QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên
Từ năm 1954, cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh được hình thành và trực thuộc Tỉnh uỷ Bắc Thái. Ngày 19/10/1959, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Thái đã ban hành Nghị quyết số 290/NQ-TN thành lập Ban Dân tộc trực thuộc Tỉnh uỷ, do đồng chí Triệu Sinh Tài, Uỷ viên Ủy ban Hành chính tỉnh làm Trưởng Ban với nhiệm vụ:“Nghiên cứu, theo dõi và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ; đề xuất, xây dựng các chính sách thích hợp với tình hình hoàn cảnh các dân tộc, nhất là các dân tộc vùng cao và dân tộc ít người trong tỉnh; thường xuyên báo cáo thỉnh thị với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Ban Dân tộc Khu, Ban Dân tộc Trung ương về các chủ trương công tác của ngành mình”. Về sau, Ban Dân tộc đổi tên thành Ban Dân vận Dân tộc Tỉnh uỷ.
Đến ngày 24/4/1982 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Thái đã ký ban hành Quyết định số 23/QĐ-BT về việc sáp nhập Ban Dân vận Dân tộc và Ban Dân vận thành Ban Dân vận Tỉnh uỷ như hiện nay.
Theo tinh thần Nghị quyết số 38/CP ngày 01/3/1968 của Chính phủ về công tác Định canh định cư vùng đồng bào dân tộc, tháng 3/1968 UBND tỉnh Bắc Thái quyết định thành lập Ban vận động Định canh định cư do đồng chí Doanh Hằng, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban, các uỷ viên Ban vận động thuộc các ngành liên quan như: Kế hoạch, Lâm nghiệp, Nông nghiệp ..., với nhiệm vụ là: vận động đồng bào không du canh, du cư, định canh, định cư hạ sơn khai hoang mở rộng diện tích sản xuất lương thực tại chỗ từng bước xây dựng hợp tác xã và vận động đồng bào chống mê tín dị đoan, xoá mù chữ và củng cố chính quyền xóm, xã ...
Từ năm 1976 đến tháng 7/1978 nhiệm vụ công tác định canh, định cư, khai hoang được chuyển về trực thuộc Uỷ ban Nông nghiệp tỉnh.
Từ tháng 8/1978 đến tháng 10/1996 tiếp tục chuyển nhiệm vụ công tác định canh, định cư, khai hoang về Sở Lâm nghiệp.
Từ tháng 11/1996 đến tháng 8/2004 nhiệm vụ công tác định canh, định cư chuyển về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trực tiếp thực hiện là Chi cục Định canh định cư trực thuộc Sở).
Thực hiện Nghị định số 53/2004/NĐ-CP ngày 18/02/2004 của Chính phủ về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp, Thông tư số 246/2004/TTLT-UBDT-BNV ngày 06/5/2004 của liên bộ Uỷ ban Dân tộc - Bộ Nội vụ về Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp UBND quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở địa phương. Ngày 26/8/2004, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 1987/2004/QĐ-UBND thành lập Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên và chính thức hoạt động từ tháng 11/2004.
Với nhiệm vụ là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc và là cơ quan thường trực triển khai thực hiện một số chính sách dân tộc quan trọng, tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý, chỉ đạo các chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh, đề xuất chính sách đặc thù và phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức triển khai thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh, thực hiện mục tiêu “các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển”. Việc thành lập Ban Dân tộc tỉnh có một ý nghĩa hết sức quan trọng, đây là việc cụ thể hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương (khóa IX) đã khẳng định: ‘‘Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam’’.... "Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị".
Tuy nhiên, về tổ chức bộ máy của Ban Dân tộc tỉnh khi mới thành lập với biên chế là 12 người gồm: 01 Trưởng Ban, 01 Phó Trưởng Ban, 02 phòng (Văn phòng, Phòng Chính sách Dân tộc), bước đầu còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức: Cơ sở vật chất điều kiện làm việc còn thiếu thốn; Tổ chức biên chế đang trong quá trình sắp xếp, đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng; các chính sách dân tộc ở tỉnh do nhiều Sở, ngành đảm nhiệm; tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc ở cấp huyện không ổn định do đó gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và sự giúp đỡ chỉ đạo về chuyên môn của Uỷ ban Dân tộc, đến nay, tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện đã được củng cố và kiện toàn; đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc của tỉnh từng bước trưởng thành, được đào tạo cơ bản cả về chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nỗ lực của đội ngũ làm công tác dân tộc của tỉnh đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cơ sở vùng dân tộc, miền núi; xây dựng mối quan hệ bình đẳng, đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em trên địa bàn.
Thực hiện Thông tư Liên tịch số 04/2010/TTLT-UBDT-BNV ngày 17/9/2010 của Ủy ban Dân tộc và Bộ Nội vụ về Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên được quy định lại vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức tại Quyết định số 2446/QĐ-UBND ngày 25/10/2010, với vị trí và chức năng là cơ quan chuyên môn ngang Sở thuộc UBND tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 04/2010/TTLT-UBDT-BNV ngày 17/9/2010 của Ủy ban Dân tộc và Bộ Nội vụ. Các phòng chức năng tham mưu gồm có 4 phòng là: Văn phòng; Thanh tra; Phòng Chính sách Dân tộc; Phòng Kế hoạch - Tổng hợp.
Đến tháng 12/2015, thực hiện Thông tư liên tịch số 07/2014/TTLT-UBDT-BNV ngày 22/12/2014 của Ủy ban Dân tộc và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên được quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức tại Quyết định số 3735/QĐ-UBND ngày 30/12/2015 của UBND tỉnh Thái Nguyên, có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2014/TTLT-UBDT-BNV ngày 22/12/2014 của Ủy ban Dân tộc và Bộ Nội vụ. Với tổng số 20 cán bộ, công chức, nhân viên, gồm: 01 Trưởng Ban, 03 Phó Trưởng Ban và 16 cán bộ, công chức, nhân viên của 05 bộ phận tham mưu là: Văn phòng; Thanh tra; Phòng Chính sách Dân tộc; Phòng Kế hoạch và Tổng hợp; Phòng Tuyên Truyền và Địa bàn.
Thực hiện Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Đề án số 09-ĐA/TU ngày 29/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Nguyên thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên được quy định lại cơ cấu tổ chức tại Quyết định số 452/QĐ-UBND ngày 26/02/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên. Với tổng số 19 cán bộ, công chức, nhân viên, gồm: 01 Trưởng Ban, 02 Phó Trưởng Ban và 16 cán bộ, công chức, nhân viên của 03 bộ phận tham mưu là: Văn phòng; Thanh tra; Phòng Chính sách Dân tộc.
Thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 19/02/2025 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Sở Dân tộc và Tôn giáo được quy định lại cơ cấu tổ chức tại Quyết định số 482/QĐ-UBND ngày 26/02/2025 của UBND tỉnh Thái Nguyên. Với tổng số 26 cán bộ, công chức, nhân viên, gồm: 01 Giám đốc, 03 Phó Giám đốc và 22 cán bộ, công chức, nhân viên của 04 bộ phận tham mưu là: Phòng Hành chính – Tổng hợp; Thanh tra; Phòng Chính sách Dân tộc, Phòng Tôn giáo – Tín Ngưỡng.
Trong những năm qua, cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện, thành, thị đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Góp phần làm thay đổi căn bản cho vùng đồng bào các dân tộc và miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giảm từ 11,93% (năm 2021) xuống còn 5,85% (năm 2023); 96,18% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng, nước sinh hoạt, thủy lợi ... được cải thiện rõ rệt, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, và đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các chương trình chính sách dân tộc do Ban Dân tộc chủ trì triển khai thực hiện trong thời gian qua đã thu được những kết quả đáng ghi nhận.
Với những thành tích đạt được trong thời gian qua, Sở Tôn giáo và Dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì và hạng ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 5 lần được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Cờ thi đua xuất sắc. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên tặng nhiều cờ thi đua, Bằng khen vì đã Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn. Nhiều tập thể, cá nhân được Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng CHính phủ, Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh tặng thưởng Huân, Huy chương, Bằng khen do có nhiều thành tích trong công tác dân tộc.
Chặng đường thành lập và phát triển của Sở Tôn giáo và Dân tộc tỉnh Thái Nguyên là một hành trình chưa dài so với trên 100 năm lịch sử của tỉnh Thái Nguyên, tuy còn những tồn tại hạn chế nhưng có thể khẳng định rằng nhiệm vụ công tác dân tộc trong thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển; đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết ngay những vấn đề bức xúc như: tình trạng nông dân thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, nhà ở tạm bợ cùng với việc xây dựng kết cấu hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn./.