Đưa nước sạch đến với đồng bào dân tộc thiểu số
2025-06-15 08:32:00.0
Thực hiện nội dung số 4 của Dự án 1 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021–2025, thời gian qua, Các Sở, ngành, UBND cấp huyện đã có nhiều giải pháp thiết thực nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện rõ rệt.
Chị Sầm Thị Duyên và anh Lý Văn Đông, người dân tộc Mông, xóm Liên Phương, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên vô cùng phấn khởi khi được thụ hưởng các công trình nước sạch.
Nỗ lực vì cuộc sống ổn định, bền vững
Nước sinh hoạt là một trong những nhu cầu thiết yếu gắn liền với đời sống hằng ngày của người dân. Tuy nhiên, tại nhiều xã, thôn vùng sâu, vùng xa của tỉnh – nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tình trạng thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh vẫn còn tồn tại. Trước thực trạng đó, Dự án 1 của Chương trình MTQG đã xác định giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt là một trong những nội dung quan trọng, ưu tiên triển khai tại các địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn. Mục tiêu của dự án Trung ương giao là đến năm 2025, có ít nhất 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực vào cuộc, căn cứ đối tượng, địa bàn rà soát nhu cầu thực tế, lựa chọn hình thức hỗ trợ phù hợp với từng địa bàn dân cư, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng.
Là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Từ năm 2021 đến nay, huyện Đồng Hỷ đã đầu tư cải tạo và xây mới 8 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, mang lại lợi ích thiết thực cho hàng trăm hộ dân. Cụ thể, các công trình được đầu tư tại Xóm Tân Sơn với kinh phí trên 1,8 tỷ đồng; Xóm Dạt gần 1,1 tỷ đồng; Xóm Liên Phương, xã Văn Lăng 726 triệu đồng; Xóm Bãi Vàng, xã Hợp Tiến xấp xỉ 1,7 tỷ đồng; Xóm Viến Ván, xã Quang Sơn 806 triệu đồng. Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.058 hộ dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí hơn 2,979 tỷ đồng, chủ yếu dưới hình thức hỗ trợ téc nước, bể chứa, giúp người dân chủ động tích trữ và sử dụng nước hợp vệ sinh.
Ông Vũ Xuân Thái – Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Đồng Hỷ và ông Ngô Văn Tài Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lăng kiểm tra téc nước tại xóm Liên Phương, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ.
Chị Sầm Thị Duyên (sinh năm 1984), người dân tộc Mông ở xóm Liên Phương, xã Văn Lăng chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi phải dẫn nước từ khe núi về, đựng trong chum, chậu không có nắp đậy, nước mau hỏng và không đảm bảo vệ sinh. Giờ được hỗ trợ téc nước, gia đình tôi có thể chứa nước từ công trình nước sạch dùng dần, sạch sẽ và an toàn hơn nhiều."
Tương tự như chị Sầm Thị Duyên, anh Lý Văn Đông (sinh năm 1997) cũng bày tỏ niềm phấn khởi: "Giờ đây, nước của Công trình nước sạch tập trung đưa vào téc, vừa thuận tiện, vừa bảo đảm vệ sinh. Chúng tôi không còn phải đi gánh từng can nước như trước nữa."
Đồng bộ, kịp thời, bám sát thực tiễn
Tại huyện Phú Lương, công tác triển khai Dự án 1 cũng được thực hiện đồng bộ, đúng định hướng. Thông tin từ Phòng Dân tộc – Tôn giáo huyện Phú Lương cho biết, đến cuối năm 2024, toàn huyện đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 603 hộ; Hỗ trợ xây dựng 7 công trình nước sinh hoạt tập trung với hơn 1.184 hộ thụ hưởng.
Năm 2023, các hộ dân tại xã Yên Trạch đã được nhận téc nước hỗ trợ từ Dự án 1 - Chương trình MTQG
Bà Nguyễn Thuý Hằng – Phó Chủ tịch UBND huyện, Phụ trách Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Phú Lươngcho biết:: "Phú Lương có trên 49% dân số là đồng bào DTTS. Thiếu nước sạch là một trong những khó khăn thường trực, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sức khỏe người dân. Do đó, ngay sau khi có hướng dẫn của cấp trên, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan rà soát thực trạng nhu cầu nước sạch, đặc biệt ở các xã đặc biệt khó khăn, để lên phương án hỗ trợ cụ thể."
Bà Hằng cũng khẳng định: "Việc hỗ trợ được thực hiện đúng mục tiêu, đúng đối tượng, phù hợp thực tế và đúng quy định của Nhà nước, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Qua đó, giúp nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và đồng bằng."
Hiệu quả từ Dự án 1 - Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN cho thấy, khi chính sách đúng đắn được triển khai sát thực tiễn, người dân được tiếp cận hỗ trợ kịp thời, cuộc sống sẽ từng bước thay đổi theo hướng tích cực và bền vững. Ông Phan Đức Cường, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo cho biết: Giai đoạn 2021 – 2025, thực hiện Nội dung số 4, Dự án 1 thuộc CTMT tỉnh đã triển khai xây dựng 41 công trình nước sinh hoạt tập trung với gần 4.000 hộ được thụ hưởng; có 5.523 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán nhờ đó đến hết năm 2024 có 97,17% hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (vượt trên 7% mục tiêu Trung ương giao).
Việc đảm bảo nguồn nước sạch, hợp vệ sinh không chỉ là giải pháp cấp bách về y tế, môi trường mà còn là tiền đề quan trọng để đồng bào yên tâm sinh sống, sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Trong thời gian tới, các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá nhu cầu, đầu tư mở rộng các công trình cấp nước sinh hoạt, nhất là tại những khu vực chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, khô hạn. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chương trình MTQG.