Người có uy tín: Cầu nối giữa Đảng với dân, giữ lửa văn hóa, góp sức dựng xây quê hương
2025-06-16 08:59:00.0
Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đây là lực lượng quan trọng, luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo tồn văn hóa truyền thống và là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với đồng bào các dân tộc.
Gương mẫu trong xây dựng nông thôn mới
Tại huyện Võ Nhai – địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, Người có uy tín đang phát huy tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.
Ông Trịnh Mạnh Hùng, sinh năm 1954, hiện là Người có uy tín xóm Cây Bòng, xã La Hiên. Trên cương vị của mình, ông thường xuyên tuyên truyền vận động bà con thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới. Dưới sự vận động của ông, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, đóng góp công sức để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa xóm, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ngày một khang trang, sạch đẹp. “Làm được điều gì có ích cho xóm làng, cho bà con thì tôi đều cố gắng hết sức. Người có uy tín không chỉ nói hay, mà phải làm thật, làm gương thì dân mới tin, mới làm theo”, ông Trịnh Mạnh Hùng chia sẻ.
Ông Trịnh Mạnh Hùng, sinh năm 1954 (đứng thứ 2 từ trái sang) là Người có uy tín xóm Cây Bòng, xã La Hiên trao đổi cùng đoàn công tác của UBND huyện Võ Nhai
Theo ông Triệu Tiến Văn, Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Võ Nhai, hiện toàn huyện Võ Nhai có 142 người uy tín tại 142 xóm, tổ dân phố, gồm các già làng, trưởng thôn, bí thư chi bộ, cán bộ nghỉ hưu, người sản xuất kinh doanh giỏi... Nhờ uy tín và sự tin tưởng của nhân dân, họ thường xuyên phát huy tốt vai trò của Người có uy tín đối với nhân dân, thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước, nắm bắt thông tin cơ sở, phản ánh kịp thời tình hình lên cấp ủy, chính quyền địa phương, từ đó giúp cho cấp ủy, chính quyền kịp thời ngăn ngừa, xử lý có hiệu quả các vụ việc sảy ra tại địa phương như mâu thuẫn nội bộ, các hoạt động tuyên truyền trái pháp luật, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc…
Gìn giữ văn hóa truyền thống bằng nghệ thuật múa rối
Nằm ở trung tâm xã Bình Yên, huyện Định Hóa, xóm Thẩm Rộc là một cộng đồng thuần nông gồm 85 hộ với gần 400 nhân khẩu, nơi có đến 8 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Tày chiếm đa số. Không chỉ nổi bật với các hoạt động nông nghiệp như trồng lúa nước, trồng rừng và chăn nuôi, bà con nơi đây còn lưu giữ được những giá trị văn hóa dân gian độc đáo như hát Then, hát Ví, Lượn cọi, đặc biệt là loại hình nghệ thuật múa rối cạn của người Tày có lịch sử hơn 200 năm.
Nghệ nhân Ma Quang Nhanh (đứng thứ 2 từ trái sang) cùng các thành viên phường rối cạn Thẩm Rộc, xã Bình Yên chuẩn bị con rối trước khi biểu diễn
Đứng đầu phường rối Thẩm Rộc là ông Ma Quang Nhanh, một Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Tày. Với sự nhiệt huyết và trách nhiệm, ông đã không ngừng tuyên truyền vận động người dân bảo tồn bản sắc văn hóa, đồng thời lồng ghép nội dung tuyên truyền chính sách pháp luật vào các tiết mục rối để truyền tải đến người dân theo cách dễ hiểu, gần gũi và sinh động.
Ông Ma Quang Nhanh chia sẻ: Trong những năm qua tôi đã tích cực tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, giáo dục con cháu bảo tồn, phát huy gia trị đạo đức, phong tục tập quán, văn hoá truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc và cũng chính là văn hoá của gia đình của dòng họ Ma Quang chúng tôi đã truyền qua nhiều đời, góp phần tô thắm thêm bản sắc văn hoá các dân tộc Định Hoá nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
“Để thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền đến người dân hiểu và chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, chúng tôi thường sử dụng các con rối để diễn những trích đoạn ngắn, lồng ghép các nội dung cần tuyên truyền, qua đó tạo ra được tiếng cười, không khí vui tươi khiến cuộc tuyên truyền trở nên gần gũi, người dân dễ nghe, dễ hiểu”. Ông Nhanh cho biết thêm.
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2015, nghệ thuật múa rối cạn của người Tày phường Thẩm Rộc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Phường rối hiện nay không chỉ được hỗ trợ kinh phí bảo tồn, phục dựng trang phục, đạo cụ, mà còn được giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước thông qua các chương trình văn hóa – nghệ thuật đặc sắc.
Ông Phan Thanh Hà, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo cho biết: toàn tỉnh có 1.170 người có uy tín trong cộng đồng đồng bào DTTS. Những người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Thái Nguyên không chỉ là “điểm tựa” về tinh thần, mà còn là cầu nối quan trọng trong việc đưa chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Bằng uy tín cá nhân, bằng sự tận tâm và gương mẫu, họ đã và đang góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển, văn minh, gìn giữ được giá trị truyền thống và nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc. Tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có uy tín; tạo điều kiện thuận lợi để họ phát huy vai trò nòng cốt trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín, các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thiết thực về chính sách, tạo điều kiện để họ tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội – qua đó củng cố niềm tin của Nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh.