Truy cập nội dung luôn

Tăng cường thu hút nguồn nhân lực phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên

Thu Jun 19 11:39:00 GMT+07:00 2025

        Phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng trong giai đoạn hiện nay, đồng thời là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Việc phát triển nguồn nhân lực DTTS cần được triển khai đồng bộ, gắn kết từ các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô đến các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo động lực để đồng bào DTTS chủ động vươn lên, làm chủ cuộc sống, làm chủ địa bàn cư trú và vượt ra khỏi giới hạn của bản làng, từng bước hội nhập, phát triển bền vững.


Ảnh minh họa

        Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đòi hỏi cần có những giải pháp toàn diện, trong đó phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ pháp luật tại chỗ là yếu tố then chốt. Một trong những hướng đi phù hợp và bền vững là đào tạo, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực là người DTTS hoặc những người thông thạo tiếng DTTS, đã được đào tạo chuyên ngành luật để trực tiếp tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương. Đây chính là lực lượng nắm bắt rõ đặc điểm văn hóa, xã hội của cộng đồng, có khả năng truyền tải pháp luật đến người dân một cách gần gũi, dễ hiểu và hiệu quả hơn.

        Từ thực tiễn đó, cần thiết phải xây dựng chính sách thu hút, hỗ trợ, tạo điều kiện cho sinh viên, học viên là người DTTS hoặc biết tiếng DTTS đã tốt nghiệp chuyên ngành luật tham gia vào đội ngũ làm công tác pháp luật tại các xã, huyện vùng đồng bào. Điều này không chỉ góp phần bổ sung nguồn lực tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật cho cơ sở, mà còn tạo động lực để người DTTS chủ động học tập, nâng cao năng lực, phát huy vai trò trong xây dựng và phát triển địa phương.

        Tại Thái Nguyên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 15/01/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra định hướng quan trọng về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tiếp đó, Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 12/4/2022 nhấn mạnh vai trò của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật một cách nghiêm túc, hiệu quả. Đặc biệt, Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 21/6/2024 của UBND tỉnh về triển khai Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024–2030” đã đặt ra yêu cầu cụ thể, gắn với việc xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên là người địa phương, có trình độ chuyên môn phù hợp và am hiểu tiếng nói, phong tục tập quán của đồng bào DTTS.

        Thực trạng đào tạo nhân lực dân tộc thiểu số và xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật am hiểu tiếng dân tộc thiểu số tại tỉnh Thái Nguyên

        Tỉnh Thái Nguyên nằm ở vùng trung du và miền núi phía Bắc, gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện với 6 huyện và 3 thành phố, trong đó có 4 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao. Với diện tích trên 3.526 km² và dân số khoảng 1,36 triệu người, tỉnh là nơi sinh sống của 46 dân tộc anh em, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 30%, tương đương khoảng 384.000 người. Đồng bào dân tộc thiểu số tập trung chủ yếu tại các huyện miền núi, vùng cao như Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ và Đại Từ.

        Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã thuộc khu vực I, II, III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2025, đến thời điểm tháng 3 năm 2025, toàn tỉnh Thái Nguyên có 110 xã, thị trấn được xác định thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 103 xã thuộc khu vực I, 07 xã thuộc khu vực III; tỉnh không còn xã thuộc khu vực II. Ngoài ra, theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc, toàn tỉnh có 142 thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

        Hiện nay, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số hoặc thành thạo tiếng dân tộc thiểu số tại Thái Nguyên vẫn còn hạn chế về cả số lượng và chất lượng. Việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho lực lượng này chưa được đầu tư đầy đủ, dẫn đến khó khăn trong thu hút sinh viên người dân tộc thiểu số tốt nghiệp ngành luật về làm việc tại địa phương. Tỷ lệ sinh viên dân tộc thiểu số theo học ngành luật ở các trường trong và ngoài tỉnh còn thấp, khiến nguồn nhân lực pháp luật phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

        Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỉnh đã có những bước tiến tích cực trong phát triển nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số. Đến cuối năm 2024, số cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số chiếm gần 29% tổng biên chế, trong đó nhiều người giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý quan trọng trong hệ thống chính trị địa phương. Tỉnh cũng tập trung triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo dự bị đại học, đại học, sau đại học và phát triển giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

        Dù vậy, số lượng người dân tộc thiểu số tốt nghiệp ngành luật vẫn còn khiêm tốn. Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách thu hút nguồn nhân lực pháp luật chưa thực sự hấp dẫn, điều kiện làm việc ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn như thu nhập thấp, thiếu cơ sở vật chất và hạn chế cơ hội thăng tiến nghề nghiệp. Ngoài ra, nhiều báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa thành thạo tiếng dân tộc, thiếu hiểu biết về phong tục, tập quán địa phương, cùng với phương pháp truyền đạt còn mang tính hình thức, chưa thực sự phù hợp với đặc điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những yếu tố này làm giảm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, gây ảnh hưởng tới sự tiếp nhận của đồng bào.

        Trong bối cảnh hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện và đổi mới nhanh chóng, việc truyền tải kịp thời các chủ trương, chính sách đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, là nhiệm vụ cấp thiết. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật am hiểu tiếng dân tộc thiểu số giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật, đồng thời góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và củng cố niềm tin của đồng bào đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

        Vì vậy, tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời xây dựng các chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực pháp luật là người dân tộc thiểu số về công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc đầu tư xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đủ về số lượng, mạnh về chất lượng sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững và giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

        Giải pháp thu hút và sử dụng sinh viên, học viên người dân tộc thiểu số hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số tốt nghiệp ngành luật về công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

        Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), việc thu hút và sử dụng sinh viên, học viên là người DTTS hoặc biết tiếng DTTS tốt nghiệp ngành luật là một yêu cầu cấp thiết, góp phần xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật có chất lượng, phù hợp với đặc điểm văn hóa, ngôn ngữ, phong tục của từng địa phương.

       Trước hết, cần tiếp tục triển khai và mở rộng các chính sách ưu đãi trong đào tạo đối với sinh viên DTTS ngành luật, như miễn giảm học phí, cấp học bổng, hỗ trợ chi phí sinh hoạt và học tập, ưu tiên tuyển sinh và cam kết công tác tại vùng DTTS sau tốt nghiệp. Chương trình đào tạo cần được điều chỉnh phù hợp, tích hợp kiến thức pháp luật với tiếng dân tộc, văn hóa truyền thống, giúp sinh viên nâng cao khả năng truyền đạt pháp luật hiệu quả tại cơ sở. Việc tăng cường tổ chức các hoạt động thực hành, hội thảo, thực tập tại địa phương sẽ góp phần tạo sự gắn kết giữa đào tạo và thực tiễn sử dụng.

        Bên cạnh đó, chính sách tuyển dụng và sử dụng nhân lực ngành luật tại vùng DTTS và miền núi cần được hoàn thiện, bảo đảm công bằng, minh bạch và có cơ chế đãi ngộ hợp lý như hỗ trợ lương, phụ cấp khu vực, nhà ở, phương tiện đi lại, cơ hội đào tạo nâng cao và phát triển nghề nghiệp rõ ràng, giúp cán bộ yên tâm công tác lâu dài tại cơ sở.

        Cùng với đào tạo và tuyển dụng, việc xây dựng lực lượng nòng cốt làm công tác pháp luật tại cơ sở là người DTTS hoặc biết tiếng DTTS cần được đặc biệt chú trọng. Đây là lực lượng có lợi thế về ngôn ngữ, am hiểu phong tục, tập quán, có khả năng tuyên truyền pháp luật gần dân, sát dân và hiệu quả hơn.

        Công tác thu hút và sử dụng nguồn nhân lực pháp lý cần được gắn với việc triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2024–2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong năm 2025, là năm đầu tiên của giai đoạn 1, việc triển khai cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương, đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh như Thái Nguyên và Bắc Kạn, cần rà soát, điều chỉnh đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên hiện có để không gián đoạn hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở.

       Để bảo đảm tính bền vững, các cơ sở đào tạo luật cần liên kết chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực sau tốt nghiệp, ưu tiên bố trí sinh viên về công tác tại quê hương hoặc vùng DTTS, hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám” và tránh lãng phí chính sách. Song song đó, các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân cần phát huy vai trò hỗ trợ công tác tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức phong phú, gần gũi, dễ hiểu, bảo đảm tính dân vận cao, góp phần đưa pháp luật đến với đồng bào một cách hiệu quả.

        Trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển xã hội số, cần thúc đẩy kết nối giữa các vùng miền, các dân tộc theo hướng bình đẳng và gắn kết. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển, nâng cao dân trí và khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tuy nhiên, vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, trình độ dân trí hạn chế, dễ bị lợi dụng kích động. Vì vậy, ưu tiên xây dựng lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật có chất lượng, am hiểu văn hóa địa phương là rất cần thiết. Trong bối cảnh sáp nhập tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, yêu cầu xây dựng lực lượng phổ biến giáo dục pháp luật càng trở nên cấp bách hơn. Để thực hiện hiệu quả, cần bảo đảm nguồn nhân lực ổn định, chất lượng, có tâm huyết và được hỗ trợ đầy đủ; đồng thời triển khai các giải pháp lâu dài nhằm xây dựng nền tảng vững chắc cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời kỳ phát triển mới.

Vũ Thị Khánh Huyền - Thanh tra Sở Dân tộc và Tôn giáo

Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3913509

SỞ DÂN TỘC VÀ TÔN GIÁO TỈNH THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: 666A đường Quang Trung, phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm nội dung: Đồng chí Phan Thanh Hà - Giám đốc Sở

Điện thoại: 0208 3651 865 - Fax: 0208 3651 864

Email:

Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên (https://sodantoctongiao.thainguyen.gov.vn) khi phát hành thông tin từ website này

Bản quyền © 2015 Sở Dân tộc và Tôn giáo Tỉnh Thái Nguyên. Bảo lưu toàn quyền