Truy cập nội dung luôn

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12 năm 2020

Nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 12/2020, trong đó có: Quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; quy định xử phạt trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ… là những chính sách mơí có hiệu lực từ tháng 12/2020.

 

1. Quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và một số thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Theo đó, Nghị định quy định phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, trong đó quy định phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.

Tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 7 triệu đồng.

Đáng chú ý, Nghị định quy định mức phạt đối với hành vi làm mất hóa đơn. Cụ thể, phạt cảnh cáo nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng có tình tiết giảm nhẹ; làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập sai, đã xóa bỏ và người bán đã lập hóa đơn khác thay thế.

Trường hợp làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ và có tình tiết giảm nhẹ sẽ bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng. Phạt từ 4 đến 8 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập; làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ. Phạt từ 5 đến 10 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn không thuộc các trường hợp trên…

Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 có hiệu lực từ ngày 05/12/2020

2. Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản

Nghị định 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Trong đó,Nghị định quy định: 

Phạt tiền đến 200 triệu đồng đối với hành vi “Vi phạm quy định về giấy phép, điều kiện hoạt động xuất bản”.

Phạt tiền đến 20 triệu đồng đối với hành vi “Vi phạm quy định về quy trình, thủ tục trong hoạt động xuất bản”.

Phạt tiền đến 200 triệu đồng đối với hành vi “Vi phạm quy định về nội dung xuất bản phẩm”.

Phạt tiền đến 10 triệu đồng đối với hành vi “Vi phạm quy định về trình bày, minh họa xuất bản phẩm và ghi thông tin phải ghi trên xuất bản phẩm”.

Phạt tiền đến 20 triệu đồng đối với hành vi “Vi phạm quy định về nộp xuất bản phẩm lưu chiểu và nộp xuất bản phẩm cho Thư viện Quốc gia Việt Nam”.

Phạt tiền đến 30 triệu đồng đối với hành vi “Vi phạm quy định về liên kết trong hoạt động xuất bản”.

Phạt tiền đến 200 triệu đồng đối với hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động in xuất bản phẩm”.

Phạt tiền đến 70 triệu đồng đối với hành vi “Vi phạm về tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm”.

Phạt tiền đến 50 triệu đồng đối với hành vi “Vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu xuất bản phẩm”.

Phạt tiền đến 200 triệu đồng đối với hành vi “Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động xuất bản điện tử và phát hành xuất bản phẩm điện tử”.

Phạt tiền đến 20 triệu đồng đối với hành vi “Vi phạm quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ thông tin, báo cáo trong hoạt động xuất”…

Nghị định 119/2020/NĐ-CP  có hiệu lực từ ngày 01/12/2020

3. Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị định 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định về nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể và tự chủ về tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị định nêu rõ: Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập phải bảo đảm đúng điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền quy định tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP (trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành); một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại.

Các đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập mới (kể cả đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập) phải tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu). Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm về chi thường xuyên và chi đầu tư, khi thành lập mới (kể cả trường hợp cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu) phải tự bảo đảm về chi thường xuyên và chi đầu tư.

Đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả thì tổ chức lại hoặc giải thể. Việc tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập không được làm tăng thêm số lượng người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó của đơn vị và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.

Nghị định 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 có hiệu lực từ ngày 01/12/2020

4. Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Nghị định nêu rõ: Người có nghĩa vụ kê khai theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng bao gồm:

Các ngạch công chức và chức danh sau đây: Chấp hành viên; Điều tra viên; Kế toán viên; Kiểm lâm viên; Kiểm sát viên; Kiểm soát viên ngân hàng; Kiểm soát viên thị trường; Kiểm toán viên; Kiểm tra viên của Đảng; Kiểm tra viên hải quan; Kiểm tra viên thuế; Thanh tra viên; Thẩm phán.

Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên, công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định này.

Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Nghị định cũng quy định xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai như sau: Người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng; người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che dấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 02 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

Xử lý hành vi vi phạm khác trong kiểm soát tài sản, thu nhập: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm trong tổ chức việc kê khai, công khai bản kê khai, nộp bản kê khai thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức; người đứng đầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Tổ trưởng và thành viên Tổ xác minh tài sản, thu nhập có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận bản kê khai, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập, tiến hành xác minh, kết luận xác minh, công khai kết quả xác minh thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ, không kịp thời yêu cầu của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật; các hành vi vi phạm quy định lại Điều 20, các khoản 1, 2 và 3 Điều 21 nếu cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

 Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 có hiệu lực từ ngày 20/12/2020

5. Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt; thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Nghị định nêu rõ, vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan, nộp hồ sơ thuế sẽ bị: Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đúng thời hạn quy định thuộc một trong các trường hợp sau: Khai, nộp, xuất trình, cung cấp thông tin hồ sơ hải quan, trừ vi phạm quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 Điều 7 và điểm b khoản 3 Điều 11 Nghị định này; khai sửa đổi, bổ sung khi có sự thay đổi thông tin số hiệu container hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cảng xếp hàng, cửa khẩu xuất hàng, phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu; tái xuất phương tiện vận tải của cá nhân, tổ chức qua lại khu vực cửa khẩu để giao, nhận hàng hóa; khai bổ sung về trị giá hải quan quá thời hạn quy định đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa có giá chính thức, hàng hóa có khoản thực thanh toán, hàng hóa có các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan chưa xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đúng thời hạn quy định thuộc một trong các trường hợp sau: Cung cấp báo cáo kiểm toán, báo cáo tài chính của doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên; thông báo cho cơ quan hải quan quyết định xử lý vi phạm pháp luật về quản lý thuế, kế toán đối với doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên; báo cáo về lượng hàng hóa nhập khẩu phục vụ xây dựng nhà xưởng, hàng hóa gửi kho bên ngoài của doanh nghiệp chế xuất; báo cáo về lượng hàng hóa trung chuyển đưa vào, đưa ra, còn lưu tại cảng; báo cáo thống kê thông quan hàng bưu chính đưa vào Việt Nam để chuyển tiếp đi quốc tế.

Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Nộp tờ khai hải quan khi chưa có hàng hóa xuất khẩu tập kết tại địa điểm đã thông báo với cơ quan hải quan; không nộp báo cáo quyết toán, báo cáo tình hình sử dụng hàng hóa miễn thuế đúng thời hạn quy định; nộp hồ sơ đề nghị áp dụng mức thuế suất 0% đối với linh kiện nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô hoặc Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô không đúng thời hạn quy định; không xử lý đúng thời hạn quy định đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị thuê, mượn và sản phẩm gia công khi hợp đồng gia công kết thúc hoặc hết hiệu lực; thông báo bổ sung thông tin không đúng thời hạn quy định khi có sự thay đổi cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu; nơi lưu giữ nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm xuất khẩu; thông báo hợp đồng gia công lại, phụ lục hợp đồng gia công lại không đúng thời hạn quy định; thông tái xuất, tái nhập hàng hóa đúng thời hạn quy định hoặc thời gian đã đăng ký với cơ quan hải quan, trừ vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều 7; thông báo định mức thực tế của lượng sản phẩm đã sản xuất không đúng thời hạn quy định.

Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Không tái xuất hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất đúng thời hạn quy định; lưu giữ hàng hóa quá cảnh, hàng hóa trung chuyển trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quá thời hạn quy định; khai báo và làm thủ tục sau khi chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế, hoàn thuế, không thu thuế, hàng áp dụng thuế suất theo hạn ngạch thuế quan nhưng trước thời điểm quyết định kiểm tra, thanh tra.

Không tái xuất, tái nhập phương tiện vận tải tạm nhập, tạm xuất đúng thời hạn quy định (trừ các trường hợp xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều 7, trường hợp phương tiện vận tải của cá nhân, tổ chức qua lại khu vực cửa khẩu để giao nhận hàng hóa) thì bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng trong trường hợp quá thời hạn tái xuất, tái nhập dưới 30 ngày; phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng trong trường hợp quá thời hạn tái xuất, tái nhập từ 30 ngày trở lên.

Không tái xuất phương tiện vận tải tạm nhập là ô tô chở người dưới 24 chỗ ngồi (được xác định căn cứ giấy đăng ký lưu hành phương tiện hoặc thực tế kiểm tra phương tiện) đúng thời hạn quy định, trừ trường hợp xử phạt theo điểm c khoản 1 Điều 7 thì bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng trong trường hợp quá thời hạn tái xuất dưới 30 ngày; phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng trong trường hợp quá thời hạn tái xuất từ 30 ngày trở lên.

Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 có hiệu lực từ ngày 10/12/2020

6. Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Nghị định 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 quy định nguyên tắc, phương pháp, trình tự xác định yếu tố hình thành giá giao dịch liên kết; quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong xác định giá giao dịch liên kết, thủ tục kê khai; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.

Nghị định quy định đối tượng áp dụng bao gồm: Tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết theo quy định tại điều 5 Nghị định này; cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế và Chi cục Thuế; cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc áp dụng quy định về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết.

Nghị định quy định cụ thể về xác định chi phí để tính thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Trong đó nêu rõ tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết: Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.

Nghị định 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 có hiệu lực từ ngày 20/12/2020

Phòng Dịch vụ HCC (biên tập và tổng hợp)
thainguyen.gov.vn