Truy cập nội dung luôn

Ban Pháp chế HĐND tỉnh khảo sát tại Võ Nhai

2024-08-21 11:28:00.0

Ngày 20/8, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đồng chí Trần Văn Khương, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh,Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã khảo sát nắm thông tin việc thực hiện sáp nhập xóm tại xã Liên Minh và xã Thần Sa huyện Võ Nhai. Làm việc với đoàn ở huyện có đồng chí Bùi Thị Sen - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Dương Văn Toản, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo các phòng ban chuyên môn của huyện.

Căn cứ Đề án số 09-ĐA/TU ngày 29/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Nguyên; Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 30/3/2018 của UBND tỉnh Thái Nguyên; Kế hoạch số 77-KH/HU ngày 15/3/2018 của Ban Thường vụ Huyện ủy Võ Nhai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sau khi kiểm tra hồ sơ sắp xếp, sáp nhập xóm thuộc các xã, có hồ sơ của 05 xã đủ điều kiện, sáp nhập các xóm thuộc các xã trên địa bàn huyện Võ Nhai, gồm: Xã Liên Minh: Sáp nhập 02 xóm thành 01 xóm; xã Tràng Xá: Sáp nhập 02 xóm thành 01 xóm; xã Phương Giao: Sáp nhập 07 xóm thành 03 xóm; xã Thượng Nung: Sáp nhập 06 xóm thành 03 xóm; xã Thần Xa: Sáp nhập 04 xóm thành 02 xóm và công nhận xóm Cao Biền xã Phú Thượng là xóm đặc thù. Sau khi thực hiện sáp nhập, huyện Võ Nhai có 142 xóm, tổ dân phố. Tuy nhiên với địa bàn rộng, địa hình một số xóm chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân bố rải rác… Khoảng cách về địa lý giữa các hộ trong xóm là rất lớn, có nơi từ đầu xóm đến cuối xóm khoảng 6 đến 7km; xóm này đến xóm kia từ 10 đến 15km; khoảng cách địa lý từ nhiều hộ gia đình đến trung tâm xóm và trung tâm của xã rất xa, dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức họp, tuyên truyền vận động, sinh hoạt cộng đồng...

Mặt khác, một số xóm có quy mô số hộ gia đình không bảo đảm điều kiện theo quy định, nhưng do không nằm liền kề nhau nên không thể sáp nhập được. Sự khác biệt về phong tục, tập quán, tôn giáo của người dân thuộc các dân tộc khác nhau là một khó khăn khi thực hiện sáp nhập. Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà văn hóa nào làm điểm trung tâm của một xóm cũng gặp khó khăn, vướng mắc trong việc sát nhập xóm.

Phát biểu kết luận tại buổi khảo sát, đồng chí Trần Văn Khương, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh,Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian qua, những nỗ lực, cố gắng của UBND xã, huyện để hoàn thành sáp nhập, vận động giải quyết người dôi dư do sắp xếp bộ máy; đồng thời, đề nghị UBND các xã lưu ý cơ sở pháp lý trong việc giải quyết chế độ cho những người dôi dư, tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân trong việc sát nhập xóm, đề nghị cấp có thẩm quyền sớm thực hiện các thủ tục hành chính trong việc đổi tên xóm, hộ khẩu, sử dụng hợp lý các nhà văn hóa cũ trong sinh hoạt cộng đồng để việc thực hiện đạt đồng thuận, hiệu quả.

T/H: Phan Mai (Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông)