HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC VỀ CÔNG TÁC DÂN TỘC VÀ TÔN GIÁO
2025-04-03 16:10:00.0
Chiều 31/3, tại Nha Trang, Bộ Dân tộc và Tôn giáo tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác dân tộc và tôn giáo nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1: 2021-2025, đồng thời đề xuất nội dung chương trình giai đoạn 2: 2026-2030.
Ông Đào Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025 chủ trì. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Hải Trung - Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo; ông Lê Hữu Hoàng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy UBND tỉnh Khánh Hòa, cùng đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Quang cảnh Hội Nghị
Tư duy mới trong công tác quản lý nhà nước
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh vai trò chiến lược của công tác dân tộc và tôn giáo trong quá trình phát triển đất nước. Trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, việc xây dựng các chính sách phù hợp là yếu tố quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững và hài hòa.
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành phải có tư duy mới, nhận thức mới trong công tác quản lý nhà nước, nhằm tạo động lực phát triển nhanh hơn, đúng định hướng hơn. Việc đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, cần được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, việc tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng là nhiệm vụ quan trọng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Kết quả đạt được và thách thức
Trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được 6/9 chỉ tiêu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các kết quả nổi bật bao gồm:
- Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3-4% mỗi năm.
- Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt bình quân 42,7 triệu đồng/năm.
- Công tác giáo dục đạt 5/5 chỉ tiêu đề ra.
- Lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu và điều kiện địa phương đạt bình quân 54,3% dự kiến cả giai đoạn đạt 57,8%.
- Bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc đạt 2/2 chỉ tiêu.
- Công tác y tế tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đạt ¾ chỉ tiêu.
Tuy nhiên, vẫn còn ba nhóm mục tiêu chưa đạt:
1. Công tác định canh, định cư, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
2. Cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn.
3. Đạt mục tiêu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn
Định hướng giai đoạn 2026 - 2030
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm trong giai đoạn 2026-2030:
- Phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện nâng cao thu nhập.
- Cải thiện hạ tầng cơ sở, bao gồm đường giao thông, điện, nước sạch, trường học và trạm y tế.
- Nâng cao chất lượng giáo dục và y tế, đảm bảo con em đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận giáo dục tốt hơn và cải thiện dịch vụ y tế vùng sâu, vùng xa.
Bộ cũng nhấn mạnh cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực cho địa phương để triển khai hiệu quả hơn, tránh tình trạng tập trung quá nhiều quyết định ở cấp cao nhất.
Xóa nhà tạm, nhà dột nát – Mục tiêu quan trọng đến năm 2025
Một trong những nhiệm vụ cấp bách là xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc. Theo Nghị quyết 42, mục tiêu đến năm 2030 là hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đề xuất đẩy nhanh tiến độ, đặt mục tiêu đến năm 2025 xóa 400.000 căn nhà tạm, trong đó:
- 100 nghìn căn nhà cho người có công với cách mạng.
- 153 nghìn căn nhà bằng nguồn vốn xã hội hóa.
- Phần còn lại từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nếu đạt mục tiêu này, Việt Nam sẽ "về đích" sớm 5 năm so với kế hoạch ban đầu, giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình có điều kiện sống tốt hơn, ổn định cuộc sống.
Thái Nguyên quyết tâm thực hiện các mục tiêu quan trọng
Trước tinh thần chỉ đạo quyết liệt từ Bộ trưởng, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên, cam kết triển khai các chương trình hành động phù hợp với đặc thù địa phương, cụ thể:
- Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các mô hình sản xuất hiệu quả.
- Nâng cao chất lượng công tác quản lý tôn giáo, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và tạo điều kiện cho các hoạt động tôn giáo đúng quy định pháp luật.
- Thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi .
- Đẩy nhanh công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, phối hợp với các đơn vị liên quan để huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu này.
Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên kêu gọi sự chung tay của các cấp, ngành, đoàn thể và Nhân dân trong tỉnh để thực hiện tốt các chính sách dân tộc và tôn giáo, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng phát triển, giàu đẹp và văn minh.