Truy cập nội dung luôn

Tạo sinh kế mới cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số từ chính sách dân tộc

2025-06-17 08:59:00.0

        Với khí hậu mát mẻ, nguồn nước trong lành chảy từ núi cao, mô hình nuôi cá tầm thương phẩm tại xã Thần Sa, huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) là một mô hình sinh kế được triển khai hiệu quả từ Tiểu dự án 2, Dự án 3, thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (MTQG 1719. Mô hình đã mang lại những tín hiệu tích cực cho công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Sinh kế mới từ chính sách dân tộc

        Tháng 12 năm 2023, Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Võ Nhai đã phối hợp với chính quyền xã Thần Sa triển khai mô hình nuôi cá tầm thương phẩm cho 6 hộ dân tộc thiểu số, thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Các hộ tham gia được hỗ trợ 5.000 con cá giống cùng thức ăn, thuốc thú y và một số trang thiết bị thiết yếu phục vụ vụ nuôi đầu tiên. Tổng kinh phí của mô hình hơn 1,7 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719. Điểm đặc biệt trong mô hình là sự linh hoạt và bền vững. Trong năm đầu tiên, người dân được hỗ trợ gần như toàn bộ vật tư, kỹ thuật, các hộ sẽ chủ động đối ứng mặt bằng và một phần chi phí thức ăn chăn nuôi. Nhờ đó, tạo nền tảng hình thành chuỗi liên kết sản xuất bền vững.

Đoàn công tác của phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Võ Nhai và cán bộ nông nghiệp xã Thần Sa thăm mô hình cá tầm thương phẩm

        Ông Triệu Tiến Văn – Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Võ Nhai cho biết: “Cá tầm là loài cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Giá bán bình quân dao động từ 180.000 đến 300.000 đồng/kg. Đây là hướng đi phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu phát triển sinh kế tại địa phương. Nuôi cá tầm đã và đang góp phần tích cực trong công cuộc giảm nghèo tại các xã vùng sâu, vùng xa của huyện.”

        Gia đình ông Lê Văn Lá (sinh năm 1953) ở xóm Ngọc Sơn, xã Thần Sa là một trong những hộ nghèo lâu năm của địa phương. Trước đây, cuộc sống của gia đình ông phụ thuộc vào vài sào ruộng trồng ngô, trồng lúa, thu nhập bấp bênh, mùa vụ phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Tuy nhiên, từ khi được lựa chọn tham gia mô hình nuôi cá tầm, cuộc sống của gia đình ông đã có những thay đổi tích cực.

        “Gia đình tôi bắt đầu nuôi cá nước lạnh được hơn 2 năm nay. Nhờ mô hình hỗ trợ đúng lúc, cá lớn nhanh, giá ổn định nên thu nhập cao hơn trồng ngô, trồng lúa rất nhiều. Hiện nay, nuôi cá tầm là nguồn thu chính của gia đình tôi.” – ông Lá chia sẻ.

        Tương tự, hộ ông Dương Văn Vững (sinh năm 1979), cùng xóm Ngọc Sơn, cũng đã bén duyên với cá tầm gần 2 năm. Sau một thời gian thử nghiệm, ông nhận thấy khí hậu và nguồn nước ở Thần Sa rất phù hợp để nuôi cá nước lạnh, đặc biệt là cá tầm – một trong những loài cá có giá trị thương phẩm cao.

        “Với nền nhiệt độ trung bình từ 18 – 25 độ C, chênh lệch ngày đêm thấp, cá tầm phát triển ổn định. Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến chế độ dinh dưỡng và vệ sinh phòng dịch. Trại cá còn niêm yết bảng hướng dẫn cho ăn từng loại cám cụ thể theo từng giai đoạn để đảm bảo đúng giờ, đúng lượng, đúng loại. Nhờ đó, đàn cá sinh trưởng rất tốt.” – ông Vững cho biết.

Khẳng định hiệu quả mô hình giảm nghèo

        Xã Thần Sa nằm ở vùng núi cao của huyện Võ Nhai, nơi có địa hình đồi dốc, dân cư phân tán, hệ thống suối tự nhiên từ rừng nguyên sinh chảy về quanh năm. Nhiệt độ trung bình ổn định, nước mát và sạch, ít chịu tác động của ô nhiễm môi trường. Đây là điều kiện tự nhiên lý tưởng cho các loài cá nước lạnh sinh trưởng, đặc biệt là cá tầm – loài cá vốn chỉ phù hợp với môi trường ở các tỉnh Tây Bắc hoặc cao nguyên.

        Ông Trần Văn Tý, Tổ trưởng tổ sản xuất cộng đồng trong mô hình nuôi cá tầm thương phẩm tại xã Thần Sa khẳng định: “Tất cả các hộ tham gia mô hình đều là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chính quyền địa phương cùng cán bộ kỹ thuật đã đồng hành sát sao từ khâu làm bể, chọn giống, chăm sóc, theo dõi sức khỏe cá đến xây dựng quy trình vệ sinh môi trường chăn nuôi. Đây không chỉ là một dự án kinh tế mà còn là cơ hội để người dân vươn lên làm chủ sinh kế của chính mình.”

Ông Trần Văn Tý, Tổ trưởng tổ sản xuất cộng đồng trong mô hình nuôi cá tầm thương phẩm tại xã Thần Sa

        Hiện tại, các hộ đã quen dần với kỹ thuật nuôi, hình thành thói quen sản xuất có kế hoạch, quản lý chi phí và đầu ra tốt hơn. Bước đầu, một số hộ đã có sản phẩm thương phẩm bán ra thị trường, thu về thu nhập ổn định. Dù là địa phương bắt đầu mô hình nuôi cá nước lạnh muộn hơn so với nhiều nơi, nhưng với cách làm bài bản, dựa trên tiềm năng và lợi thế tự nhiên sẵn có, cá tầm ở Thần Sa đang dần đem lại hiệu quả kinh tế khá cho đồng bào người DTTS.

        Ông Triệu Tiến Văn cho biết thêm: “Từ thành công bước đầu của mô hình, huyện sẽ tiếp tục rà soát, mở rộng quy mô ở các xã có điều kiện tương tự như Thần Sa, gắn với xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ và thu hút doanh nghiệp tham gia. Đây là hướng đi lâu dài trong chiến lược giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS.”

        Ông Phan Đức Cường, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo cho biết: thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3 tỉnh Thái Nguyên đã kịp thời triển khai các văn bản hướng dẫn của Trung ương và ban hành các văn bản tổ chức triển khai thực hiện theo thẩm quyền của địa phương. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện 03 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thực hiện trên địa bàn đặc biệt khó khăn thuộc huyện Đồng Hỷ và Võ Nhai. Triển khai 40 dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế (Võ Nhai: 27 dự án; Đồng Hỷ: 8 dự án; Phú Bình: 03 dự án; Phú Lương 02 dự án). Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được khảo sát phù hợp với điều kiện từng vùng, từng dân tộc đã giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và giảm nghèo bền vững. Người dân được hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật sản xuất, một số mô hình còn liên kết được với hợp tác xã, doanh nghiệp, góp phần hình thành chuỗi giá trị sản phẩm. Đặc biệt, quá trình triển khai có sự tham gia chủ động của người dân, phù hợp với tập quán sản xuất tại chỗ, góp phần tăng tính bền vững cho chương trình.

        Mô hình nuôi cá tầm tại Võ Nhai không chỉ đơn thuần là câu chuyện thoát nghèo của vài hộ dân, mà còn là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của các chính sách dân tộc đang được triển khai đúng hướng. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, đến tinh thần chủ động vươn lên của người dân tất cả đã cùng tạo nên một luồng sinh khí mới, hứa hẹn đưa vùng đất Thần Sa từng bước khởi sắc.

Nguyễn Văn Nghĩa - Phòng Chính sách Dân tộc

Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3913493

SỞ DÂN TỘC VÀ TÔN GIÁO TỈNH THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: 666A đường Quang Trung, phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm nội dung: Đồng chí Phan Thanh Hà - Giám đốc Sở

Điện thoại: 0208 3651 865 - Fax: 0208 3651 864

Email:

Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên (https://sodantoctongiao.thainguyen.gov.vn) khi phát hành thông tin từ website này

Bản quyền © 2015 Sở Dân tộc và Tôn giáo Tỉnh Thái Nguyên. Bảo lưu toàn quyền