Truy cập nội dung luôn

Xây khát vọng phát triển quê hương

2022-06-27 08:19:00.0

Những năm gần đây, ngày càng nhiều người trẻ ở huyện Đại Từ (Thái Nguyên) có xu hướng lập nghiệp ngay tại quê hương. Dù lựa chọn con đường khởi nghiệp khác nhau, nhưng họ đều có chung khát vọng muốn khẳng định mình và cống hiến cho xã hội. Từ đây, nhiều tấm gương tiêu biểu, cách làm hay, mô hình mới được hình thành, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mô hình sản xuất cây giống của anh Nguyễn Văn Bằng, xã Hoàng Nông (Đại Từ)

Quyết tâm, dám nghĩ, dám làm

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào năm 2010, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Bằng (sinh năm 1989), ở xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Nông (Đại Từ) quyết định khởi nghiệp bằng nghề sản xuất cây giống. Anh tâm sự: Từ nhỏ, tôi đã rất thích thú khi được quan sát cây trồng lớn lên từ bầu đất, nhú mầm, ra rễ… Dường như làm nông nghiệp là đam mê đã ăn vào máu thịt. Sau khi nghiên cứu kỹ thị trường, kỹ thuật, tôi đã quyết định tự xây dựng cho mình một vườn ươm, giống cây chủ đạo là chè.

Những tưởng con đường khởi nghiệp của anh Nguyễn Văn Bằng sẽ “trải hoa hồng” khi có sự hậu thuẫn về kỹ thuật, kinh nghiệm của gia đình, thế nhưng, 40 vạn cây giống bị chết quá nửa trong vụ đầu tiên; số còn lại cũng phát triển không đồng đều. Dù có chút buồn và thất vọng nhưng anh Bằng không nản chí. Tìm hiểu kỹ nguyên nhân, tham khảo thông tin trên truyền hình, sách, báo, nhờ sự tư vấn của cán bộ nông nghiệp, anh dần nhận ra những “lỗ hổng” trong kiến thức của mình và quyết tâm làm lại. Sau quá trình tự học và trau dồi kiến thức, đến nay anh Bằng đã tự tin làm chủ vườn cây giống gần 3.600 m2, bình quân mỗi năm xuất bán 120 - 130 vạn cây giống.

Bên cạnh cung cấp giống tại địa phương, anh Bằng còn mở rộng thị trường thông qua việc giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội. Nhờ vậy, nhiều khách hàng ở Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang… cũng đến tìm mua cây giống. Cơ sở sản xuất thuận lợi đem lại doanh thu trung bình mỗi năm trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 5 - 7 lao động với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Với những nỗ lực của mình, anh Bằng vinh dự là 1 trong 4 đại diện thanh niên nông thôn tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Đình Của năm 2021. “Tôi nghĩ rằng, lập nghiệp ở đâu không quan trọng, nếu có quyết tâm thì chắc chắn sẽ thành công. Dù cơ sở sản xuất mới cơ bản ổn định, nhưng tôi tin rằng mình đã đi đúng hướng. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời mong muốn giúp thêm nhiều bạn trẻ xây dựng các mô hình trồng chè an toàn, công nghệ cao…” - anh Nguyễn Văn Bằng chia sẻ thêm.

Nhiều hướng đi sáng tạo

Giống như anh Bằng, khát khao khởi nghiệp tại quê hương chính là lý do anh Nguyễn Văn Tùng từ bỏ công việc hướng dẫn viên để xây dựng mô hình homestay ở Cửa Tử. Tận dụng khí hậu mát mẻ, trong lành nơi sườn Đông Tam Đảo, anh xây dựng lên khu nghỉ dưỡng mang đậm phong cách của đất và người nơi đây. Dẫn chúng tôi đi dạo quanh khu nghỉ dưỡng, anh Tùng chia sẻ: Tôi từng theo học ngành công nghệ thông tin ở TP. Hồ Chí Minh. Thế nhưng, sau khi ra trường, tôi lại bén duyên với ngành Du lịch. Trong quá trình đưa khách đi tham quan tại nhiều nơi trên cả nước, tôi bỗng nảy ra ý nghĩ tại sao quê mình có tiềm năng du lịch sinh thái đến vậy mà lại không khai thác? Nghĩ là làm, tôi trở về Hoàng Nông và quyết tâm khởi nghiệp từ mô hình homestay với mục đích quảng bá bản sắc văn hóa tại địa phương.

Mô hình nghỉ dưỡng tại Cửa Tử của anh Nguyễn Văn Tùng

Bên cạnh không gian nghỉ dưỡng, anh Tùng còn xây dựng tour du lịch phục vụ du khách, độc đáo nhất là trecking (đi bộ) đường dài và trải nghiệm tắm mát tại dòng suối Cửa Tử. Mô hình này hiện đang khá hot trên các trang mạng xã hội bởi cách bài trí hấp dẫn, thu hút nhiều bạn trẻ trong và ngoài tỉnh, thưởng thức cảnh quan, khí hậu thiên nhiên tươi mát, quảng bá hình ảnh địa phương.

Sức trẻ cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, nhiều đoàn viên thanh niên ở Đại Từ đã bước đầu thành công trong gây dựng sự nghiệp riêng trên mảnh đất quê hương. Ngoài những mô hình “mới toanh”, nhiều bạn trẻ còn mạnh dạn đổi mới cách làm từ chính những mô hình nông nghiệp thường thấy. Mô hình trồng dưa công nghệ cao của thanh niên Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1990), ở xóm Mận, xã Phục Linh là một ví dụ. Khác với cách canh tác truyền thống, dưa ở trang trại của anh Hùng được trồng hoàn toàn trong giá thể. Từ hệ thống tưới nhỏ giọt được điều khiển bằng phần mềm, dưa lưới được tưới và cung cấp dinh dưỡng hoàn toàn bằng phương thức tự động hóa. Đặc biệt hơn, người trồng có thể chủ động kiểm tra về độ đường, độ giòn để điều chỉnh dinh dưỡng cho cây để đạt độ ngon như ý muốn. Nhờ đầu tư bài bản, mô hình nhanh chóng thu được “trái ngọt”. Hiện, trang trại của anh Hùng cung cấp cho thị trường trên 3 tấn quả mỗi vụ, thu về gần 200 triệu đồng/vụ.

Chị Hoàng Thị Phương, Phó Bí thư Huyện đoàn Đại Từ cho hay: Hiệu quả của các mô hình thanh niên lập thân, lập nghiệp thành công không chỉ giúp các bạn trẻ khẳng định bản thân mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Để giúp đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế, khởi nghiệp tại địa phương, Huyện đoàn và các đoàn cơ sở đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: Tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm phát triển mô hình kinh tế hộ do thanh niên làm chủ; giúp thanh niên tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi; tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế… Trong thời gian tới, đồng hành, hỗ trợ đoàn viên thanh niên lập thân lập nghiệp tiếp tục là hoạt động chủ đạo trong công tác đoàn của Đại Từ. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều trợ lực từ các cấp, ngành để các bạn trẻ có thêm điều kiện để khởi nghiệp vững vàng, thành công trên con đường mà mình đã chọn…

Minh Quân (TP. Thái Nguyên)
thainguyen.gov.vn