Truy cập nội dung luôn

Mang cuộc sống mới đến với đồng bào dân tộc Mông xóm Lân Đăm

2025-06-15 09:05:00.0

        Từ một xóm đặc biệt khó khăn với 100% hộ là đồng bào dân tộc Mông, Lân Đăm (xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ) từng đối mặt với nhiều thiếu thốn về hạ tầng, sinh kế, dịch vụ xã hội…thế nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng và nhà nước và chính quyền địa phương, cùng với sự nỗ lự vươn lên của chính người dân, xóm nhỏ này đang từng bước khoác lên mình diện mạo mới-sáng hơn, ấm hơn và vững vàng hơn trên hành trình phát triển.

Xóm Lân Đăm, xã Quang Sơn, Đồng Hỷ, đã có nhà văn hóa khang trang nhờ huy động sức dân và sự hỗ trợ của Nhà nước.

        Ông Liễu Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Sơn, Bí thư Chi bộ xóm Lân Đăm, thông tin: Khoảng hơn 40 năm trước, bà con người dân tộc Mông từ các tỉnh miền núi phía Bắc, chủ yếu là Cao Bằng, Lạng Sơn, di cư đến sinh sống và hình thành nên xóm Lân Đăm. 100% gia đình là người dân tộc Mông, đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, đời sống còn rất khó khăn bởi đất canh tác ít. Trong tổng 114ha diện tích đất tự nhiên thì có tới 80ha là núi đá. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương dành nhiều nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân…

       Cụ thể, năm 2017, điểm Trường Tiểu học và Mầm non Lân Đăm được Nhà nước đầu tư xây dựng với 3 phòng học khang trang, đảm bảo 100% trẻ em trong độ tuổi được đến lớp học tập. Năm 2019, 100% đường trục xóm đã được đổ bê tông, giúp bà con đi lại và giao thương thuận tiện hơn; xóm được đầu tư trạm biến áp và đường dây điện hạ thế, cung cấp điện lưới quốc gia cho 100% hộ dân. Đến năm 2022, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, mặt đường trục chính của xóm được mở rộng từ 2m lên 3,5m, thuận tiện cho ô tô di chuyển dễ dàng. Ngoài ra, công trình nước sinh hoạt tập trung cũng được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp lên với sức chứa 8m3 giúp bà con được sử dụng nguồn nước sạch. Cùng với cơ sở hạ tầng, để tạo sinh kế cho người dân, những năm qua, xã Quang Sơn đã triển khai hiệu quả các chương trình, nguồn vốn, chính sách hỗ trợ của Nhà nước tới người dân. Cụ thể như: Chương trình dạy nghề ngắn hạn, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ giá giống; giải ngân 1 tỷ đồng chương trình cho vay trồng rừng, phát triển kinh tế dành cho hộ nghèo, cận nghèo của Ngân hàng chính sách xã hội; hỗ trợ 227 triệu đồng dự án chăn nuôi bò sinh sản với 10 hộ dân tham gia...

        Tính đến hết năm 2024, Lân Đăm có 23 hộ dân thì có 2 hộ vươn lên kinh tế khá giả, đây là kết quả tuy vẫn còn khiêm tốn nhưng đáng khích lệ và là tín hiệu đáng mừng đối với xóm thuần Mông có xuất phát điểm thấp, còn lại 17 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo. Hiện nay, xóm đã có 7 người làm việc tại các công ty, nhà máy trong tỉnh. Ngoài ra, người dân đã biết tận dụng từng khoảnh đất trồng 4,5ha ngô/năm, sản lượng đạt 19,3 tấn/năm; trồng 6,5ha rừng và 2,2ha cây ăn quả chủ yếu như mít, na; chăn nuôi trên 330 con gia súc, gia cầm...

Bà con người Mông xóm Lân Đăm tận dụng từng khoảnh đất để trồng ngô, giúp nâng cao thu nhập.

        Năm 2024, lần đầu tiên xóm đã xây dựng mới nhà văn hóa với diện tích 132m2, tổng kinh phí 490 triệu đồng, trong đó người dân góp 65 công lao động, 86 triệu đồng kinh phí xây dựng và mua thiết bị nhà văn hóa, chấm dứt tình cảnh họp nhờ nhà dân hay lớp học bao năm qua. Kết thúc năm, xóm có 91,3% hộ dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 3 năm liền xóm được công nhận xóm văn hóa (2022-2024). Xóm không có trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em dưới 6 tuổi được tiêm chủng đầy đủ theo các chương trình y tế cộng đồng. Từ năm 2023 đến nay xóm không có trường hợp nào sinh con thứ ba.

        Trong năm 2025 này, thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, 11 hộ dân ở Lân Đăm đã được hỗ trợ tổng kinh phí 410 triệu đồng để sửa chữa, xây mới nhà. Anh Dương Văn Kiên, người dân trong xóm, xúc động nói: Trước đây, nhà tôi có 7 người sống chật hẹp trong ngôi nhà tạm. May mắn khi được đơn vị quân đội hỗ trợ 80 triệu đồng để xây nhà mới, tôi yên tâm khi có ngôi nhà kiên cố cho gia đình.

        Đồng chí Phan Thanh Hà, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo cho biết: Các xóm có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống hiện nay đang là “lõi nghèo” của cả tỉnh, do vậy các cấp, các ngành luôn ưu tiên nguồn lực từ các Chương trình, Đề án, Chính sách dân tộc để đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, trường học, điện lưới Quốc gia ... Cùng với đó, đưa các cây, con giống có giá trị kinh tế cao và phù hợp với tập quán canh tác, đất đai, thổ nhưỡng của đồng bào từ đó tạo điều kiện cho các xóm, bản đặc biệt khó khăn vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển với các khu vực khác.

       Lâm Đăm hôm nay không chỉ đổi thay bằng những con đường bê tông, ngôi nhà kiên cố hay lớp học khang trang, mà còn đổi thay từ chính ý chí, niềm tin vào một tương lai tươi sáng của bà con nơi đây.

Nguyễn Văn Nghĩa - Phòng Chính sách Dân tộc

Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3913497

SỞ DÂN TỘC VÀ TÔN GIÁO TỈNH THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: 666A đường Quang Trung, phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm nội dung: Đồng chí Phan Thanh Hà - Giám đốc Sở

Điện thoại: 0208 3651 865 - Fax: 0208 3651 864

Email:

Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên (https://sodantoctongiao.thainguyen.gov.vn) khi phát hành thông tin từ website này

Bản quyền © 2015 Sở Dân tộc và Tôn giáo Tỉnh Thái Nguyên. Bảo lưu toàn quyền