp huyện thực hiện việc bảo vệ việc làm đối với người được bảo vệ.

UBND cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc áp dụng các biện pháp bảo vệ việc làm đối với người được bảo vệ làm việc tại trụ sở chính hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh khác được cấp phép hoạt động hoặc thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp tỉnh, ngành, Trung ương. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND cấp tỉnh thực hiện bảo vệ việc làm đối với người được bảo vệ.

Trách nhiệm của người sử dụng người lao động

Thông tư nêu rõ, người sử dụng người lao động không được phân biệt đối xử về việc làm đối với người được bảo vệ. Không được trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm của người được bảo vệ. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ theo yêu cầu, đề nghị của cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ. Báo cáo cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm và thông báo cho tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở về kết quả thực hiện biện pháp bảo vệ.

Cơ quan chủ quản của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh; người sử dụng lao động chính đối với trường hợp người được bảo vệ làm việc tại chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền bảo vệ việc làm trong quá trình tiếp nhận, xác minh và áp dụng các biện pháp bảo vệ việc làm.

Trách nhiệm của tổ chức đại diện người lao động

Theo Thông tư, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở giám sát người sử dụng lao động trong việc chấp hành các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ theo yêu cầu, đề nghị của cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ. Trường hợp người sử dụng lao động không chấp hành biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc tổ chức đại diện hợp pháp khác của người lao động tại cơ sở phải có ý kiến bằng văn bản với người sử dụng lao động, đồng thời báo cáo ngay sự việc với cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ và công đoàn cấp trên trực tiếp hoặc tổ chức đại diện hợp pháp cấp trên trực tiếp của người lao động (nếu có) để kịp thời xử lý và có biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ.

Liên đoàn lao động cấp huyện, cấp tỉnh chỉ đạo Ban chấp hành công đoàn cơ sở giám sát người sử dụng lao động trong việc chấp hành các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ. Bên cạnh đó, giám sát cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ cùng cấp trong việc chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức việc áp dụng các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ. Phối hợp với UBND cùng cấp yêu cầu người sử dụng lao động chấp hành các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/12/2020.

2. Quy định mới về xếp lương viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin

Từ ngày 12/12/2020, việc bổ nhiệm và xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin được thực hiện theo Thông tư 29/2020/TT-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông mới ban hành.Theo Thông tư, các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:

1. Chức danh an toàn thông tin hạng I (mã số V11.05.09), quản trị viên hệ thống hạng I (mã số V11.06.12), kiểm định viên công nghệ thông tin hạng I (mã số V11.07.16), phát triển phần mềm hạng I (mã số V11.08.19) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) có 6 bậc, từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00.

2. Chức danh an toàn thông tin hạng II (mã số V11.05.10), quản trị viên hệ thống hạng II (mã số V11.06.13), kiểm định viên công nghệ thông tin hạng II (mã số V11.07.17), phát triển phần mềm hạng II (mã số V11.08.20) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) có 8 bậc, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

3. Chức danh an toàn thông tin hạng III (mã số V11.05.11), quản trị viên hệ thống hạng III (mã số V11.06.14), kiểm định viên công nghệ thông tin hạng III (mã số V11.07.18), phát triển phần mềm hạng III (mã số V11.08.21) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 có 9 bậc, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

4. Chức danh quản trị viên hệ thống hạng IV (mã số V11.06.15), phát triển phần mềm hạng IV (mã số V11.08.22) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B có 12 bậc, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

Xếp lương sau khi hết thời gian tập sự

Sau khi hết thời gian tập sự theo quy định và được cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin thì thực hiện xếp bậc lương theo chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm như sau:

a) Trường hợp khi được tuyển dụng viên chức có trình độ đào tạo tiến sĩ phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 3, hệ số lương 3,00, bảng lương viên chức loại A1;

b) Trường hợp khi được tuyển dụng có trình độ đào tạo thạc sĩ phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 2, hệ số lương 2,67, bảng lương viên chức loại A1;

c) Trường hợp khi được tuyển dụng có trình độ đào tạo đại học phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 1, hệ số lương 2,34, bảng lương viên chức loại A1;

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/12/2020.

3. Quy định mới về xếp lương của giảng viên đại học từ tháng 12/2020

Từ ngày 12/12/2020, giảng viên giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ được xếp lương theo quy định mới của Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Theo Thông tư,  giảng viên giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập được xếp lương theo các hạng gồm:

1. Giảng viên cao cấp (hạng I)- Mã số: V.07.01.01;

2. Giảng viên chính (hạng II)- Mã số: V.07.01.02

3. Giảng viên (hạng III) - Mã số: V.07.01.03

4. Trợ giảng (hạng III) - Mã số: V.07.01.23

Cụ thể, việc xếp lương cho giảng viên được áp dụng như sau:

- Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6.2 đến 8.0.

- Chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1. (A2.1) từ hệ số 4.4 đến 6.78.

- Chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III) và trợ giảng (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2.34 đến 4.98.

Việc bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ, năng lực và chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức và theo quy định của pháp luật.

Không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, trừ trường hợp viên chức giảng dạy được công nhận hoặc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư theo quy định của luật chuyên ngành.

Việc bổ nhiệm và xếp lương của viên chức giảng dạy có chức danh phó giáo sư, giáo sư được thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định số 141/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định số 117/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/12/2020.

4. 04  dịch vụ viễn thông bắt buộc phải quản lý chất lượng theo quy chuẩn

Thông tư số 32/2020/TT-BTTTT quy định Danh mục dịch vụ viễn thông bắt buộc quản lý chất lượng, có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2020.

Theo đó, 4 dịch vụ viễn thông bắt buộc quản lý chất lượng và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng áp dụng cho từng dịch vụ được quy định như sau:

  1. Dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất sử dụng công nghệ FTTH/xPON (dịch vụ truy nhập Internet cáp quang) áp dụng quy chuẩn QCVN 34:2019/BTTTT;

2. Dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất sử dụng công nghệ Modem cáp truyền hình (dịch vụ truy nhập Internet cáp truyền hình) áp dụng quy chuẩn QCVN 34:2019/BTTTT;

3. Dịch vụ điện thoại trên mạng viễn thông di động mặt đất áp dụng quy chuẩn QCVN 36:2015/BTTTT;

4. Dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất áp dụng quy chuẩn QCVN 81:2019/BTTTT.

Trong trường hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng với dịch vụ nêu trên được thay thế bằng quy chuẩn mới thì áp dụng theo quy chuẩn mới.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2020.

5. Xếp lương viên chức phát thanh viên, quay phim theo 4 hạng

Thông tư 30/2020/TT-BTTTT hướng dẫn bổ nhiệm, xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim, được áp dụng từ 12/12/2020.

Theo Thông tư, các chức danh nghề nghiệp viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim được xếp lương theo 4 hạng như sau:

- Chức danh nghề nghiệp âm thanh viên hạng I (mã số V11.09.23), phát thanh viên hạng I (mã số V11.10.27), kỹ thuật dựng phim hạng I (mã số V11.11.31), quay phim hạng I (mã số V11.12.35) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 2 (A3.2) có 6 bậc, từ hệ số lương 5,75 đến hệ số lương 7,55.

- Chức danh nghề nghiệp âm thanh viên hạng II (mã số V11.09.24), phát thanh viên hạng II (mã số V11.10.28), kỹ thuật dựng phim hạng II (mã số V11.11.32), quay phim hạng II (mã số V11.12.36) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2) có 8 bậc, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.

- Chức danh nghề nghiệp âm thanh viên hạng III (mã số V11.09.25), phát thanh viên hạng III (mã số V11.10.29), kỹ thuật dựng phim hạng III (mã số V11.11.33), quay phim hạng III (mã số V11.12.37) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 có 9 bậc, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

- Chức danh nghề nghiệp âm thanh viên hạng IV (mã số V11.09.26), phát thanh viên hạng IV (mã số V11.10.30), kỹ thuật dựng phim hạng IV (mã số V11.11.34), quay phim hạng IV (mã số V11.12.38) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B, có 12 bậc, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

Xếp lương khi tuyển dụng, hết thời gian tập sự

Sau khi tuyển dụng, hết thời gian tập sự theo quy định và được cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông thì thực hiện xếp bậc lương theo chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm như sau:

a) Trường hợp khi được tuyển dụng viên chức có trình độ đào tạo tiến sĩ chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 3, hệ số lương 3,00 bảng lương viên chức loại A1;

b) Trường hợp khi được tuyển dụng có trình độ đào tạo thạc sĩ chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 2, hệ số lương 2,67, bảng lương viên chức loại A1;

c) Trường hợp khi được tuyển dụng có trình độ đào tạo đại học chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 1, hệ số lương 2,34, bảng lương viên chức loại A1;

d) Trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp âm thanh viên hạng IV, phát thanh viên hạng IV, kỹ thuật dựng phim hạng IV, quay phim hạng IV: Khi được tuyển dụng có trình độ đào tạo cao đẳng chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 2, hệ số lương 2,06; có trình độ đào tạo trung cấp chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 1, hệ số lương 1,86, bảng lương viên chức loại B.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2020.

6. Sửa quy định thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng

Ngân hàng nhà nước đã ra Thông tư 11/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2017/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng.

Cụ thể, Thông tư bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định thu hồi Giấy phép như sau:

Thống đốc Ngân hàng nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi Giấy phép: a- Thu hồi Giấy phép đối với tổ chức tín dụng;

b- Thu hồi Giấy phép đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài là đối tượng thanh tra, giám sát an toàn vi mô của cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng theo phân công của Thống đốc.

Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh có thẩm quyền quyết định:

i- Thu hồi Giấy phép đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trụ sở đặt tại địa bàn, trừ các chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại điểm b nêu trên; ii- Thu hồi Giấy phép đối với văn phòng đại diện trên địa bàn.

Hội đồng thanh lý

Thông tư cũng quy định cụ thể về thành phần Hội đồng thanh lý tổ chức tín dụng, thành phần Hội đồng thanh lý chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định Hội đồng thanh lý theo thành phần quy định đối với trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải thể tự nguyện.

Hội đồng thanh lý có nhiệm vụ và quyền hạn gồm:

a- Được sử dụng con dấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong quá trình thanh lý tài sản tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật;

b- Rà soát toàn bộ các khoản mục của tài sản có và tài sản nợ, các khoản mục ngoại bảng của bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, lập danh sách và số tiền của các chủ nợ, khách nợ đến thời điểm thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và danh mục tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để xử lý;

c- Thực hiện thanh lý tài sản, tìm mọi biện pháp để thu hồi nợ và các tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

d- Trong thời hạn 05 ngày làm việc đầu tiên hàng tháng hoặc đột xuất, báo cáo Tổ giám sát thanh lý về tình hình thanh lý tài sản, phân chia tài sản và các vấn đề phát sinh khác;

đ- Chi phí liên quan đến hoạt động của Hội đồng thanh lý do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chi trả. Việc hạch toán chi phí phải tuân thủ theo chế độ kế toán hiện hành;

e- Hội đồng thanh lý kết thúc nhiệm vụ khi tổ chức tín dụng chấm dứt pháp nhân, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 17/12/2020.

Hoàng Minh
thainguyen.gov.vn