Truy cập nội dung luôn

Phát triển vườn cây trái gắn với du lịch

Được đắm chìm trong thiên nhiên ngập tràn màu xanh của cây lá, tự tay hái những chùm nho căng mọng, trái dưa lưới ngọt lành hay thưởng thức dâu tây chín đỏ… là những trải nghiệm thú vị dành cho du khách khi đến thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao của anh Nguyễn Anh Tuấn, ở xóm Gốc Quéo, xã Khôi Kỳ (Đại Từ). Ngoài ý nghĩa gia tăng thu nhập, mô hình này còn được kỳ vọng sẽ nâng cao giá trị nông sản khi chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kết hợp kinh doanh dịch vụ.

Nho Hạ đen chuẩn bị cho thu hoạch tại vườn nhà anh Nguyễn Anh Tuấn.

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu vườn rộng hơn 3.000m2 của gia đình, anh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: Tôi là người đam mê nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, vì vậy tìm hiểu về các mô hình mới là sở thích của tôi. Từ sự học hỏi của bản thân và trải nghiệm thực tế, tôi “nung nấu” ý tưởng xây dựng mô hình nông nghiệp cho riêng mình và quyết định hiện thực hóa từ đầu năm 2020 với 2 loại cây trồng chính là dưa lưới và nho.

Trên diện tích 1.500m2, anh Tuấn trồng nho, trong đó phần lớn là giống nho Hạ đen. Anh cho hay: Trồng nho đã khó, trồng nho ở miền Bắc nói chung và đất Đại Từ nói riêng còn khó gấp nhiều lần. Bởi lẽ, nho là cây ưa nắng trong khi ở đây luôn có độ ẩm cao, dễ phát sinh sâu bệnh. Đặc biệt, nếu mưa nhiều, bộ rễ của cây nho dễ bị thối, nấm và chết dần.

Để khắc phục những điều kiện bất lợi, anh Tuấn đầu tư mái che bằng ni-lông trong suốt, sử dụng dây thép cố định khung vòm để hạn chế mưa, sương và ngăn sâu bọ phát triển. Đồng thời, anh áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, cung cấp dinh dưỡng đến từng gốc nho để giữ ẩm cho đất và giảm công lao động. Nhờ vậy, sau một thời gian chăm sóc, nho ra hoa, đậu quả khá đều.

So với các giống nho khác, nho Hạ đen có ưu điểm là sinh trưởng khỏe hơn, quả to, vị ngọt đậm, có thể thu 2 lứa/năm vào tháng 5 và tháng 11. Để chùm nho đều quả, kích cỡ đạt chuẩn, phát triển cân đối, anh Tuấn thường xuyên tỉa quả, cắt bỏ những quả bị chèn ép vào nhau từ lúc nho còn xanh. Đây là công đoạn quan trọng quyết định chất lượng, hình dáng chùm nho sau này.

Đối với 1.500m2 còn lại, anh Tuấn đầu tư trồng dưa lưới Nhật Bản. Để đảm bảo tỷ lệ đậu quả cao, anh trồng dưa trong nhà lưới. Toàn bộ các khâu tưới nước, cung cấp dinh dưỡng đều được thực hiện thông qua hệ thống tưới thông minh và điều tiết bằng điện thoại thông minh. Sau khoảng 80-90 ngày chăm sóc, dưa lưới sẽ cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm, dưa cho thu 2 lứa vào tháng 6 và tháng 9. Với khoảng 500 gốc, anh Tuấn thu về khoảng 3 tấn quả/lứa, trung bình mỗi quả có trọng lượng từ 1,2-2kg.

Ngoài phát triển sản xuất nông nghiệp, anh Tuấn còn xây dựng ý tưởng thu hút khách du lịch đến trải nghiệm khi đầu tư thảm cỏ nhân tạo dọc các lối vào vườn, tiểu cảnh... Bên cạnh đó, anh đang nghiên cứu trồng luân canh một số loại cây để vườn cho hoa trái quanh năm, phục vụ du khách.

Sau khi hết vụ dưa lưới, anh Tuấn tiếp tục trồng luân canh dâu tây trên diện tích 1.500m2 nhà lưới.

Hiện tại, cây dâu tây đang được anh trồng luân canh sau khi dưa lưới hết vụ. Bên cạnh hái quả tại vườn, du khách đến thăm mô hình của anh Tuấn có thể mua cả chậu cây dâu tây về trồng tại nhà. Dù chỉ mở cửa đón khách trong một thời gian ngắn trước khi tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp, nhưng khu vườn xum xuê cây trái của gia đình anh Tuấn đã thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài địa phương đến tham quan trải nghiệm. Trên các trang mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự thích thú khi ngắm nhìn hình ảnh về khu vườn và mong chờ được đến thăm khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Với vé vào cổng 30 nghìn đồng/người, du khách có thể tham quan, chụp ảnh, tự tay hái, thưởng thức và mua trái cây đem về. Với giá bán 70-100 nghìn đồng/kg nho Hạ đen, 50 nghìn đồng/kg dưa lưới, 250 nghìn đồng/kg dâu tây, các loại trái cây thu hái đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó. Ngoài ra, anh cũng chủ động kết nối với một số cửa hàng bán hoa quả sạch để tiêu thụ sản phẩm trái cây. Anh Tuấn ước tính, từ khi mở cửa vào năm 2020 đến nay, doanh thu của vườn đạt khoảng 220 triệu đồng. Tuy nhiên, do thời gian đầu, cây trái mới đạt sản lượng khoảng 70% nên dự kiến, khi sản xuất đi vào ổn định, vườn mở cửa đón khách liên tục, doanh thu sẽ tăng gấp 2-3 lần.

“Làm nông nghiệp công nghệ cao khá kỳ công và tốn kém. Chỉ riêng mỗi m2 nhà lưới đã tốn khoảng 200 nghìn đồng chi phí vật tư. Bù lại, nông sản làm ra có chất lượng, hình thức tốt, bán được giá hơn. Việc kết hợp với du lịch cũng là một hình thức tiêu thụ nông sản khi cung cấp cho người tiêu dùng biết rõ quy trình sản xuất từ khâu đầu vào đến đầu ra, tiêu thụ sản phẩm an toàn tại chỗ.” - anh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Với hướng phát triển đó, anh Tuấn đang tiếp tục đầu tư phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp dịch vụ du lịch trải nghiệm tại chỗ. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, vườn tạm dừng đón khách, anh đang tập trung cải tạo vườn, chăm sóc cây trồng, đầu tư thêm trên 1.000 giò lan các loại, chuẩn bị các điều kiện đón khách khi đủ điều kiện.

Thu Huyen
baothainguyen.org.vn