Truy cập nội dung luôn

Sẽ tăng chế tài xử phạt hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý

2020-11-04 08:24:00.0

(ĐCSVN) - Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, việc sửa Luật Phòng chống ma tuý sẽ bổ sung nhiều quy định nhằm tăng chế tài xử phạt hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý, theo đúng tinh thần của Chỉ thị 36 Bộ Chính trị.

Chiều 02/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Nhiều đại biểu cho rằng: Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) qua thực hiện hơn 10 năm đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; một số quy định không thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính mới được ban hành… Do vậy đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, do sự thay đổi tình hình, một số quan hệ xã hội mới xuất hiện liên quan đến công tác phòng, chống ma túy nhưng chưa có quy định của luật để điều chỉnh vì có một số bất cập, hạn chế nổi bật như quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Ảnh: Quang Phúc

Số người sử dụng trái phép chất ma túy thời gian qua ngày càng gia tăng, đặc biệt là ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút, hít, tiêm chích sang uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần)... Việc sửa đổi Luật nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, đồng thời cũng là yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, cũng như hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, tình hình hoạt động của tội phạm ma tuý ngày càng phát triển, diễn biến phức tạp trong khi Luật Phòng chống ma tuý sau một thời gian thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, gây khó khăn cho công tác đấu tranh, phòng chống ma tuý. Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Sớm sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống ma tuý và các văn bản pháp luật liên quan theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn và có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý".

Theo đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), hiện tình hình tội phạm ma tuý rất phức tạp, công tác phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Do vậy, đòi hỏi phải tạo hành lang pháp lý, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, đấu tranh phòng chống ma tuý, bên cạnh công tác cai nghiện, điều trị người nghiện ma tuý, cũng như nâng cao nhận thức của cả xã hội về tác hại ma tuý.

Cho rằng tội phạm ma túy rất nguy hiểm cho xã hội, đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) kiến nghị việc sửa Luật này phải có quy định cụ thể khắc phục tình trạng khi Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009, không coi việc sử dụng trái phép chất ma túy là hình sự mà chỉ xử phạt hành chính.

Còn đại biểu Ngô Minh Châu (TP. Hồ Chí Minh) nêu ý kiến, phần lớn người nghiện đều tái nghiện, chưa kể dễ làm phát sinh người nghiện mới. “Chúng ta cần hiểu cai nghiện tập trung chính là giải pháp nhân đạo với người nghiện vì bệnh nhân nhanh chóng cắt cơn và được chăm sóc bởi những người có chuyên môn. Vấn đề là phải đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn và sau cai nghiện đó cần có khu định cư kinh tế mới để người ta sống, lao động. Đây là vấn đề chưa được nêu trong luật”, đại biểu Ngô Minh Châu nêu rõ. Bởi vậy, đại biểu đề nghị nếu người nghiện không tự giác thì phải có biện pháp cưỡng chế.

Đồng tình quan điểm trên, các đại biểu Dương Ngọc Hải, Phạm Khánh Phong Lan đề nghị, cần kịp thời bổ sung danh mục ma tuý, kể cả các giải pháp chữa bệnh, từ đó mới có cơ sở phòng chống hiệu quả, vì các dạng ma tuý mới đang phát triển rất nhiều. Nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân và gây mất an ninh, trật tự; đặc biệt người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần (ngáo đá), không kiểm soát được hành vi gây ra các vụ thảm án.../.

Bích Liên
dangcongsan.vn